Đề thi môn Ngữ văn sẽ không sử dụng văn bản trong sách giáo khoa: Nhiều ý kiến trái chiều

Hoàng Chiến 28/07/2022 10:17

Đề thi môn Ngữ văn sẽ không sử dụng văn bản trong SGK - là một trong những điểm mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đưa ra trong hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông. Tuy nhiên, vấn đề này ngay lập tức nhận được nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận xã hội.

Từ năm học tới, chấm dứt việc dùng ngữ liệu trong sách giáo khoa ra đề thi Ngữ văn. Ảnh: H.Chiến

Tránh những lối mòn

Theo đó, điểm mới đặc biệt đáng chú ý trong công văn hướng dẫn của Bộ GDĐT là từ năm học 2022-2023 tới đây, trong đánh giá kết quả học tập học sinh cuối kỳ, cuối năm học, cuối cấp: Tránh sử dụng lại các văn bản đã học trong SGK để làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép tài liệu có sẵn.

Bên cạnh đó, khuyến khích xây dựng và sử dụng đề mở trong kiểm tra, đánh giá để phát huy khả năng sáng tạo của học sinh. Xây dựng bộ công cụ đánh giá để hạn chế tính chủ quan, cảm tính của người chấm. Ngoài ra, việc đánh giá học sinh cần đảm bảo nguyên tắc phát huy được những mặt tích cực của cá tính, trí tưởng tượng, năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học, tư duy hình tượng và tư duy logic của học sinh.

Tập trung thiết kế và sử dụng các câu hỏi, bài tập yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức đã học và kỹ năng nghe, nói, đọc, viết vào bối cảnh và ngữ liệu mới.

Đồng thời tạo cơ hội để học sinh khám phá những tri thức mới, đề xuất ý tưởng và sáng tạo sản phẩm mới, gợi mở những liên tưởng, tưởng tượng, huy động được vốn sống vào quá trình nghe, nói, đọc, viết.

Hướng dẫn này của Bộ GDĐT ngay sau khi ban hành đã nhận về nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận, đặc biệt là những thầy cô trực tiếp đứng lớp môn Ngữ văn.

Bà Khuất Thị Mai Hương - giáo viên Ngữ văn, trường THPT Phúc Thọ, Hà Nội cho biết: “Sự đổi mới trong cách thức ra đề và đánh giá kết quả của học sinh của Bộ rõ ràng là một hướng đi hay. Cách ra đề thi như vậy một mặt khắc phục được cách dạy và học truyền thống theo kiểu đọc chép, ghi nhớ kiến thức thụ động của cả giáo viên và học sinh. Mặt khác còn khắc phục được tối đa lối lối học tủ, học vẹt, học lệch vốn đã gây nên nhiều phản ứng của dư luận”.

Tuy nhiên, cũng theo bà Hương, việc đổi mới cách thức ra đề thi cần có khoảng thời gian áp dụng để học sinh quen dần với cách học và tiếp cận đề theo kiểu mới này từ lớp 10 đầu cấp. Nghĩa là cần 3 năm để đổi mới hoàn toàn. Với năm học 2023-2024, phần đọc hiểu và nghị luận xã hội vẫn theo tiến trình đổi mới, còn phần nghị luận văn học nên ra theo hướng mở, có cả văn bản học trong SGK và tác phẩm liên hệ ngoài chương trình để học sinh không bỡ ngỡ.

Đồng quan điểm, bà Dương Hà - giáo viên chuyên ôn thi Đại học môn Ngữ văn tại Cầu Giấy, Hà Nội cho rằng, việc đổi mới là xu hướng tất yếu, đáp ứng thực tế giáo dục hiện nay, phát huy sự chủ động, tích cực của học sinh; tránh tình trạng học thuộc lòng, học vẹt thụ động theo văn mẫu. Bên cạnh đó, việc đổi mới cách thức kiểm tra, đánh giá môn Văn theo hướng dẫn của Bộ cũng sẽ khắc phục được hiện tượng những bài văn giống nhau hàng loạt, khá phổ biến khi chấm thi. Ngoài ra cũng giúp tăng tính ứng dụng của môn học này trong thực tế.

Tuy nhiên, cô Hà cũng đánh giá, khó khăn lớn nhất khi áp dụng vào thực tế sẽ nằm ở hạn chế của phạm vi thể loại ra đề. Theo đó, đề thi có thể chọn ngữ liệu thơ để ra đề, nhưng sẽ rất khó nếu chọn một đoạn văn, một nhân vật vì học sinh khi chưa tiếp cận và học các văn bản đó khó có thể làm tốt kiểu bài này.

Vai trò sách giáo khoa ở đâu?

Còn bà Nguyễn Thị Thu - giáo viên trường THPT Bình Giang, Hải Dương bày tỏ quan điểm, việc ra đề ngoài văn bản SGK không phải đến bây giờ mới thực hiện vì trong các đề thi hiện tại, phần đọc hiểu hay nghị luận xã hội hầu hết đều đã ở phạm vi ngoài chương trình. Tuy nhiên, việc ra đề thoát ly 100% SGK cũng sẽ có 2 mặt.

“Xưa nay học sinh đều luôn có quan điểm học gì thi nấy do vậy nếu bỏ hết văn bản trong SGK khỏi đề thi, dễ sẽ xảy ra tình trạng lơ là, chểnh mảng với các tiết học trên lớp, nhất là những văn bản không thật sự hấp dẫn. Không những vậy, việc ra đề thoát ly hoàn toàn SGK cũng sẽ dẫn đến sự chênh lệch trong đánh giá giữa các trường. Đặc biệt, đề thi có thể sẽ gây nhiều tranh cãi nếu không có những hướng dẫn cụ thể hơn từ Bộ GDĐT” - bà Thu cho hay.

Bên cạnh đó, giáo viên này cũng đề xuất, việc thay đổi phương thức ra đề nên áp dụng từ từ theo lộ trình nhất định thay vì áp dụng luôn trong năm học tới. Bởi theo lí giải, việc đổi mới ngay trong năm học tới sẽ gây bất ngờ và bị động cho cả giáo viên lẫn học sinh. Ngoài ra, những kiến thức trọng tâm trong SGK vẫn nên được sử dụng do không phải học sinh nào cũng có đủ năng lực và kĩ năng để tìm hiểu những văn bản ở bên ngoài. Nếu đổi mới, cần khoảng thời gian nhất định để rèn các kĩ năng mới cho học sinh cũng như làm quen với phương pháp dạy, cách thức ra đề mới.

“Mặt khác, đối với giáo viên, việc ra đề cũng sẽ gặp nhiều khó khăn vì phải xây dựng lại ngân hàng đề thi, đáp án mới. Sau đó còn phải xem xét, đánh giá chất lượng của chúng như thế nào. Nếu thay đổi luôn thì giáo viên cũng sẽ làm được nhưng chất lượng có thể không được hiệu quả” - bà Thu cho hay.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT cho rằng, việc yêu cầu không sử dụng ngữ liệu SGK trong khi ra đề thi môn Văn đang có phần cứng nhắc.

“Sự kết hợp giữa các ngữ liệu cả trong và ngoài SGK khi ra đề thi đánh giá mới thực cần thiết. Bởi nếu không sử dụng các văn bản trong SGK thì còn cần SGK để làm gì? Học sinh sẽ phản ứng ra sao với các tiết học trên lớp? Việc phát huy năng lực sáng tạo, trí tưởng tượng của học sinh là cần thiết nhưng nếu làm thái quá thì cũng không tốt. Trong giáo dục cần có sự kết hợp hài hoà giữa cả kiến thức SGK và những kiến thức trong thực tế xã hội. Có như vậy mới nâng cao chất lượng dạy và học” - ông Nhĩ khẳng định.

TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục hà nội:

Mạnh dạn đổi mới triệt để

Việc thay đổi cả trong phương pháp dạy học lẫn cách thức ra đề, đánh giá như hướng dẫn của Bộ GDĐT là rất tốt, nội dung đầy đủ từ việc định hướng phát triển năng lực của học sinh đến kiểm tra đánh giá, xây dựng đội ngũ nhà giáo để thay đổi nghiệp vụ. Yêu cầu tránh ra lại những ngữ liệu trong SGK trong đề thi là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp. Bởi những bài kiểm tra từ trước đến nay thường chỉ dùng ngay dữ liệu trong SGK để hỏi lại, yêu cầu học sinh xem có hiểu bài, nắm được kiến thức trong SGK hay không mà thôi.

Còn đã ra đề kiểm tra thì phải dùng những ngữ liệu mới thì phát huy được tính độc lập, tự chủ, sáng tạo và trí tưởng tượng của học sinh. Hiện nay ta vẫn cứ học theo kiểu đọc chép, rồi rồi kiểm tra, đánh giá theo kiểu thầy dạy thế nào, học sinh “trả lại” như vậy. Điều này hoàn toàn không tạo ra được năng lực mới cho học trò. Do đó, đã thực hiện đổi mới trong giáo dục thì phải đổi mới triệt để, hoàn toàn, không thể đổi mới kiểu nửa vời.

Bên cạnh đó, việc chọn ngữ liệu bên ngoài cũng đánh giá người thầy có năng lực hay không, có chịu đổi mới, tìm tòi những cái mới, cái hay để kích thích học trò học tập.

Nhiều giáo viên vẫn đi theo đường mòn, SGK có như thế nào thì cứ lấy để ra đề hết năm này đến năm khác, ngại thay đổi, lấy lí do lo lắng cho học sinh nhưng thực chất là lo cho chính mình. Những ngữ liệu cũ mèm làm sao có thể kích thích sự say mê, sáng tạo của học sinh? Kiến thức trong SGK theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ chỉ là mẫu, là tài liệu tham khảo. Do đó, chúng ta phải làm quen với cách làm mới, cách dạy và học mới. Còn học sinh phải biết vận dụng những kiến thức này vào cuộc sống mới quan trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đề thi môn Ngữ văn sẽ không sử dụng văn bản trong sách giáo khoa: Nhiều ý kiến trái chiều

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO