ĐBQH lưu ý phòng ngừa tham nhũng trong mua sắm, chi phí chống dịch

Mai Loan 08/11/2021 11:08

“Tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, giám sát, kiểm toán phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong công tác đầu tư mua sắm chi phí cho phòng chống dịch và các gói an sinh xã hội".

Ngày 8/11/2021, Quốc hội thảo luận ở hội trường về: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022; Báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024

ĐB Bố Thị Xuân Linh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Thuận cho rằng: Công tác vận động và huy động xã hội đã được Đảng, nhà nước, Mặt trận, đoàn thể quan tâm. Đã phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã tham gia hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Riêng MTTQ Việt Nam đã vận động kinh phí hiện vật tương đương trên 20 ngàn tỷ; phân bổ phần quà đại đoàn kết và túi an sinh xã hội trị giá trên 10 ngàn tỷ đồng.

Có thể nói Mặt trận và các đoàn thể chính trị xã hội từ Trung ương đến địa phương đã phát huy tốt trách nhiệm của mình trong giám sát việc triển khai các chương trình hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động đang khó khăn do dịch Covid-19.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, theo bà Linh công tác phòng chống dịch trong thời gian qua còn bộc lộ những khó khăn hạn chế như: công tác dự báo tình hình dịch có lúc chưa sát với thực tiễn; công tác chỉ đạo điều hành trong thời gian đầu đợt dịch lần thứ 4 có nơi còn lơ là, chủ quan, cứng nhắc, nhất là trong chỉ đạo các tình huống cụ thể và đột xuất.

Bà Linh cũng cho rằng: Việt Nam là 1 trong 4 nước đầu tiên trên thế giới phân lập được virus nhưng việc sản xuất xét nghiệm còn yếu, không đủ cung cấp trong nước, phải nhập khẩu với số lượng lớn, giá cả lớn làm cho tầm soát tốn kém. Việc phân bổ số lượng vaccine chưa đồng đều, tại nhiều địa phương ở vùng nguy cơ cao nhưng lượng vaccine còn ít, không đủ.

Hệ thống y tế còn bộc lộ yếu kém, nhất là y tế cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu khi dịch xảy ra, số lượng bác sĩ còn thấp, lưu lương y tế tại chỗ vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Còn nhiều đối tượng khó khăn chưa nhận được gói hỗ trợ an sinh xã hội, thủ tục hỗ trợ còn phức tạp rườm rà, tiến độ giải ngân chậm, quy định hỗ trợ đối với một số đối tượng chưa cụ thể nên các địa phương áp dụng chưa thống nhất.

Đưa ra kiến nghị, bà Linh đề xuất: Chính phủ đẩy mạnh các biện pháp phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Nghiên cứu tăng cường dự báo xu hướng dịch Covid-19. Chỉ đạo các Bộ, ngành địa phương kịp thời ban hành hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt ứng phó với dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, tập trung nguồn lực, đầu tư cho ngành y tế. Tăng cường năng lực của hệ thống y tế cơ sở nhằm thích ứng với dịch bệnh trong tình hình mới. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị cho y tế cơ sở. Rà soát điều chỉnh các chính sách cho lực lượng tham gia lực lượng phòng chống dịch.

Chiến lược ngoại giao vaccine trong thời gian qua rất hiệu quả. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh nghiên cứu chuyển giao công nghệ sản xuất trong nước để chủ động nguồn cung và tự chủ vaccine để đảm bảo cung cấp cho người dân trong nước.

Chỉ đạo triển khai hiệu quả chiến lược chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng chống Covid để đảm bảo an toàn khoa học, hiệu quả và phân bổ vaccine hợp lý.

Chủ tịch MTTQ tỉnh Bình Thuận cũng đề nghị cần quan tâm nghiên cứu có chính sách hỗ trợ động viên lực lượng tuyến đầu, cán bộ, công nhân, viên chức các ngành các cấp nhất là cán bộ cơ sở do làm nhiệm vụ bị mắc Covid-19, những người hy sinh, tử vong do thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch.

Cùng với đó, đánh giá hiệu quả các gói hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 để đề ra những giải pháp trong những năm tiếp theo.

Tiếp tục kiểm tra giám sát việc tổ chức các hoạt động, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân tại các địa phương. Kịp thời sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ lao động tự do, người dân có hoàn cảnh khó khăn để đảm bảo công bằng, không bỏ sót, bỏ lọt đối tượng.

“Tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, giám sát, kiểm toán phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong công tác đầu tư mua sắm chi phí cho phòng chống dịch và các gói an sinh xã hội. Cương quyết xử lý nghiêm, đúng theo quy định của pháp luật với những trường hợp phát hiện có sai phạm. Xây dựng các quy định về biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc đóng góp vào công tác phòng chống dịch và các hoạt động thiện nguyện” - bà Linh cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ĐBQH lưu ý phòng ngừa tham nhũng trong mua sắm, chi phí chống dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO