Đề phòng dịch chồng dịch

Đức Trân 09/08/2022 09:33

Số ca mắc Covid-19 trong nước đang gia tăng trở lại trong những ngày qua và với xu hướng tiếp tục tăng, nhất là trong bối cảnh nguy cơ xảy ra "dịch chồng dịch" do một số bệnh dịch lưu hành khác như cúm A đang trong mùa cao điểm.

Tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em. Ảnh: Quang Vinh

Gia tăng ca mắc Covid-19 và cúm mùa

Trong 7 tháng đầu năm 2022, thế giới ghi nhận trên 291 triệu ca mắc mới Covid-19, đưa tổng số ca mắc vượt 582 triệu ca, trên 6,4 triệu ca tử vong. Dịch vẫn diễn biến phức tạp, khó lường và đã bùng phát trở lại tại một số quốc gia với sự xuất hiện của biến chủng Omicron và các biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.75, BA.2.12.1.

Số ca nhập viện và số ca tử vong đã gia tăng trở lại; trong tháng 7 đã ghi nhận trên 30 triệu ca mắc mới (tăng gấp 1,7 lần so với cùng tháng trước đó). Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hiện vẫn cảnh báo dịch Covid-19 là đại dịch toàn cầu và khuyến cáo duy trì các biện pháp ứng phó, nhất là tiêm chủng vaccine.

Tại Việt Nam, Theo Bộ Y tế, trong nước đã ghi nhận biến thể phụ BA.4, BA.5, đặc biệt tại các địa phương ở phía Nam và các biến thể này bắt đầu chiếm ưu thế. Trong tháng 7/2022, cả nước ghi nhận trên 33.000 ca mắc, 6 ca tử vong; thời gian gần đây ghi nhận khoảng 2.000 ca mắc/ngày. So với tháng trước, số ca mắc tăng 22,4%, giảm 2 ca tử vong, tỷ lệ chết/mắc 0,02%. Hiện còn 6.388 ca đang theo dõi và điều trị, trong đó có 675 ca đang điều trị tại bệnh viện; có 44 ca nặng phải thở ô xy, bao gồm 3 ca thở máy.

Trong khi đó, hiện nay đang là thời điểm giao mùa, thuận lợi cho các mầm bệnh đường hô hấp phát triển, do đó nhiều người mắc bệnh viêm đường hô hấp, đặc biệt là bệnh cúm mùa (bao gồm cả cúm A). Nguy hiểm hơn, rải rác tại vài nơi đã ghi nhận những trường hợp nguy kịch vì dịch bệnh này.

Ghi nhận tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương, trung bình mỗi ngày cơ sở y tế này ghi nhận hàng trăm bệnh nhân đến khám liên quan đến cúm, trong đó nhiều trường hợp là trẻ em. Bác sĩ Phạm Văn Phúc - Phó Trưởng khoa Hồi sức cho biết, bệnh viện đang điều trị một ca bệnh cúm A nặng, nguy kịch. Đây là nữ bệnh nhân 39 tuổi (Thanh Hóa) có tiền sử suy tủy 2 năm nay, điều kiện gia đình rất khó khăn. Mới đây, bệnh nhân mắc cúm A và được điều trị tại bệnh viện ở Thanh Hóa. Do chuyển biến nặng, biến chứng viêm phổi suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), bệnh nhân được chuyển lên khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương). Tại đây, bệnh nhân phải đặt ECMO ngày 3/8 rồi chuyển lên khoa Hồi sức tích cực với tiên lượng nặng. Trước đó, bệnh viện này cũng tiếp nhận bệnh nhân 19 tuổi mắc cúm A, có bội nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng, sau đó không qua khỏi.

Theo WHO, ước tính hàng năm có khoảng 5-10% người lớn và 20-30% trẻ em mắc bệnh cúm A hoặc B trên toàn cầu. Trong các đợt dịch cúm mùa, ước tính có khoảng 3-5 triệu ca bệnh nặng và 290.000-650.000 ca tử vong liên quan đến hô hấp.

Chìa khóa vaccine để phòng ngừa “dịch chồng dịch”

Tính đến ngày 4/8/2022, Việt Nam đã triển khai tiêm được hơn 247 triệu liều vaccine phòng Covid-19 là quốc gia có số liều vaccine sử dụng và tỷ lệ bao phủ vaccine cao trên thế giới (tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho người từ 12 tuổi trở lên đạt xấp xỉ 100%); hiệu suất sử dụng vaccine cao (đạt 100%) và tốc độ tiêm nhanh (tháng cao điểm - tháng 10 và 11/2021 tiêm được 39-40 triệu liều/tháng).

Việt Nam là nước triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 với quy mô rộng rãi, nhiều đối tượng, nhiều mũi tiêm và sử dụng đa dạng các loại vaccine. Các bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và các địa phương đã rất nỗ lực đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine. WHO ghi nhận và đánh giá Việt Nam có chiến lược sử dụng vaccine phù hợp, hiệu quả với cam kết thực hiện của toàn hệ thống chính trị và người dân.

Kết quả của chiến dịch triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 của nước ta đã rất rõ ràng bằng thành tựu khống chế thành công đại dịch trong suốt nhiều tháng vừa qua. Ở thời điểm hiện tại, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh, cần tiếp tục tăng cường chỉ đạo đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19 bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả; hoàn thành tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trong tháng 8/2022; đẩy nhanh tiêm vaccine mũi 3, mũi 4 cho các nhóm đối tượng, nhất là các nhóm nguy cơ cao; xây dựng và ban hành kế hoạch tiêm vaccine năm 2023 và kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi.

Đối với cúm mùa, theo WHO, tiêm phòng vaccine cúm mùa có thể làm giảm khoảng 60% các căn bệnh liên quan đến cúm và khoảng 70-80% tỷ lệ bị tử vong do cúm. Thực tế, các vaccine ngừa cúm thường có hiệu lực bảo vệ rất cao, lên đến 90%. Tuy nhiên, hiệu lực bảo vệ của nó chỉ kéo dài gần một năm vì các loại virus cúm thường có tính đột biến và thay đổi cấu trúc kháng nguyên liên tục theo chu kỳ năm. Do đó, các loại vaccine được dùng trong năm nay có thể không còn tác dụng phòng ngừa trong năm sau nữa. Chính vì vậy, các chuyên gia y tế thường khuyến cáo nên đi tiêm phòng cúm mỗi năm một lần, đặc biệt là trẻ nhỏ, nhằm đảm bảo sự tương đồng giữa chủng virus cúm đang lưu hành với chủng virus cúm có trong vaccine.

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo tới người dân: Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời; Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; Đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi); Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng; Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết; Thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đề phòng dịch chồng dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO