Đẩy mạnh rà soát, chấn chỉnh công tác cán bộ

Nguyên Khánh (thực hiện) 01/01/2019 09:00

Trong Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018 gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Chính phủ xác định một trong những nhiệm vụ trong năm 2019 là tập trung khắc phục bằng được những yếu kém trong công tác cán bộ, kiểm tra công tác quy hoạch, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ trong phạm vi cả nước. Ông Mai Sỹ Diến - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa  trao đổi với PV Đại Đoàn Kết về vấn đề này.

Đẩy mạnh rà soát, chấn chỉnh công tác cán bộ

Ông Mai Sỹ Diến.

Theo ông Mai Sỹ Diến, công tác cán bộ bên cạnh những kết quả đạt được đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế. Đó là tình trạng “chạy” chức, “chạy” quyền, “chạy” quy hoạch, “chạy” luân chuyển chậm được ngăn chặn, đẩy lùi. Đánh giá cán bộ vẫn được coi là khâu yếu, chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn việc đánh giá với kết quả, hiệu quả công việc cụ thể. Bên cạnh đó, công tác luân chuyển cán bộ còn bất cập, chưa đạt yêu cầu. Tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong đó có cả người nhà, người thân, họ hàng xảy ra ở một số nơi, gây bức xúc dư luận xã hội...

“Do đó, để công tác cán bộ được công khai, minh bạch, Chính phủ xác định rà soát lại công tác cán bộ là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong năm 2019, tôi cho là rất đúng và trúng với yêu cầu thực tế đặt ra. Điều này thể hiện sự lắng nghe, cầu thị những ý kiến đóng góp của các ĐBQH, của nhân dân, dư luận của Chính phủ để kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, bất cập trong công tác cán bộ. Hy vọng qua kiểm tra, rà soát sẽ giúp chúng ta nhìn nhận rõ hơn đâu là những kẽ hở trong công tác cán bộ. Đâu là vướng mắc trong các quy định, đâu là vướng mắc trong thực thi công tác này. Với những trường hợp bất chấp mọi quy định về trình tự, điều kiện, tiêu chuẩn để bổ nhiệm “thần tốc” thì cần kiên quyết hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng. Đồng thời, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có sai phạm” - ông Diến nói.

PV:Ý ông là cần thành lập những đoàn thanh tra có đủ “quyền lực” để rà soát một cách tổng thể công tác cán bộ trên phạm vi cả nước?

Ông Mai Sỹ Diến: Đúng vậy, cần thanh tra toàn diện công tác cán bộ trong thời gian qua, chính đó là một lần rà soát. Bởi bình thường không ai dám nói. Khi có vấn đề thanh tra thì ít nhất các đơn vị phải có báo cáo về công tác cán bộ, số lượng, quá trình làm…từ đó các cơ quan mới rà soát lại các quy định để xem đúng chưa, đúng chỗ nào, chỗ nào người ta vận dụng vì quy định chưa rõ ràng. Mà họ vận dụng như vậy là đúng hay không đúng để điều chỉnh Luật. Hay có đơn vị có quy định riêng dù không phải thẩm quyền nhưng vấn đề bổ nhiệm, thêm tổ chức này, tổ chức kia, cấp này cấp khác… Tức là người ta lạm dụng để quy định thêm thì qua báo cáo hiện tượng đó sẽ bộc lộ ra để có chấn chỉnh kịp thời.

Qua rà soát, một số cán bộ, đảng viên biết cái sai, giả dối từ chuyện bằng cấp, lý lịch đến quy trình bổ nhiệm sẽ cung cấp cho đoàn thanh tra, qua đó làm rõ vụ việc. Thông qua lần này mới sàng lọc lại đội ngũ cán bộ chuẩn bị cho nhiệm kỳ tới. Phải tổng thanh tra lại toàn bộ là đúng đắn, vấn đề là làm có nghiêm túc không, đến nơi đến chốn không?

Muốn làm nghiêm thì hạt nhân của đoàn thanh tra sẽ là những ai để tránh chuyện thanh tra không có vi phạm, nhưng chỉ một thời gian sau đó các kênh khác lại phát hiện ra sai phạm ở chính nơi vừa thanh tra, thưa ông?

- Đối phó với thanh kiểm tra là chuyện của đối tượng bị thanh tra, vì có sai mới đối phó, còn có phát hiện ra hay không, phát hiện rồi có xử lý nghiêm không chính là trách nhiệm của người thanh kiểm tra. Tất nhiên hạt nhân của đoàn thanh tra không thể chọn những người trong cuộc. Thành viên đoàn kiểm tra cần lựa chọn kỹ, cơ cấu cho đảm bảo. Người đã thanh kiểm tra phải thật thà, thẳng thắng, nghiêm túc, trách nhiệm, chuyên môn cao, tâm phải sáng để không bị ràng buộc, lôi kéo bởi chuyện này chuyện khác.

Thanh tra là phải làm đến cùng các vấn đề, phải nắm được luật đối chiếu với cái họ làm xem cái nào đúng, chưa đúng, sai phải chỉ ra được. Đây là cuộc đấu tranh giữa cái đúng và cái sai. Đánh giá năng lực cán bộ thanh tra là đánh giá thông qua kết quả thanh tra, kết luận thanh tra. Tất nhiên, kết luận thanh tra “đẹp” mà một thời gian ở nơi vừa thanh tra lại truy ra sai phạm, thì chứng tỏ trình độ của đoàn thanh tra này có vấn đề, đó là chưa kể những yếu tố khác.

Tuy nhiên, có nhiều yếu tố để người ta lý giải việc chưa truy ra sai phạm là do lý do khách quan. Chẳng hạn như do áp lực về thời gian, nên kiểm tra không hết. Bởi trong thanh tra thì được chọn mẫu, vì không có thời gian làm hết, kiểm tra hết mọi nơi, 10 điểm chọn khoảng 3 điểm thôi. Dẫu vậy cũng không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh, làm cán bộ thanh tra phải nắm được thông tin trước, đi thanh tra kiểm tra giống như đi trinh sát, đầu tiên là nắm thông tin, sau đó phát hiện ra điểm có vấn đề thì anh phải chọn mẫu có vấn đề để kiểm tra, như thế mới tìm được sai phạm, chỉ ra cái đúng, cái sai được. Còn nếu anh chỉ đến hỏi chung chung, nghe báo cáo, rồi họ đưa đến vài điểm để kiểm tra được chuẩn bị sẵn thì sao tìm ra những chuyện này nọ được!

Ông từng cho rằng bổ nhiệm nhân sự không đúng cũng là một loại tham nhũng, vậy loại tham nhũng này sẽ gây hậu quả thế nào cho xã hội?

- Tôi cho rằng, bổ nhiệm nhân sự không đúng quy định cũng là một loại tham nhũng - tham nhũng trong công tác cán bộ. Loại tham nhũng này còn nguy hại hơn cả tham nhũng vật chất. Bởi hệ lụy của tham nhũng trong công tác cán bộ sẽ hình thành nên tầng lớp cán bộ cơ hội, thăng tiến chỉ lo xây dựng mối quan hệ để có lợi cho bản thân.

Ngoài ra, tham nhũng trong công tác cán bộ cũng hình thành nên tình trạng “một người làm quan cả họ được nhờ”, một cơ quan mà lãnh đạo nhiều hơn nhân viên... Đồng thời, làm méo mó công tác cán bộ, những tiêu chuẩn, tín nhiệm không phản ánh đúng thực tế. Việc bổ nhiệm cán bộ trên cơ sở thân quen, vây cánh tác động tiêu cực tới hiệu quả hoạt động của bộ máy.

Như chúng ta đã biết, cán bộ là “cái gốc của mọi vấn đề”, khi “cái gốc” này thực hiện không nghiêm, để xảy ra sai phạm thì để lại hậu quả rất nặng nề, làm giảm sút uy tín của Đảng, giảm sút niềm tin của nhân dân vào công tác cán bộ.

Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 90 về tiêu chuẩn cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Khung tiêu chuẩn chức danh là Quy định 89 cho tất cả chức danh lãnh đạo của cả hệ thống chính trị và mới đây Trung ương cũng ban hành quy định nêu gương. Đó là những giải pháp rất căn cơ. Vậy, sắp tới việc loại bỏ khỏi đội ngũ những phần tử tha hóa, biến chất và xây dựng một dội ngũ thực sự vì dân vì nước là rất thực tế?

- “Cán bộ là cái gốc của mọi vấn đề”, do đó “cái gốc” này phải làm cho thật tốt, cho thật vững mới có cơ hội cho sự phát triển của đất nước. Để không xảy ra những tiêu cực, lùm xùm trong đề bạt, bổ nhiệm cán bộ như thời gian qua, cần nâng cao kỷ luật Đảng trong công tác cán bộ. Nêu cao tính tự giác, đặc biệt là tính nêu gương của những người có vị trí quyết định về công tác cán bộ.

Bên cạnh đó, phải thực hiện nghiêm quy định của Trung ương về quy trình trong công tác cán bộ. Quy trình cán bộ của chúng ta rất chặt chẽ, cái lỗi lớn nhất là việc thực thi của chúng ta chưa nghiêm. Nhiều người đã cố tình làm méo mó quy trình để bổ nhiệm người nhà, người thân, “cánh hẩu” vì lợi ích cá nhân, gây bức xúc dư luận.

Ngoài ra, để tạo được sự minh bạch trong công tác cán bộ, lựa chọn được đội ngũ cán bộ chất lượng cần có cơ chế thi tuyển công khai, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Đặc biệt, cần xử lý nghiêm những cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu có vi phạm trong công tác cán bộ.

Vừa qua, với sự vào cuộc quyết liệt của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, rất nhiều trường hợp sai phạm trong công tác cán bộ đã được đưa ra ánh sáng, xử lý nghiêm minh. Do đó, nếu chúng ta quyết tâm làm đến cùng, không có vùng cấm trong xử lý các sai phạm thì sẽ lấy lại niềm tin của nhân dân vào công tác cán bộ.

Trân trọng cảm ơn ông!

Thanh tra là phải làm đến cùng các vấn đề, phải nắm được luật đối chiếu với cái họ làm xem cái nào đúng, chưa đúng, sai phải chỉ ra được. Đây là cuộc đấu tranh giữa cái đúng và cái sai. Đánh giá năng lực cán bộ thanh tra là đánh giá thông qua kết quả thanh tra, kết luận thanh tra. Tất nhiên, kết luận thanh tra “đẹp” mà một thời gian ở nơi vừa thanh tra truy ra sai phạm chứng tỏ trình độ của đoàn thanh tra này có vấn đề, đó là chưa kể những yếu tố khác.

Xây dựng từ chức trở thành nếp văn hóa của cán bộ

Ngày 19/5/2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết 26-NQ/TW về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Theo Nghị quyết này, sẽ đổi mới công tác ứng cử, bầu cử, bổ nhiệm, bố trí và sử dụng cán bộ. Trong đó, xây dựng quy định để việc nhận trách nhiệm, từ chức, từ nhiệm trở thành nếp văn hóa ứng xử của cán bộ; hoàn thiện các quy định về cách chức, bãi nhiệm, miễn nhiệm để việc có lên, có xuống, có vào, có ra trở thành bình thường trong công tác cán bộ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đẩy mạnh rà soát, chấn chỉnh công tác cán bộ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO