Dạy trẻ bớt vô cảm

Vĩnh Xuân 06/03/2016 14:10

Câu chuyện không một chiếc xe ô tô nào dừng lại đưa cháu bé Trần Gia Hân đi cấp cứu sau vụ tai nạn do xe Camry gây ra ở Ái Mộ, Gia Lâm, Hà Nội cuối tháng 2 vừa qua mà cô giáo D.K.L. kể lại đã nhận được hàng nghìn chia sẻ, nước mắt và sự cảm thương của cộng đồng mạng.

Cô giáo D.K.L. chia sẻ trên facebook của mình:“Mọi người chặn được một chiếc xe taxi. Khi mấy người bế cháu lên đưa ra xe thì taxi bỏ chạy mặc cho mình và mọi người kêu gọi. Tiếp tục mình đứng ra giữa đường chặn một cái xe con. Người đàn ông lái xe cố tình chen đám đông để thoát. Xe tải nhỏ của công an phường xuất hiện. Mình nói các chú đưa cháu đi. Mọi người bế cháu đặt xuống lòng xe tải. Hai bên có ghế. Mình lên ca bin (vì mình bị huyết áp cao nhìn học trò như vậy mình sợ mình không chịu đựng được). Xe bắt đầu chuyển bánh mình nhìn lại đằng sau chỉ có một mình cháu nằm chơ vơ giữa lòng xe tải. Những người bế cháu lên không ai ngồi với cháu. Mình bảo lái xe đỗ lại để nhờ những người có mặt ai đó ngồi sau với cháu. May lúc đó 115 đến…”

Tổn thất của gia đình những nạn nhân tử vong trong vụ tai nạn rồi sẽ vơi như bát nước nóng nguội dần nhưng nỗi đau về trái tim vô cảm sẽ mãi mãi không nguôi. “Bệnh vô cảm” là căn bệnh tâm hồn của những người có trái tim lạnh giá, không xúc động, sống ích kỷ, lạnh lùng, cho sự an toàn của bản thân mình là trên hết. Họ thờ ơ, làm ngơ trước những điều xấu xa, hoặc nỗi bất hạnh, không may của những người sống xung quanh mình. Vấn đề hệ trọng này đang thách đố cho các nhà giáo dục, các bậc cha mẹ, cũng như những người có trách nhiệm.

Theo PGS.TS Ngô Minh Oanh- Viện Nghiên cứu Giáo dục thuộc trường ĐH Sư phạm TP HCM, thời gian gần đây một bộ phận thanh thiếu niên, kể cả học sinh đang học ở các trường phổ thông có những biểu hiện lệch lạc như sống đua đòi, thích thụ hưởng, ích kỷ, vô trách nhiệm, thiếu trung thực, vô cảm với hoàn cảnh éo le của gia đình, xã hội. Nguyên nhân tình trạng này một phần do giáo dục của gia đình, môi trường sống của xã hội và một phần do giáo dục về đạo lý dân tộc và ý thức công dân ở nhà trường còn bất cập, chưa hiệu quả.

Vậy để khắc phục căn bệnh này phải bắt đầu từ đâu? Chắc chắn trước hết phải từ gia đình. Tình yêu lòng nhân ái phải được giáo dục từ nhỏ, thấy cái xấu, cái ác phải thấy bất bình, phẫn nộ. Nhìn cái đẹp phải biết ngưỡng mộ, thích thú. Chứ ai đó thấy cảnh tượng bi thương mà thờ ơ, không động lòng chua xót, rung động tâm can thì người đó chắc hẳn là một cỗ máy.

Cô giáo D.K.L. ơi, hãy bớt đau lòng, chua xót. Thiết nghĩ, trong khối lượng kiến thức ngồn ngộn hàng ngày truyền đạt cho học sinh, cô hãy dành đôi phút để trò chuyện cởi mở với học trò của mình về lòng nhân ái, về tình người thông qua những trải nghiệm thực tế mà cô đã trải qua, tin chắc sẽ hiệu quả hơn nhiều những bài học sáo rỗng trên sách vở.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dạy trẻ bớt vô cảm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO