Để kinh tế số bứt phá

Hồ Hương 11/05/2020 08:00

Ngành công nghiệp số đang mang lại nhiều thành công cho nền kinh tế Việt Nam. Nó thúc đẩy đổi mới sáng tạo, cải tạo chất lượng môi trường kinh doanh.

Kinh tế số chiếm 20% GDP

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến vào Dự thảo Quyết định “Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030”. Trong đó xác định đến năm 2025, kinh tế số sẽ chiếm tỷ lệ ngày càng lớn trong nền kinh tế.

Mục tiêu được đưa ra đến năm 2025, nâng cao năng lực nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo của doanh nghiệp và nền kinh tế, hướng tới làm chủ một số công nghệ quan trọng của CMCN 4.0. Dự thảo cũng đặt ra đến năm 2025 kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP; năng suất lao động tăng bình quân trên 7%/năm. Đến năm 2025, Internet băng thông rộng phủ 100% các xã; 90% người dân sử dụng Internet; 100% các cơ quan quản lý nhà nước hoàn thành chuyển đổi số và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, Việt Nam có ít nhất 3 đô thị thông minh tại 3 vùng kinh tế trọng điểm (Bắc, Trung, Nam).

Đến năm 2030, kinh tế số chiếm khoảng 30% GDP; năng suất lao động tăng bình quân trên 7,5%/năm. Tổng đầu tư xã hội cho nghiên cứu và phát triển (R&D) đạt ít nhất 2% GDP.

Khó hay không khó?

Trong những năm qua, Việt Nam đã chứng kiến sự bùng nổ trong lĩnh vực mua sắm trực tuyến. Xu hướng thương mại điện tử và sự xuất hiện của các mô hình kinh doanh mới trên Internet đang thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân.

Đương nhiên, việc mua sắm online hay thương mại điện tử chỉ là một mảnh ghép nhỏ trong nền kinh tế số nhưng nó cũng là dẫn chứng cho thấy tiềm năng cũng như cơ hội mà kinh tế số mang lại.

Một thống kê cho biết năm 2019, Việt Nam sở hữu 61 triệu người dùng Internet, trung bình người Việt dành 3 giờ 12 phút sử dụng Internet trên thiết bị di động như điện thoại thông minh (smartphone).

Với việc hai “đầu tàu” là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nằm trong 7 thành phố lớn phát triển nền kinh tế số của khu vực, Việt Nam trở thành thị trường đón nhận nguồn đầu tư đứng thứ 3 trong khu vực, với 600 triệu USD đầu tư từ năm 2018 đến nửa đầu năm 2019. Số lượng các thương vụ đầu tư ít hơn nhưng giá trị cao hơn trong năm 2019. Một số thương vụ đầu tư vào MoMo, Sendo, Topica từ các nhà đầu tư quốc tế góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến của các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, nền kinh tế số của Việt Nam còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Theo PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo-Viện trưởng Viện Công nghệ tài chính (Đại học Kinh tế TPHCM), có thể nhận thấy thách thức cơ bản nhất của quá trình phát triển nền kinh tế số nằm ở câu hỏi quá trình chuyển đổi số của chúng ta sẽ diễn ra như thế nào? Nói cách khác là làm sao dung hoà được lợi ích và quản lý song song các mô hình kinh tế truyền thống và kinh tế số hay kinh tế chia sẻ. Câu hỏi đặt ra là liệu quá trình chuyển đổi sẽ mượt mà hay xảy ra đổ vỡ là một thách thức vô cùng lớn cho các nhà điều hành và Chính phủ.

Vẫn theo ông Bảo, dưới góc độ quản lý nhà nước thì kinh tế số cũng đặt ra nhiều thách thức đối với các mô hình quản lý truyền thống. Một tồn tại hiển nhiên là thể chế và luật pháp luôn đi sau thị trường. Và thách thức của một thập niên tới là liệu những phương thức quản lý truyền thống có còn phù hợp và hiệu quả đối với kinh tế số hay không?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để kinh tế số bứt phá

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO