ĐBQH lo ngại nhiều địa phương tăng trưởng âm

Việt Thắng 31/05/2023 12:39

Nhiều tỉnh, thành phố lớn đang tăng trưởng ở mức âm. Số doanh nghiệp giải thể và phá sản tăng cao. Rủi ro dịch bệnh, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại một số bệnh viện lớn.

Ngày 31/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023. ĐB Bố Thị Xuân Linh (đoàn Bình Thuận), Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Bình Thuận đề nghị, cần phải thẳng thắn nhìn nhận tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023, đó là tăng trưởng kinh tế quý I ước đạt 3,32% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (5,6%).

Bà Linh lo ngại khi nhiều tỉnh, thành phố lớn đang tăng trưởng ở mức âm. Số doanh nghiệp giải thể và phá sản tăng cao. Rủi ro dịch bệnh, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại một số bệnh viện lớn. Chưa kể, tình trạng cắt giảm lao động của doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực, thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp.

Do đó, bà Linh đề nghị Bộ Giáo dục và đào tạo quan tâm tham mưu với Chính phủ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chế độ chính sách liên quan đến phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đặc biệt là chính sách hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo và có hoàn cảnh khó khăn, nhằm tạo điều kiện học tập, duy trì sĩ số học sinh, nâng chất lượng giáo dục và trình độ dân trí vùng miền núi, dân tộc thiểu số.

Các ĐBQH tập trung lắng nghe các ý kiến để phát biểu tại phiên thảo luận quan trọng nhất của kỳ họp (Ảnh: Quang Vinh).

Cùng quan điểm, ĐB Ma Thị Thuý (đoàn Tuyên Quang) đồng tình với 11 nhóm giải pháp mà Chính phủ đã chỉ ra. Song bà Thuý đề nghị, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương quan tâm một số giải pháp như: Cần sớm rà soát toàn diện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đang được triển khai, xem chính sách nào hiệu quả, chính sách nào chưa thực sự hiệu quả để tạm dừng hoặc có biện pháp thay đổi kịp thời nhằm bổ sung nguồn lực cho nền kinh tế.

Bà Thúy cho rằng, biện pháp nhanh nhất, hiệu quả nhất và doanh nghiệp dễ hấp thụ nhất trong lúc này chính là dùng công cụ tài khóa để hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp như giảm lãi suất ngân hàng, giảm tiền thuê đất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm, giãn, miễn lãi chậm nộp bảo hiểm xã hội.

Bà Thuý cũng đề nghị, Quốc hội, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách riêng, cụ thể về đầu tư công; quyết tâm, sát sao hơn nữa để gỡ các vướng mắc nhất là các vướng mắc về thể chế, văn bản hướng dẫn cho các địa phương. Đẩy mạnh phân cấp, giao quyền về cho địa phương chủ động thực hiện và tự chịu trách nhiệm như là việc phân cấp chuyển mục đích sử dụng đất lúa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng.

“Các Bộ, ngành và địa phương cần tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp, tăng cường kỷ luật kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công và cần bám sát, đánh giá đúng tình hình, chú trọng nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án, chuẩn bị tốt mặt bằng sạch cho thi công”-bà Thuý nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ĐBQH lo ngại nhiều địa phương tăng trưởng âm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO