Để nhân viên y tế yên tâm công tác

Đức Trân 27/02/2023 07:00

Lương thấp, không đủ trang trải cuộc sống, cường độ làm việc lại quá cao… nhiều y bác sĩ đã phải xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác. Tuy nhiên, vượt lên khó khăn, vất vả đội ngũ bác sĩ và nhân viên y tế cả nước luôn lặng thầm cống hiến và chiến đấu không ngừng nghỉ để giành lại sự sống và sức khỏe cho người bệnh. Những vất vả, hy sinh của các thầy thuốc xứng đáng được xã hội ghi nhận và tôn vinh.

Tiền lương, thu nhập... nguyên nhân chính khiến các nhân viên y tế khó yên tâm công tác và gắn bó với nghề. Ảnh: Quang Vinh.

Ngày 24/2, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức công bố ca ghép đa tạng tim thận đầu tiên ở Việt Nam cho một bệnh nhân suy tim thận giai đoạn cuối, từ một người hiến đa tạng chết não. 8 ngày sau ca ghép, các chức năng của tim và thận đã phục hồi gần như bình thường. Bệnh nhân đã có thể ngồi dậy ăn uống và giao tiếp, không cần các phương tiện hỗ trợ đặc biệt về tim mạch và hô hấp. Bệnh nhân sẽ tiếp tục được điều trị thêm trong vài tuần theo các phác đồ chung sau ghép tạng.

Những thành tựu giúp y học tiệm cận thế giới

GS.TS Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, ca ghép cùng lúc 2 tạng cho một người bệnh là phẫu thuật rất khó và phức tạp, dù Việt Nam đã thực hiện thành công được 4 ca ghép cùng lúc 2 tạng cho người bệnh, nhưng đây là ca ghép tim - thận thành công đầu tiên ở nước ta. “Ca bệnh này sẽ là bước đà để thời gian tới, chúng ta cố gắng thực hiện ghép đa tạng nhiều hơn, không chỉ 2 tạng mà có thể thực hiện 3 - 4 tạng cùng lúc” - ông Giang nói.

Ca phẫu thuật nói trên chỉ là một trong số rất nhiều những thành tựu của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức nói riêng và ngành ghép tạng nước ta nói chung. Thực tế, các chuyên gia khẳng định, tuy xuất phát sau thế giới 50 năm nhưng kỹ thuật ghép tạng của Việt Nam lại có tốc độ phát triển vượt bậc và đã đuổi kịp thế giới. Một thống kê cụ thể cho thấy, tại Bệnh viện Quân y 103, tỷ lệ bệnh nhân ghép thận sống thêm 1 năm sau ghép là 100%, số bệnh nhân sống thêm 5 năm sau ghép là 95% - đây là số liệu tương đương với những trung tâm ghép tạng lớn và uy tín nhất thế giới.

Cùng bước tiến với ghép tạng, ở thời điểm hiện tại, chuyên ngành tim mạch Việt Nam đã và đang đạt được nhiều thành tựu. Tại những hội nghị lớn, như Hội nghị tim mạch Hoa Kỳ, Hội nghị tim mạch châu Âu, Hội nghị tim mạch can thiệp Singapore năm 2022, các chuyên gia từ những trung tâm, viện tim mạch của nước ta luôn được có một phiên báo cáo để chia sẻ kinh nghiệm của riêng Việt Nam về những bệnh đặc thù.

PGS.TS.BS Phạm Mạnh Hùng - Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia – Bệnh viện Bạch Mai; Phó Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam khẳng định: “Không chỉ riêng trong khu vực, chúng tôi đã và đang tiệm cận được với các kỹ thuật tiên tiến trên thế giới. Điều đó được thể hiện qua việc hàng chục năm nay, đội ngũ bác sĩ tim mạch của Viện luôn được mời là những báo cáo viên, chủ tọa đoàn, thậm chí là đồng trưởng ban tổ chức các chương trình hội nghị chuyên ngành quốc tế lớn”.

Trong rất nhiều những thành tựu đã đạt được, không thể không kể tới những thành công trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch Covid-19. Với hơn 250 triệu mũi tiêm vaccine phòng Covid-19, đại dịch này đã được đẩy lùi tại nước ta, người dân được trở lại với cuộc sống bình thường.

Tất cả những thành tựu trên đều là sự cố gắng không ngừng nghỉ của các nhân viên y tế, trong lúc đại dịch, họ đã xông pha vào tuyến đầu chống dịch. Khi cuộc sống trở lại bình thường, các nhân viên y tế trở về và lại tiếp tục lao vào công việc, vì vẫn còn bệnh nhân đang chờ.

BSCKII Nguyễn Thu Hường - Trưởng đơn nguyên chống dịch, Bệnh viện Thanh Nhàn chia sẻ: “Có thể đối với người dân, khi dịch Covid-19 được đẩy lùi thì mọi người thở phào nhẹ nhõm, có thể du lịch... Nhưng đối với nhân viên y tế chúng tôi thì hết cuộc chiến này vẫn còn những cuộc chiến khác. Sau Covid-19 vẫn còn sốt xuất huyết, cúm A, cúm B và sức khỏe nhân dân vẫn còn bị đe dọa. Khi đã chọn nghề thầy thuốc, khoác lên mình chiếc áo blouse trắng, hạnh phúc và động lực lớn nhất của chúng tôi là được sống với nghề, được cứu giúp người bệnh”.

Để bác sĩ được sống với nghề

Nghề Y là một nghề đặc biệt, bởi nó liên quan trực tiếp tới tính mạng và sức khỏe con người. Muốn làm nghề y chữa bệnh cứu người phải học ít nhất 6-7 năm, sau đó thực tập và rèn luyện thêm 2 năm nữa mới có thể trở thành người bác sĩ trực tiếp cầm dao mổ. Nhưng đó chỉ là thời gian đối với nhân viên y tế đã thành thạo tay nghề và có kiến thức chuyên môn tốt, nếu chưa vững, việc rèn kỹ năng vẫn tiếp tục vì trong nghề Y, không có chỗ cho sơ sài hay sai sót. Rõ ràng, với trách nhiệm chữa bệnh cứu người nặng trên vai, người làm nghề y hàng ngày luôn phải làm việc với cường độ cao, áp lực công việc đè nặng lên đôi vai, còn có nhiều áp lực đến từ nhiều phía như: Áp lực công việc, dư luận, từ người nhà bệnh nhân… Dễ thấy, phải có tấm lòng yêu nghề, yêu thương con người mới có thể kiên trì tiếp tục trên con đường sự nghiệp hành nghề y cứu đời.

Thế nhưng, kể cả khi đã vượt lên tất cả những áp lực trên thì vẫn có muôn vàn khó khăn đang bủa vây các nhân viên y tế, họ đang làm việc khi thu nhập không đủ nuôi gia đình, đang cứu chữa người bệnh khi thuốc và trang thiết bị để thực hiện nhiệm vụ đó lại dần cạn kiệt và có thể bị hành hung bất cứ lúc nào.

Bác sĩ D. - đang làm việc tại Bệnh viện đa khoa Đan Phượng (Hà Nội) tâm sự: “Hàng ngày chúng tôi luôn phải trực ban rồi thăm bệnh, còn thường xuyên phụ giúp bác sĩ trong phòng phẫu thuật, khi ra khỏi phòng phẫu thuật tay chân luôn rã rời, có lúc còn đang ăn dở bữa cơm phải chạy đi gấp vì cơ ca cấp cứu. Nhiều đồng nghiệp của tôi đã nản lòng và cũng có nhiều người đã bỏ việc để đi làm những việc khác. Nhiều người nhìn vào sẽ nghĩ nghề y có thu nhập cao và hấp dẫn, thế nhưng thực sự người bác sĩ phải chịu mức lương thấp, thậm chí không đủ chi tiêu trong một thời gian dài…”.

Không chỉ khó khăn đến với từng nhân viên y tế cụ thể, Bệnh viện Bạch Mai – bệnh viện hạng đặc biệt cũng đang rơi vào tình trạng “xoay sở” để trả lương cho nhân viên. GS. TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc bệnh viện chia sẻ: “ Bây giờ mỗi khi có bệnh viện nào mới thành lập, tư nhân hoặc thậm chí kể cả bệnh viện công lập, có những khoa mới thành lập là cán bộ của Bệnh viện Bạch Mai lại rục rịch xin sang đơn vị đó. Vì thực tế tại Bệnh viện bây giờ nguồn chi cho cán bộ nhân viên eo hẹp. Đáng chú ý, chúng tôi đang hết sức lo lắng đến ngày 1/7 tới đây bắt đầu chi theo lương mới, nguồn chi thường xuyên của Bệnh viện chưa chắc đã đủ chi lương cho cán bộ nhân viên”.

Ông Cơ cho biết thêm: “Toàn bộ Bệnh viện Bạch Mai hiện tại thu giá viện phí tất cả bằng giá bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, giá bảo hiểm y tế đã ban hành từ rất lâu, đã lỗi thời trong khi hiện tại giá vật tư, thiết bị tăng lên rất nhiều. Do vậy, chênh lệch thu chi của Bệnh viện không có, mặc dù Bệnh viện được bệnh nhân rất tín nhiệm, đến rất đông. Những khó khăn về tài chính dẫn đến nguồn tài chính, nguồn chi thường xuyên cho cán bộ nhân viên, đặc biệt là trong 3 năm qua của Bệnh viện giảm trầm trọng. Nguồn tài chính để đãi ngộ cho cán bộ nhân viên của Bệnh viện rất thấp. Hiện tại, chúng tôi đã phải vay Quỹ phát triển sự nghiệp để chi thường xuyên cho cán bộ, nhân viên. Điều đó làm cho thu nhập của người lao động, các y bác sĩ giảm rất nhiều”.

Trước những thực tế trên, nhiều chuyên gia cho rằng, tiền lương, thu nhập và đời sống của thầy thuốc, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành y tế đang rất khó khăn. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến các nhân viên y tế khó yên tâm công tác và gắn bó với nghề. Do vậy, điều chỉnh phụ cấp, tiền lương cho ngành y tế càng sớm càng tốt trong thời điểm này.

Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện Việt Đức. Ảnh: BVCC.

Đề xuất nâng mức đãi ngộ cho bác sĩ và nhân viên y tế

Mới đây, trong tham luận gửi lên Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Triển khai công tác Y tế năm 2023”, Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Y tế có nhiều đề xuất nâng mức đãi ngộ đối với bác sĩ, nhân viên y tế. Theo đó, đề xuất sắp xếp tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập phải đảm bảo mục tiêu: giảm đầu mối, tinh gọn cơ cấu tổ chức của đơn vị, nhưng đồng thời cũng phải bảo đảm mục tiêu nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của các đơn vị để bảo đảm cung ứng các dịch vụ sự nghiệp y tế công cơ bản, thiết yếu có chất lượng ngày càng cao, đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân.

Vụ cũng đề xuất, đổi mới, hoàn thiện cơ chế tài chính y tế, thực hiện việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, làm cơ sở đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, đồng thời đổi mới phương thức quản lý, nâng cao năng lực quản trị của đơn vị, bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động cung ứng các dịch vụ sự nghiệp y tế công, đáp ứng yêu cầu của người dân và xã hội. Trong kiến nghị, Vụ Tổ chức cán bộ đã chỉ ra cần thực hiện chế độ đãi ngộ xứng đáng đối với cán bộ, viên chức ngành y tế.

Khi xây dựng chế độ tiền lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương khóa XII, cần quan tâm thực hiện phụ cấp theo nghề ở mức cao nhất đối với viên chức ngành y tế (mức 30% tổng quỹ lương), xác định bậc lương khởi điểm phù hợp với thời gian đào tạo của bác sĩ (xếp bậc 2).

Đồng thời xây dựng các chế chế độ, chính sách đủ mạnh để thu hút, khuyến khích người có trình độ chuyên môn làm việc tại y tế cơ sở, các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo và trong các lĩnh vực y tế dự phòng, pháp y, tâm thần, lao, phong,... thực hiện duy trì chế độ, chính sách thỏa đáng đối với đội ngũ nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản.

Theo TS Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, ngành y tế đang đứng trước 2 thách thức cơ bản. Đầu tiên là thiếu về nguồn nhân lực, chất lượng nguồn nhân lực. Thứ hai là tiền lương, thu nhập và đời sống của thầy thuốc, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành y tế rất khó khăn. Hai thách thức này làm cho các thầy thuốc, đội ngũ cán bộ trong ngành y tế khó yên tâm công tác và gắn bó với nghề.

Ngành y tế là ngành đặc thù, đào tạo thì dài 7 năm, sau đó phải 2 năm học làm thầy thuốc mới được cấp chứng chỉ hành nghề. Đào tạo dài mà bảng lương lại giống như những người đào tạo thời gian ngắn thì có hợp lý hay không? “Theo tôi, việc trước mắt là phải điều chỉnh phụ cấp, tiền lương cho ngành Y tế. Về lâu dài, phải cải cách chính sách tiền lương của ngành Y tế, đồng thời cải cách chính sách tiền lương của cả nước. Tiền lương phải phản ánh đúng giá trị của sức lao động; giá trị của sức lao động phải được thể hiện bằng giá cả trên thị trường”- ông Lợi nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để nhân viên y tế yên tâm công tác

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO