Để giảm tính độc quyền

Minh Phương 05/10/2017 09:35

Tính đến hết năm 2016, Bộ Công thương đã thụ lý 32 vụ việc, Hội đồng cạnh tranh đã tiến hành điều tra chính thức 8 vụ, điều tra tiền tố tụng 87 vụ. Trong đó có 6 vụ trên tổng số 70 doanh nghiệp (DN) với mức tiền phạt sau xử lý lên đến 5,5 tỷ đồng. Con số trên cho thấy môi trường cạnh tranh đang còn nhiều dấu hỏi.

Đơn cử như vụ việc Công ty Vinapco là công ty con của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) là nhà độc quyền cung cấp xăng dầu hàng không đã từ chối cung cấp nhiên liệu cho JetStar Pacific (Hãng hàng không nội địa lớn thứ hai sau Vietnam Airlines) vào tháng 8/2008.

“Hệ quả là một số chuyến bay của JetStar Pacific bị ngưng trệ. Sau một cuộc điều tra do Cục Quản lý cạnh tranh, Vinapco đã bị phạt 3 tỷ đồng và được yêu cầu độc lập khỏi sự kiểm soát của Vietnam Airlines”, TS. Trịnh Anh Tuấn - Phó cục trưởng Cục Cạnh tranh Bảo vệ người tiêu dùng cho biết.

Cũng theo ông Tuấn, tính đến hết năm 2016, Bộ Công thương đã thụ lý 32 vụ việc và thông báo tập trung kinh tế cùng nhiều vụ việc tham vấn khác cả trước và trong quá trình các DN thực hiện tập trung kinh tế. Ngoài ra, cơ quan này còn tiếp nhận 182/330 hồ sơ đề nghị xử lý, trong đó có tới 62% tố cáo về hành vi quảng cáo cạnh tranh không lành mạnh. Tổng số tiến sau xử lý lên tới 2,2 tỷ đồng.

Trước thực trạng bất cập hiện nay của Luật Cạnh tranh, góp ý vào một số điểm trong Luật Cạnh tranh (sửa đổi), TS. Trịnh Anh Tuấn cho rằng, cần phải mở rộng phạm vi điều chỉnh hành vi về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh của một số tập đoàn lớn và tập trung kinh tế ra ngoài lãnh thổ Việt Nam. Đó là những yếu tố có tác động hạn chế cạnh tranh tới thị trường Việt Nam.

“Quá trình xây dựng Luật Cạnh tranh (sửa đổi) được soạn thảo và biên tập từ cuối năm 2016. Tháng 8 vừa qua, Chính phủ đã họp chuyên đề lấy ý kiến của các thành viên Chính phủ về dự thảo lần 4. Bộ Công thương đã nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến này để hoàn thiện dự án Luật, xây dựng dự thảo lần thứ 5 sẽ trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV diễn ra trong tháng 10 này”, ông Tuấn cho biết thêm.

Theo ông Phan Đức Hiếu, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Luật Cạnh tranh mới cần có cách tiếp cận mới, nhìn vào bản chất và tác động đến thực tế, đến cạnh tranh của các hành vi của DN. Điều này đòi hỏi năng lực và vị trí phù hợp của cơ quan cạnh tranh để thực hiện điều tra và ra quyết định đúng đắn.

Trao đổi, TS. Michael Krakowski, Cố vấn trưởng Chương trình Cải cách Kinh tế vĩ mô GIZ khẳng định, chính sách cạnh tranh thực sự cần thiết để có thể hạn chế quyền lực về kinh tế dưới dạng độc quyền và độc quyền nhóm, hạn chế việc phân bổ nguồn lực một cách kém hiệu quả và để đảm bảo khả năng tiếp cận thị trường có sự cạnh tranh.

“Ở Việt Nam, sự cạnh tranh ngày càng tăng lên và mặc dù đã có chính sách về cạnh tranh nhưng vẫn đặt ra vấn đề về hiệu quả của sự cạnh tranh đó. Chính sách cạnh tranh liệu đã thực sự có hiệu lực trong xu hướng hiện nay của Việt Nam hay không là vấn đề cần được nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp”, TS. Michael Krakowski lưu ý.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để giảm tính độc quyền

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO