Dịch bệnh căng thẳng, trường học mong ngóng phương án thi vào 10?

Nguyễn Hoài 13/12/2021 16:11

Dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, trong khi học kỳ I của năm học 2021-2022 gần kết thúc, học sinh vẫn phải học online. Các trường THCS trên địa bàn TP Hà Nội, phụ huynh có con học lớp 9 đang mong ngóng phương án tuyển sinh vào lớp 10 công lập của thành phố.

Sau thời gian trường học được mở cửa trở lại đón học sinh lớp 9 ở các huyện, thị xã và học sinh lớp 12 trên địa bàn thành phố, hôm nay, 13/12, học sinh trên địa bàn có mức độ dịch cấp độ 3 đã tạm dừng đến trường. Điều này khiến nhiều phụ huynh có con học cuối cấp lo lắng vì thời gian từ nay đến khi các kỳ thi chuyển cấp không còn nhiều. Trong đó, không ít phụ huynh, các trường THCS trên địa bàn TP cho rằng, Sở GDĐT Hà Nội cần sớm công bố phương án thi vào 10 THPT công lập để ổn định tâm lý cho học sinh.

Trường học ở "vùng cam" đóng cửa

UBND TP Hà Nội vừa thông báo về việc đánh giá cấp độ dịch trong phòng, chống Covid-19 trên địa bàn thành phố. Hiện thành phố vẫn ở cấp độ 2, tức màu vàng, nguy cơ trung bình. Trong đó, có 8 quận, huyện ở cấp độ 1 (màu xanh, bình thường mới), có 21 quận, huyện, thị xã ở cấp độ 2.

Tuy nhiên, có 1 quận ở cấp độ 3, tức diện nguy cơ cao là quận Đống Đa. Trong 14 ngày vừa qua, quận này ghi nhận 1.336 F0 trong cộng đồng.

Học sinh huyện Ba Vì trở lại trường học sau thời gian học trực tuyến.

Ngay sau khi quận Đống Đa chuyển sang "vùng cam", để bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh và cán bộ, giáo viên, Sở GDĐT Hà Nội đã có thông báo đề nghị các phòng GDĐT chỉ đạo các trường trên địa bàn nếu có mức độ dịch cấp độ 3 thì cho học sinh lớp 9 và lớp 12 tạm dừng đến trường học trực tiếp, chuyển sang phương án dạy, học trực tuyến kể từ ngày 13/12 cho đến khi có thông báo mới.

Ngoài quận Đống Đa, học sinh tại 6 xã/phường bao gồm: Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm); Yên Viên, Yên Thường của huyện Gia Lâm; Vân Nội (huyện Đông Anh); Đội Cấn (quận Ba Đình); Quảng An (quận Tây Hồ) cũng không thể đến trường. Đây là các xã/phường nằm trong cấp độ 3.

Trước thông tin này, nhiều phụ huynh có con học cuối cấp lo lắng vì thời gian đến các kỳ thi quan trọng không còn nhiều. Chị Lê Thị Minh Thu, phụ huynh có con học lớp 12, Trường THPT Quang Trung-Đống Đa (quận Đống Đa) cho hay, thời điểm này, các con học sinh cuối cấp được đến trường là vô cùng quý vì việc học online không thể hiệu quả bằng học trực tiếp. Tuy nhiên, dù mong con đến trường nhưng dịch bệnh căng thẳng, an toàn cho các con vẫn là trên hết.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập của Hà Nội vốn được ví căng thẳng như thi đại học. Nếu như mọi năm, thời điểm này, học sinh lớp 9 “vắt chân lên cổ” để học và ôn tập từ lớp học chính khóa tới lớp học thêm thì năm nay học sinh ở nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố vẫn học trực tuyến.

Thời gian học trực tuyến kéo dài làm ảnh hưởng tới tâm trạng, suy nghĩ của học sinh. Nhiều phụ huynh có con năm nay học lớp 9 đang mong ngóng phương án thi vào 10 THPT công lập của thành phố để các con ổn định tâm lý.

Chị Nguyễn Hoài Phương, có con đang học lớp 9, Trường THCS Đông Thái (quận Tây Hồ) chia sẻ: “Học online rất hạn chế khả năng tiếp thu của con. Trong khi tính cạnh tranh của kỳ thi này rất cao, tỉ lệ đỗ trường công lập chỉ khoảng hơn 60% nên tôi rất lo lắng. Tôi mong Sở GDĐT sớm chốt phương án tổ chức kỳ thi để các con có hướng ôn tập hiệu quả hơn”.

Cần sớm công bố phương án thi vào 10

Trong suốt 3 năm học qua, học sinh chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19 và phải học online kéo dài. Nhiều giáo viên và phụ huynh cho rằng, để tạo điều kiện cho học sinh, phương án tổ chức 4 môn thi vào lớp 10 công lập của Hà Nội cần phải thay đổi, bỏ môn thi thứ 4 và sớm được công bố cụ thể.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, học online là giải pháp tối ưu trong điều kiện dịch bệnh song việc học online kéo dài khiến học sinh và giáo viên căng thẳng, nhất là trong điều kiện kỳ thi lớp 10 THPT của TP luôn căng thẳn hơn cả xét tuyển vào đại học. Trong khi, thành phố chưa chốt môn thi thứ 4, học sinh phải học dàn trải tất cả các môn, giáo viên cũng tăng tốc dạy sợ bỏ sót kiến thức.

Nhiều phụ huynh, nhà trường cho rằng, Sở GDĐT Hà Nội cần sớm công bố phương án thi vào 10

Vì vậy, TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, phụ huynh và học sinh đề xuất giảm bớt môn thi thứ 4 là hợp lý để chia sẻ khó khăn, áp lực với các em trong thời điểm dịch bệnh hiện nay.

Bà Đặng Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Tây Đằng (huyện Ba Vì) cũng nhận định, sẽ quá tải cho các em nếu phải dồn sức học cùng lúc bốn môn trong thời gian quá ngắn; đặc biệt là trong điều kiện học tập gián đoạn, ở nhà nhiều hơn đến trường như thời gian qua.

Hiện, do chưa được tổ chức dạy học hai buổi trên tuần nên Trường THCS Tây Đằng cũng chưa dạy phụ đạo cho học sinh. Thay vào đó, trường tận dụng những tiết tự chọn trong chương trình chính khóa để ôn luyện hai môn Văn, Toán, củng cố kiến thức cho học sinh. Bà Hà bày tỏ: "Tôi mong thành phố sớm có kế hoạch chi tiết, để các em định hướng rõ nội dung ôn tập”.

Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết Online, bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng Phòng GDĐT quận Hà Đông cho biết, do lo lắng về hiệu quả học tập của học sinh nên hiện nay nhiều phụ huynh có con học lớp 9 trên địa bàn bày tỏ mong muốn được các trường tổ chức lịch dạy phụ đạo kiến thức 3 môn Toán, Ngữ Văn, Tiếng Anh cho các con. Tuy nhiên, nhằm giảm áp lực học trực tuyến cho học sinh, TP Hà Nội chưa cho phép các trường dạy thêm buổi chiều cho học sinh nên về vấn đề này, Phòng GDĐT quận Hà Đông phải xin ý kiến của Sở GDĐT Hà Nội.

Theo quan điểm của Trưởng phòng GDĐT quận Hà Đông, với năm học đặc biệt, học trực tuyến kéo dài gần hết học kỳ I như năm nay, thành phố nên tính đến phương án bỏ môn thi thứ 4 để giảm áp lực cho học sinh. Nếu không giảm hoặc không công bố sớm, học sinh vừa phải học vừa phải ôn tập tất cả các môn, học sinh sẽ vất vả và áp lực.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dịch bệnh căng thẳng, trường học mong ngóng phương án thi vào 10?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO