Dệt may hướng đến mục tiêu 39 tỷ USD

Minh Phương 24/03/2021 08:30

Trải qua một năm 2020 đầy khó khăn vì dịch bệnh, song trong năm 2021 này cũng như thời gian tới, các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội tìm thị trường mới, cũng như tăng trưởng xuất khẩu cho ngành may mặc nước nhà.

Các doanh nghiệp ngành may hoạt động sôi nổi khi dịch Covid-19 đã được kiểm soát.

Tín hiệu vui

Trong tháng 1 vừa qua, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may đạt khoảng 2,6 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, một số sản phẩm có mức tăng cao từ 9,3 đến 35,6%, đó là những tín hiệu cho thấy tăng trưởng xuất khẩu khả quan của ngành trong năm nay và hướng đến cán đích 39 tỷ USD vào cuối năm.

Phác thảo bức tranh của ngành dệt may trong tương lai gần, Bộ Công thương nhận định, ngành dệt may đang đứng trước cơ hội phát triển rất lớn từ các hiệp định thương mại tự do vừa được ký kết, đặc biệt là tiềm năng mở rộng xuất khẩu đến các thị trường lớn trên thế giới. Trong đó Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vừa được kí kết hồi giữa tháng 11/2020 được kỳ vọng tạo ra động lực, cơ hội cho dệt may Việt Nam và thay thế một số thị trường mà đại dịch Covid-19 vẫn chưa kiểm soát được và đang ảnh hưởng lớn đến thị trường của dệt may Việt Nam như châu Âu. Đây là yếu tố hỗ trợ tích cực cho hoạt động sản xuất kinh doanh của dệt may Việt Nam trong năm 2021 và các năm tiếp theo.

Nhiều DN ngành may cho biết, với việc có nhiều đơn hàng đến hết quý II, thậm chí nhiều mặt hàng có đến hết quý III năm nay, cơ hội phục hồi cho ngành may mặc sau đại dịch là rất lớn. Bên cạnh đó, các FTA cũng tạo động lực để DN may mặc tìm đến các thị trường mới, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu. Tất nhiên, để có thể chớp được cơ hội, các DN ngành dệt may cho biết, bản thân mỗi DN đều phải rất nỗ lực nâng sức cạnh tranh, chớp thời cơ.

Theo ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10, năm 2020 khó khăn là vậy, song May 10 đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm khắc phục khó khăn như việc rà soát lại tất cả, những đơn vị hoạt động sản xuất kinh doanh May 10 để tính toán lại chi phí phù hợp, cắt giảm chi phí thừa, tinh gọn sản xuất để có thể đạt được hiệu quả tối ưu. Ngoài ra, việc nắm bắt thông tin thị trường, thị hiếu người tiêu dùng cũng là yếu tố quan trọng để DN này chuyển đổi, đưa ra các sản phẩm phù hợp với xu hướng mới.

Tận dụng thời cơ từ các FTA

Giới chuyên gia nhận định, các ưu đãi về thuế quan được đưa ra trong các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA... chính là cơ hội lớn cho các DN ngành may mặc phục hồi sản xuất cũng như tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới. Tuy nhiên để có thể tận dụng được những cơ hội đó, việc đáp ứng được những quy chuẩn khắt khe từ các FTA này cũng không hề đơn giản.

Đơn cử, với quy tắc xuất xứ được đưa ra ở EVFTA, các DN có thể sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu ngoại khối từ các thị trường được EVFTA chấp nhận như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ,... nhưng không thể cứ phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu ở các thị trường này do chi phí cho nguyên liệu không phải là bài toán kinh tế đơn giản.

Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, về lâu dài chúng ta phải tự chủ được nguồn nguyên phụ liệu, đầu tư, phát triển công nghiệp hỗ trợ mạnh mẽ, như vậy các DN dệt may mới có thể vững chân tại các thị trường mới.

Đại diện Bộ Công thương cũng cho biết, trong thời gian tới, ngành dệt may sẽ đẩy mạnh xây dựng thương hiệu Việt Nam, liên kết chuỗi cung ứng, phát triển công nghiệp phụ trợ để có thể chớp các thời cơ từ các FTA. Cùng với đó, đổi mới, nâng cao hiệu quả quản trị DN trong tình hình mới, cần tăng cường chuyển đổi số trong quản lý, vận hành DN dệt may, đưa DN dệt may tiếp cận với không gian chung của ngành thời trang thế giới. Đồng thời, tiếp tục tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, kể cả những yếu tố mới mà hiệp định RCEP mang lại, nhất là phát triển, mở rộng ngành sản xuất nguyên liệu, tăng tỷ lệ giá trị gia tăng, chủ động hơn trong chuỗi cung ứng.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đưa ra những tín hiệu khả quan của ngành may mặc trong năm 2021, khi mà đến thời điểm này, các doanh nghiệp dệt may, trong đó có các DN của Tập đoàn đã có đơn hàng đến hết tháng 4/2021. Những mặt hàng như hàng dệt kim, hàng phổ thông với sức tiêu thụ lớn đã có đơn hàng đến tháng 7, tháng 8/2021. “Đó là tín hiệu đáng mừng cho quá trình phục hồi trở lại của ngành may mặc, nhất là khi chúng ta đang có vị trí tốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu được tái bố trí sau khủng hoảng đại dịch Covid-19 năm 2020”- theo ông Trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dệt may hướng đến mục tiêu 39 tỷ USD

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO