Để 'đường về' của liệt sỹ bớt gian nan

Nguyên Khánh 26/07/2019 07:00

Chiến tranh đã lùi xa mấy chục năm rồi, nhưng nỗi đau chiến tranh vẫn âm ỉ. Vẫn còn đó những người mẹ ngóng tin con, người vợ ngóng tin chồng, người con ngóng tin cha dù chỉ là ước nguyện tìm được một nắm hài cốt để đưa về quê hương mai táng.

Trong những ngày tháng 7 đặc biệt này, khán giả của màn ảnh nhỏ không khỏi bùi ngùi xúc động khi xem bộ phim tài liệu “Đường về” của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư. Bộ phim tài liệu xoay quanh câu chuyện của hai bà mẹ cùng quê có hai người con cùng tên, cùng quê quán, nhập ngũ cùng năm, hi sinh cùng năm chỉ khác nhau họ và tên đệm.

Năm 2002, mẹ Lưu Thị Hinh ở Ninh Bình được thông tin về hài cốt của người con trai là liệt sỹ Đinh Duy Tuân nằm tại An Giang. 6 năm sau, khi đến thắp hương tại An Giang thì gia đình mới biết hài cốt này đã được gia đình mẹ Hà Thị Xuân, ở cùng quê, cũng được thông tin là hài cốt con trai mình nên chuyển về xây cất tại nghĩa trang dòng họ tại địa phương. Do chưa xác định được danh tính hài cốt nên hai người mẹ quyết định cùng thờ hai liệt sĩ trong một mộ phần. “Không phải con nhà bà, thì là con nhà tôi, cũng đều vì nước vì dân mà các anh hy sinh cả” - câu nói xúc động này khiến người xem không thể không rơi nước mắt. Đó là cách ứng xử đầy nhân văn, cao thượng của con người với con người.

Cuộc kiếm tìm và cái kết của công cuộc kiếm tìm tro cốt con trai phản ánh tình hình thực tế, sự gian nan không gì diễn tả hết của công cuộc kiếm tìm hài cốt liệt sỹ của các thân nhân gia đình liệt sỹ trên cả dải đất hình chữ S đau thương này.

Câu chuyện ngày ngày ngóng con của Mẹ Việt Nam Anh hùng Lăng Thị Thịnh ở huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc là câu chuyện xúc động khiến nhiều người rơi lệ. Hơn 40 năm nay, ngày nào mẹ cũng ngồi trước cửa căn nhà nhỏ, hướng ánh mắt về phía xa xăm, đợi chờ hai người con trai ra đi đến nay chưa về. Mẹ Thịnh có hai người con là Nguyễn Văn Chiến và Nguyễn Văn Đình đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Đến nay, mộ liệt sỹ Nguyễn Văn Chiến đã tìm được còn tro cốt của liệt sỹ Nguyễn Văn Đình yên nghỉ ở đâu vẫn chưa có thông tin. Sau những nỗ lực tìm kiếm gia đình đã xác định được liệt sĩ Nguyễn Văn Đình đã được quy tập vào Nghĩa trang huyện Phước Long cùng với nhiều đồng đội khác. Tuy nhiên, do bị thất lạc danh tính nên trên tất cả các bia mộ đều ghi là “liệt sỹ chưa biết tên”.

Câu chuyện về những người mẹ đợi con, người vợ chờ chồng, những đứa con thơ chờ cha năm nào nay đã thành ông thành bà có nguyện vọng tìm mộ người thân nếu được viết ra sẽ kín hàng trăm nghìn cuốn sách. Có người đã giúp tìm hàng chục mộ liệt sỹ, nhưng mộ cha và ông mình thì không tìm được. Lại có người đi tìm đồng đội mải miết mấy chục năm, khi mất vẫn chưa thỏa nguyện… Bởi trên những hành trình ấy không chỉ có công sức, nước mắt mà còn cả tiền bạc. Nhưng không phải ai cũng tìm được phần mộ liệt sỹ.

Không để người thân kiếm tìm phần mộ của những người đã khuất trong vô vọng, những năm qua chúng ta đã xây dựng Cổng Thông tin điện tử về liệt sỹ, mộ liệt sỹ và nghĩa trang liệt sỹ là việc làm không chỉ có ý nghĩa tâm linh mà còn là nghĩa cử tri ân đối với những người đã hy sinh thân mình vì đất nước; tạo điều kiện cho nhân dân và thân nhân tiếp cận thông tin nhanh nhất, giúp họ bớt khó khăn trong hành trình tìm mộ người thân.

Tuy nhiên, hiện nay cả nước vẫn còn khoảng 200.000 hài cốt liệt sỹ chưa được quy tập, chủ yếu nằm ở các tỉnh phía Nam và nước bạn Lào, Campuchia. Hệ thống nghĩa trang trên phạm vi cả nước còn hơn 300.000 mộ phần có hài cốt nhưng chưa có hoặc chưa rõ danh tính. Như vậy, số liệt sỹ chưa xác định được danh tính lên đến hơn 500.000, trong khi những đồng đội có thể biết thông tin về liệt sỹ ngày càng ít đi.

Tại Hội nghị Gặp mặt tuyên dương thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết đã có hơn 98,5% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư nơi cư trú, nhưng chúng ta chưa thể bằng lòng với kết quả đó, bởi hiện cả nước còn một bộ phận thương binh, bệnh binh, gia đình người có công với cách mạng có cuộc sống còn khó khăn, nhiều liệt sỹ chưa tìm được hài cốt, chưa xác định được danh tính, vẫn còn những người, những gia đình người có công vì nhiều lý do khác nhau chưa được hưởng đầy đủ chính sách ưu đãi. “Đây là những điều day dứt trong lòng người thân và trong mỗi chúng ta, cần được quan tâm của cả hệ thống chính trị và sự chung tay của toàn xã hội” – Thủ tướng nhấn mạnh. Do vậy, những người làm công tác xây dựng chính sách; chăm lo, tìm kiếm, cất bốc, quy tập mộ liệt sỹ cần làm gì đó quyết liệt hơn nữa để “đường về” của các liệt sỹ bớt gian nan.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để 'đường về' của liệt sỹ bớt gian nan

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO