Đề kháng và hệ miễn dịch

Hoàng Mai 22/08/2017 08:10

Ngày 20/8, Chủ tịch nước Trần Đại Quang có bài viết “Tăng cường công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong tình hình mới”. Chủ tịch nước khẳng định: “Sự kết nối và tương tác thông qua internet đã mở ra một kỷ nguyên mới thúc đẩy tiến trình phát triển xã hội của nhân loại. Không gian mạng đã trở thành một bộ phận cấu thành và đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng xã hội thông tin và kinh tế tri thức. Do vậy, phát triển và làm chủ không gian mạng là một trong những nhiệm vụ quan trọng,


Ảnh minh họa.

Bên cạnh những lợi ích to lớn mà không gian mạng đem lại, Chủ tịch nước cũng đã nhấn mạnh đến các nguy cơ mà mỗi quốc gia phải đối mặt trước sự phát triển nhanh đến chóng mặt của công nghệ thông tin và không gian mạng; mà chuyện chiếm quyền điều khiển, phá hoại hệ thống mạng thông tin; sử dụng internet, nhất là các trang mạng xã hội với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt nhằm gây chia rẽ nội bộ, xâm phạm lợi ích, an ninh quốc gia.

Đặc biệt, “hoạt động tuyên truyền phá hoại tư tưởng, phá hoại nội bộ trên không gian mạng của các thế lực thù địch diễn ra với quy mô, cường độ ngày càng lớn, có trọng tâm, trọng điểm; sử dụng các trang mạng, blog liên tục đăng tải các bài viết có nội dung xấu, độc hại; tổ chức các chiến dịch công kích, bôi nhọ nhằm hạ uy tín của lãnh đạo Đảng, Nhà nước... Những hoạt động đó đã tác động tiêu cực tới tư tưởng, nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân; gây tâm lý hoang mang, nghi ngờ, làm suy giảm lòng tin vào chế độ xã hội chủ nghĩa và vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước”- Chủ tịch nước chỉ rõ.

Thời gian qua, người ta đã chứng kiến nhiều chiêu trò bôi bẩn trên mạng xã hội. Chỉ một thông tin vu vơ, ám chỉ, quy kết có chủ đích được tung lên mạng xã hội ngay lập tức sẽ có một “cơn bão” lời bình còn ác ý hơn ập xuống. Điều đáng buồn ở chỗ, những lời bình như thế sẽ khiến không ít người mất phương hướng.

Khi chưa có internet, những thông tin xấu độc thường được in ấn từ nước ngoài, chuyển vào Việt Nam. Còn nay trước sự bùng nổ của công nghệ thông tin những tài liệu xấu, độc hại được tán phát trên internet một cách công khai. Những thông tin xấu độc nói trên thường xuyên xuất hiện trên các mạng xã hội, trên blog cá nhân... Nói thế để thấy, mặt trái của internet không hề nhỏ.; Như đã thành quy luật, cứ vào dịp chuẩn bị đại hội Đảng các cấp, bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp là những thông tin xấu độc lại “nở rộ” mà mục đích không gì khác là nhằm đả kích chế độ, nói không đúng sự thật về các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước gây chia rẽ nội bộ, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thực tế tới nay chúng ta là một trong số không nhiều nước ở Đông Nam Á có hạ tầng mạng khá tốt. Hiện chúng ta có 45 triệu người có tài khoản Facebook, còn Youtube thì nước ta là 1 trong 10 nước có lượng người xem lớn nhất. Nhưng lợi dụng internet để thực hiện những mưu đồ xấu thì không thể chấp nhận được. Không phải ở Việt Nam mà ở quốc gia nào, điều ấy cũng không được phép. Có thể trước hết là bởi những quy chuẩn đạo đức; sau nữa là sự quy định chặt chẽ trong luật.

Ở rất gần chúng ta, ngay tại nước láng giềng Trung Quốc, Facebook không được “chào đón”. Cũng tương tự như vậy, vào mạng bằng Google gần như rất khó khăn nếu không nói là không tưởng; bởi họ sử dụng một trình duyệt riêng 100% của Trung Quốc để vào mạng. Còn mạng không dây thì hầu như vắng bóng tại các địa điểm công cộng. Còn Thái Lan- một đất nước trong Cộng đồng ASEAN cách quản lý internet cũng chặt chẽ không kém. Nếu hành khách đáp máy bay xuống bất cứ sân bay nào, muốn sử dụng Wifi trước tiên cần khai báo tên và số hộ chiếu hoặc chứng minh thư. Sau đó, hành khách ấy sẽ được hướng dẫn đăng nhập vào mạng trong một thời gian nhất định. Còn tại các điểm công cộng khác wifi không phải là thứ dễ kiếm tìm như ở ta.

Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng, ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật và giải pháp thúc đẩy ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong các lĩnh vực gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia trên không gian mạng; xây dựng không gian mạng an toàn, trở thành nguồn lực mạnh mẽ để xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Theo như nhận xét của Chủ tịch nước thì công tác nắm tình hình, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn, vô hiệu hóa các hoạt động sử dụng không gian mạng xâm phạm lợi ích, an ninh quốc gia, tội phạm mạng được tiến hành khẩn trương, có hiệu quả. Việc hướng dẫn, kiểm tra công tác bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật nội bộ trên không gian mạng được chú trọng. Công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được tăng cường.

Nhưng, Chủ tịch nước cũng chỉ rõ: “Tình hình mất an toàn thông tin mạng tại một số nơi còn diễn ra phức tạp. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm an toàn, an ninh mạng thông tin quốc gia chưa đồng bộ, hiệu lực thi hành chưa cao. Công tác quản lý nhà nước về an toàn, an ninh mạng còn sơ hở, chưa theo kịp tốc độ phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là đối với báo điện tử, mạng xã hội, trò chơi trực tuyến, thuê bao di động trả trước, hoạt động cung cấp dịch vụ viễn thông, internet”.

Cá biệt, một số cơ quan, tổ chức, cá nhân còn chủ quan, sơ hở trong quản lý thông tin nội bộ, bí mật nhà nước; chưa nhận thức đầy đủ vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng cũng như tính chất nguy hiểm trong âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, tội phạm mạng chống phá ta trên không gian mạng; công tác phòng ngừa còn để lộ, lọt bí mật nhà nước, bí mật nội bộ trên mạng…Với sự phát triển nóng như hiện nay không phải lúc nào cũng có thể dễ dàng quản lý mạng xã hội một cách tốt nhất. Nói thế không có nghĩa là đổ lỗi cho thực tế khách quan mà cần phải tìm ra biện pháp quản lý hiệu quả nhất. Biện pháp hiệu quả ấy, theo như Chủ tịch nước là “gắn kết chặt chẽ giữa “xây” và “chống” trong công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng, tạo sức đề kháng trước những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc, kích động, phá hoại của các thế lực thù địch và phần tử xấu”.

Trong đó, có lẽ biện pháp “tạo ra sức đề kháng” cho người dùng internet nói chung cần được chú ý. Điều này phụ thuộc rất nhiều người dùng internet. Nếu bản thân tự tạo được cho mình một “hệ miễn dịch” tốt thì không có thông tin xấu nào có thể làm lung lay tư tưởng của họ. Và, thực ra, chính người dùng bằng ý thức; bằng trách nhiệm sẽ tự quyết định nên hay không nên tiếp nhận thông tin nào trên mạng xã hội. Chỉ khi người sử dụng internet hiểu rõ những dạng thông tin không nên tiếp cận thì họ sẽ không phát tán chúng trên mạng. Khi ấy, kết hợp với các biện pháp kỹ thuật chúng ta mới có thể loại bỏ các thông tin xấu ra khỏi đời sống xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đề kháng và hệ miễn dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO