Đề xuất tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân vận động, tiếp nhận ủng hộ thiên tai, dịch bệnh

Tiến Đạt 05/03/2021 12:50

Ngày 5/3, UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 64/2008/NĐ-CP của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam dự và chủ trì cuộc họp.

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại Hội nghị.

Sau 10 năm triển khai, Nghị định 64 đã góp phần giảm bớt khó khăn cho ngân sách nhà nước, huy động được nguồn lực xã hội giúp nhân dân khắc phục hậu quả của thiên tai, dịch bệnh,... và đã nhận được sự hưởng ứng, đồng thuận cao của nhân dân cả nước. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, Nghị định 64 đã bộc lộ nhiều điểm bất cập.

Từ thực tiễn đó, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung, thay thế Nghị định 64 (dự thảo Nghị định) đã nêu ra các điểm mới để đảm bảo sự phù hợp, tính thống nhất, đồng bộ với các quy định pháp luật có liên quan tại thời điểm hiện nay. Một trong số đó là quy định về cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố.

Bày tỏ sự đồng tình với dự thảo Nghị định, bà Hà Thị Liên, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, việc cho phép cá nhân được vận động, cứu trợ sẽ có tác động tích cực về mặt xã hội, nhanh chóng hỗ trợ nhằm giúp người dân gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh. Tuy nhiên, quy định về vấn đề này cần mang tính linh hoạt nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân được tham gia vận động ủng hộ, không dùng hàng rào pháp lý để ngăn cản các hoạt động đóng góp, ủng hộ nhưng vẫn có sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức, cá nhân và chính quyền địa phương trong quá trình vận động ủng hộ.

Các chuyên gia, nhà khoa học tham gia đóng góp ý kiến tại Hội nghị.

Ở góc độ khác, ông Lê Truyền, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam góp ý, các quy định trong tờ trình dự thảo Nghị định cần thể hiện được tính nhân văn, tinh thần tương thân tương ái của người dân, mở ra hành lang pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức xã hội làm công tác từ thiện, phát huy được tính tích cực và sức mạnh của cộng đồng tham gia đóng góp các nguồn lực cứu trợ.

Về mặt pháp lý, theo GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam, Ban soạn thảo cần bổ sung một số điều khoản để giải thích các thuật ngữ nêu trong dự thảo Nghị định nhằm thống nhất về cách hiểu và nội dung của Nghị định. Bên cạnh đó, cần phải có một chương riêng quy định chặt chẽ về việc cá nhân được phép vận động ủng hộ nhằm ngăn chặn sự lợi dụng việc vận động cứu trợ để thu lại lợi ích cá nhân, đánh bóng tên tuổi,... cốt lõi giữ được ý nghĩa nhân văn của việc vận động.

Tán đồng với các nội dung sửa đổi, bổ sung của dự thảo Nghị định, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng, dự thảo Nghị định cần sửa đổi, bổ sung các quy định sao cho Nghị định sẽ trở thành “lời hiệu triệu” để những tổ chức, cá nhân có ảnh hưởng lớn trong xã hội cùng hưởng ứng, huy động được tối đa nguồn lực cứu trợ thiên tai, dịch bệnh. Đồng thời, dự thảo Nghị định cần chú trọng nghiên cứu các quy định về việc phân phối và sử dụng tiền, hiện vật được ủng hộ, tránh tình trạng tồn kho, lãng phí giá trị sử dụng theo thời gian.

Ghi nhận các ý kiến đóng góp tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị, cơ quan soạn thảo tiếp tục hoàn thiện làm rõ những căn cứ pháp lý, có những tổng kết thực tiễn để đảm bảo Nghị định khi ban hành sẽ thể hiện được tính công khai, minh bạch, sử dụng hiệu quả nguồn đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân hỗ trợ khắc phục khó khăn, từ đó tạo dựng niềm tin, khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, cá nhân khi có thiên tai, dịch bệnh, sự cố, hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị, Ban Phong trào tổng hợp báo cáo Ban Thường trực UBTƯ MTTQ để có văn bản góp ý với cơ quan soạn thảo hoàn thiện dự thảo Nghị định trình Chính phủ đảm bảo tính pháp lý và đồng bộ phân định rõ ràng trách nhiệm của MTTQ Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ cũng như phát huy thế mạnh của mỗi bên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đề xuất tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân vận động, tiếp nhận ủng hộ thiên tai, dịch bệnh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO