Suốt 25 năm làm nghề cũng là từng ấy năm gắn bó với bao thế hệ học sinh có hoàn cảnh “đặc biệt” tại một ngôi trường mang tên “Hy Vọng”, cô giáo Trần Thị Minh Thảo, Hiệu trưởng trường PTCS Hy Vọng (quận Long Biên, Hà Nội), luôn là tấm gương nhà giáo với lòng nhiệt huyết vô tận.
Gắn bó với nghề giáo 25 năm qua, cô giáo Minh Thảo không những nỗ lực vượt qua khó khăn của cuộc sống, chiến thắng chính số phận của mình (được biết, khi mang thai đứa con đầu lòng, cô đã phát hiện mình có một khối u trong não), “người mẹ” ấy còn là chỗ dựa tinh thần cho những đứa con kém may mắn tại ngôi trường đặc biệt mang tên “Hy Vọng”.
Chia sẻ về cơ duyên khi được nhận công tác tại trường, cô Thảo thẳng thắn: “Ban đầu, khi có quyết định nhận công tác tại trường, nói thật là mình cũng thấy rất buồn bởi mình được đào tạo giáo dục tiểu học nhưng lại bị điều về một ngôi trường đặc biệt để công tác, khi mới về trường, mình nói nhưng các con không hiểu gì cả, mình làm đủ thứ như vẽ hình, giao tiếp bằng khẩu hình nhưng các con vẫn không hiểu điều mình muốn nói. Càng về sau, càng gắn bó nhiều với các con, mình càng thấy thương các con một phần vì hoàn cảnh không được như các bạn khác, một phần là khi làm được những điều tốt cho các con, mình lại thấy đó như là một cái vui cho đời, như cái đạo của một nhà giáo.”
Dạy trẻ không thể ngày một ngày hai, chưa kể đây là dạy những bạn học sinh mang hoàn cảnh đặc biệt nên cô Minh Thảo cùng các giáo viên khác đã gặp vô vàn khó khăn. Trước đây, ngôi trường chỉ là một căn nhà cấp bốn chật chội, trời mưa nước ngập, phải kê bàn ghế để di chuyển qua lại các phòng học. Hiện nay, tuy trường đã được xây mới, song các bạn học sinh khiếm thính chưa được hỗ trợ thiết bị trợ thính nên đã gặp rất nhiều hạn chế trong quá trình phát triển trí tuệ.
Trong quá trình giảng dạy, không phải lúc nào cô cũng nhận được sự hợp tác của học trò, đặc biệt lại bị rào cản bởi ngôn ngữ. Vì vậy mỗi ngày đứng lớp là mỗi ngày cô tích lũy thêm được kinh nghiệm mới trong việc giáo dục trẻ em khuyết tật.
“Muốn dạy trẻ em khuyết tật có hiệu quả, mình đã phải tìm hiểu xem các con có thể nghe nói đến đâu? Hiểu đến đâu? Giao tiếp thế nào? Để mình có phương pháp giảng dạy phù hợp nhất”, cô Thảo chia sẻ.
Dạy trẻ khiếm thính cần một quá trình dài, cô Minh Thảo đã phải tìm hiểu từng em để chọn bài giảng phù hợp với khả năng tư duy của trẻ. Đa dạng phương pháp giảng dạy bởi trong một lớp có nhiều trường hợp khác nhau và luôn hướng các bạn tới giao tiếp bằng chữ viết để thuận tiện cho công việc khi ra trường nhất có thể.
Bằng sự yêu nghề và tâm huyết với các em nhỏ kém may mắn, cô giáo Trần Thị Minh Thảo đã dạy dỗ và giúp đỡ cho rất nhiều lứa học trò khiếm thính trưởng thành nên người. Nhiều em ra trường tìm được công việc phù hợp để tự chăm lo cho bản thân, giảm gánh nặng cho xã hội. Có những em xây dựng được gia đình riêng, may mắn khi sinh con đẻ cái đều lành lặn, bình thường.
Không chỉ nhận được sự tin yêu của đồng nghiệp và tình cảm quý trọng của các em học sinh khiếm thính, cô giáo Trần Thị Minh Thảo, Hiệu trưởng trường Phổ Thông Cơ Sở Hy Vọng còn được nhận nhiều Bằng khen của TP Hà Nội, Hội cứu trợ trẻ em khuyết tật và Hội chữ thập đỏ quận Long Biên. Nhưng đối với cô, phần thưởng lớn nhất là chứng kiến sự trưởng thành của những đứa trẻ thiệt thòi. Bởi vậy, cô mong các em có được sự quan tâm, chăm sóc nhiều hơn nữa từ cộng đồng để các em có cơ hội sống tốt hơn.