Dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng dai dẳng đến kinh tế TP Hồ Chí Minh

Thành Luân 19/08/2022 15:33

Những tác động dai dẳng của dịch bệnh Covid-19 vẫn đang khiến quá trình phục hồi kinh tế - xã hội của TP HCM khá chậm, trong đó các ghi nhận về dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm mạnh, kèm theo đó là các điều chỉnh chính sách đáng kể trong các lĩnh vực bất động sản, thương mại, dịch vụ, du lịch,...

Đó là các ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu tại tọa đàm khoa học “Kinh tế TP HCM thích ứng bối cảnh sau đại dịch Covid-19” do Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TP HCM tổ chức ngày 19/8.

Đoàn chủ tịch chủ trì tọa đàm khoa học (Ảnh: Hồng Phúc).

Chủ trì tọa đàm, TS Trương Thị Minh Sâm, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TP HCM cho biết, giai đoạn "hậu" Covid-19 đang chứng kiến những ảnh hưởng rất dai dẳng đến nhiều lĩnh vực, ngành hàng của kinh tế - xã hội đô thị "đầu tàu" cả nước.

Cụ thể, chuyên gia này chỉ ra việc mỗi tháng TP HCM mất khoảng 9.400 tỷ đồng vào thời điểm dịch Covid-19. Từ giai đoạn bình thường mới trở lại, dù có khởi sắc nhưng thu ngân sách vẫn rất khó khăn. Cân đối ngân sách căng thẳng đã ảnh hưởng lớn đến nhiều lĩnh vực khác nhau.

LẬP TỔ CÔNG TÁC CỦA THỦ TƯỚNG THÁO GỠ, PHỤC HỒI KINH TẾ TP HCM

Thủ tướng Chính phủ vừa cho phép thí điểm thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm Tổ trưởng, thành viên là lãnh đạo các bộ, cơ quan liên quan và Chủ tịch UBND TP HCM để đôn đốc, kiểm tra, kịp thời tháo gỡ các vấn đề vướng mắc, giúp TP HCM phục hồi nhanh.

"Khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn cung ứng vật liệu vì vật tư đầu tư vào bị giảm sút và chậm trễ. Giá cả nguyên liệu, vật tư lại ở mức tăng cao; thị trường tiêu thụ trong nước giảm do sức mua yếu kém; thị trường xuất khẩu đầu ra cũng bị thu hẹp; chi phí vận tải tăng do giá xăng dầu leo thang liên tục", Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TP HCM chỉ ra các yếu tố khiến đà tăng trưởng kinh tế TP HCM đang bị ảnh hưởng rất lớn.

Đồng chủ trì tọa đàm khoa học, ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM cũng bày tỏ lo lắng khi sụt giảm liên tục về sản xuất công nghiệp và nông nghiệp trong nhiều năm liên tục, cơ cấu vốn đầu tư nhà nước giảm, liên kết vùng chưa tốt, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông liên vùng có thể khiến TP HCM khó giữ vững được vị trí "đầu tàu" kinh tế cả nước trong vài năm tới đây.

Trong khi đó, TSKH Trần Quang Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa miền Nam bày tỏ lạc quan hơn, khi nhận định khả năng TP HCM vẫn sẽ hoàn thành 19 chỉ tiêu kinh tế, đặc biệt là duy trì được tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa từ 6-6,5%. Dù vậy, chuyên gia này cũng băn khoăn ở việc triển khai giải ngân vốn đầu tư trong 7 tháng đầu năm nay rất chậm, mới chỉ đạt khoảng hơn 20% so với kế hoạch năm.

Tại tọa đàm khoa học, nhiều ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu cũng đã hiến kế để TP HCM phục hồi nhanh, đảm bảo được ví trí "đầu tàu" kinh tế cả nước. Muốn vậy, các góp ý mong muốn UBND TP HCM sẽ điều hành kinh tế vĩ mô đảm bảo tháo gỡ trước mắt các khó khăn cho các ngành trụ cột về sản xuất công nghiệp, công nghệ cao, xây dựng và du lịch, dịch vụ. Bởi vì, các đánh giá cho rằng các trụ cột này sẽ là chìa khóa để đảm bảo cho sự phục hồi và phát triển của nền kinh tế lớn nhất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng dai dẳng đến kinh tế TP Hồ Chí Minh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO