Để lời ru không buồn

Việt Hoan 17/08/2017 07:25

Xã hội phát triển đồng thời cũng kéo theo nhiều hệ lụy, nhiều dịch bệnh. HIV/AIDS là một trong những đại dịch như thế. Đây là một dịch bệnh có tính toàn cầu, tuy nhiên, khi đến với cộng đồng các dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu, vùng xa của nước ta đã gây ra những hệ lụy. Dịch bệnh này khi để lây truyền từ mẹ sang con sẽ dẫn tới gánh nặng xã hội vô cùng lớn.

Lấy máu xét nghiệm cho thai phụ để phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con Nguồn: baodienbienphu.info.vn

Các chuyên gia y tế khuyến cáo: HIV lây truyền từ mẹ sang con có thể xảy ra rất sớm, ngay khi người mẹ mang thai được 8 tuần và trong suốt thai kỳ. Tuy nhiên, tỷ lệ lây truyền HIV qua rau thai cao vào thời kỳ tuổi thai được trên 18 tuần.

Theo một con số thống kê, số phụ nữ nhiễm HIV/AIDS ở mảnh đất địa đầu Hà Giang chiếm 30,7% và đa số trẻ em bị lây nhiễm HIV từ người mẹ trong quá trình mang thai, chuyển dạ và cho con bú. Thống kê mới đây của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Hà Giang cho thấy, hiện Hà Giang có 643 người nhiễm đang được quản lý, nâng lũy tích nhiễm HIV lên 1.593 người. Trong đó, lũy tích chuyển AIDS là 1.054 người, lũy tích tử vong do AIDS là 441 người.

Đáng chú ý, trong số 195 xã, phường thì có 125 xã, phường có người nhiễm HIV, tỷ lệ nhiễm đối với nam giới chiếm 69,3%, với phụ nữ là 30,7%. Theo các chuyên gia y tế, quá trình tiến triển HIV ở phụ nữ cũng tương tự như ở nam giới. Song, khi nhiễm HIV, phụ nữ còn ảnh hưởng đến sức khoẻ sinh sản, người mẹ mang thai nhiễm HIV có thể truyền sang con. Tỷ lệ lây nhiễm sang con nếu không có sự can thiệp sẽ từ 30-45%, nếu được điều trị dự phòng bằng thuốc chống HIV ngay từ tuần thứ 28, thì khả năng lây nhiễm từ mẹ sang con giảm xuống còn từ 2-8%.

Thực tế trên đã đặt ra những thách thức trong việc giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm phụ nữ mang thai, giảm số trẻ bị nhiễm HIV từ mẹ. Vì vậy, lâu nay, tại nhiều tỉnh, thành đã tiến hành nhiều biện pháp tuyên truyền để nâng cao nhận thức cộng đồng.

Theo Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Hà Giang Phạm Thị Kim Dung, công tác dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con được Trung tâm rất quan tâm và là nhiệm vụ đặt lên hàng đầu. Trước đây, phần lớn phụ nữ mang thai phát hiện nhiễm HIV chủ yếu đã vào giai đoạn muộn, gây khó khăn trong công tác điều trị cho người mẹ và trẻ em. Tuy nhiên, nhờ đẩy mạnh các hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã giúp đa số người dân hiểu rõ và biết được những lợi ích của chương trình này.

Từ năm 2007 đến nay, toàn tỉnh Hà Giang có hơn 100 phụ nữ mang thai nhiễm HIV, trong đó có hơn 80 trường hợp được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Kết quả xét nghiệm có 64 trẻ trên 18 tháng tuổi được sinh ra từ người mẹ nhiễm HIV đều âm tính với HIV.

Hiện nay tại Hà Giang, hoạt động điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được duy trì 100% ở các huyện, thành phố. Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2017, có 5.123 phụ nữ được tư vấn, xét nghiệm HIV. Trong đó, phát hiện 4 trường hợp dương tính với HIV và đang được theo dõi liên tục, thực hiện đúng quy trình nhằm làm giảm tới mức thấp nhất nguy cơ lây nhiễm HIV cho trẻ. Đồng thời, theo dõi và đưa ra các quyết định can thiệp phù hợp có hiệu quả cao như: can thiệp trước sinh, can thiệp trong khi sinh và can thiệp sau sinh.

Với đặc thù là tỉnh vùng cao, địa bàn rộng, trình độ nhận thức của một bộ phận nhân dân còn hạn chế nên công tác tuyên truyền được Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Hà Giang đẩy mạnh thực hiện. Với việc đa dạng hóa các loại hình như truyền thông trực tiếp tại các phiên chợ, nhà văn hóa thôn; qua đó cung cấp những kiến thức cơ bản về phòng, chống HIV/AIDS, hướng dẫn xử lý khi phơi nhiễm HIV.

Trong 6 tháng đầu năm nay, Trung tâm đã thực hiện tuyên truyền tại các xã vùng sâu, vùng xa, khu vực cửa khẩu, biên giới cho 4.016 lượt người. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động phụ nữ mang thai và những phụ nữ có nguy cơ lây nhiễm HIV đến các cơ sở y tế để được tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện. Lực lượng nhân viên tiếp cận cộng đồng thường xuyên gặp các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm để tư vấn, khuyến khích họ đi xét nghiệm tự nguyện, cung cấp bao cao su, bơm kim tiêm miễn phí.

Đặc biệt, trong tháng 6 – tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con với chủ đề “Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con”, các cơ quan chức năng của Hà Giang đã diễn ra nhiều hoạt động nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản; đặc biệt là phụ nữ mang thai, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc ít người. Các hoạt động truyền thông về lợi ích của tiếp cận sớm dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai trong những tháng đầu của thai kỳ và các can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con hiệu quả...

Lai Châu, Yên Bái, Điện Biên, Lào Cai cũng là những địa phương miền núi có nhiều người có HIV/AIDS. Đặc biệt, tại TP Lai Châu và TP Yên Bái tỷ lệ người “có H” tăng cao. Thậm chí, tại TP Lào Cai, một số liệu thống kê cho thấy người mắc HIV đang có xu hướng trẻ hóa. Trước thực trạng trên, công tác phòng, chống HIV/AIDS cần được các cấp ủy, chính quyền của các địa phương quan tâm chỉ đạo và tổ chức triển khai quyết liệt. Bên cạnh đó cần sự tham gia tích cực của cả cộng đồng…

HIV/AIDS được ví là “căn bệnh thế kỷ”, đến nay thế giới vẫn chưa có bất kỳ một loại thuốc nào có thể chữa khỏi căn bệnh này. Do đó, việc phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng là việc làm hết sức quan trọng, không chỉ của riêng các cơ quan chức năng, mà chính mỗi người dân cần phải nâng cao nhận thức trong việc phòng, chống lây nhiễm cho bản thân và toàn xã hội. Đặc biệt là với phụ nữ, cần tăng cường hơn nữa, không được chủ quan mới có thể tránh lây nhiễm HIV, giúp người phụ nữ thực hiện thiên chức thiêng liêng của người mẹ. Có như vậy, lời ru mới không buồn, và cuộc sống nơi các buôn làng, thôn bản mới ngày một no ấm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để lời ru không buồn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO