Dịch Covid-19 kéo dài, nở rộ nhóm trông trẻ tự phát

Nguyễn Hoài 09/12/2021 16:04

Trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, phụ huynh không có người trông nom con, đời sống giáo viên gặp nhiều khó khăn, nhiều nhóm trẻ tự phát, dịch vụ trông trẻ tại nhà nở rộ tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Đã hơn nửa năm qua, các trường mầm non phải tạm thời đóng cửa vì dịch Covid-19. Gửi con ở đâu trong khi bố mẹ đi làm là bài toán khó của nhiều gia đình. Trong khi đó, giáo viên mầm non đang xoay xở đủ cách để có thu nhập trang trải cuộc sống. Xuất phát từ nhu cầu giữa hai bên, các nhóm trẻ tự phát ra đời, trở thành “phao cứu sinh” cho cả phụ huynh và giáo viên mầm non.

Phụ huynh và giáo viên cùng xoay xở

Có hai con nhỏ 3 tuổi và 5 tuổi nên chị Hoàng Thị Diệu Thúy (huyện Gia Lâm, Hà Nội) lúc nào cũng đầu tất mặt tối, hết việc kinh doanh tới việc nhà, nhất là hơn nửa năm nay.

Hai vợ chồng chị Thúy buôn bán ở chợ Ninh Hiệp. Những ngày cuối năm, công việc của anh chị khá bận rộn. Vừa kinh doanh, vừa chăm sóc con cái hằng ngày đang khiến chị Thúy kiệt sức. Chị Thúy cho hay, trường học hiện vẫn đang đóng cửa, ông bà lại ở quê nên hơn nửa năm nay, anh chị phải chia nhau người đi làm, người ở nhà để trông nom con.

Trường Mầm non Hạt giống nhỏ đóng cửa nhiều tháng vì dịch bệnh.

“Nhiều hôm bí quá tôi tha cả hai đứa ra cửa hàng. Nhìn cảnh chúng vật vờ từ sáng tới chiều với bố mẹ ở chợ, vợ chồng tôi thương con nhưng chẳng còn cách nào khác”, chị Thúy chia sẻ.

Trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, nhiều gia đình có con nhỏ ở độ tuổi mầm non cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự giống chị Thúy. Trong khi đó, bản thân các cô giáo mầm non cũng đang lao đao vì không có thu nhập trong nhiều tháng qua.

Từ tháng 8 tới nay, chị Phạm Phương Dung, giáo viên Trường Mầm non Anh Mai Sáng (quận Ba Đình, Hà Nội) không nhận được tiền hỗ trợ của nhà trường. Chị Dung cho biết, khi dịch bùng phát, trường của chị Dung đóng cửa từ đầu tháng 5. Trong 3 tháng, từ tháng 5 đến tháng 7, giáo viên nhà trường được nhận số tiền hỗ trợ 50% lương/tháng, tương đương khoảng 3 triệu đồng.

Thế nhưng, theo chị Dung, đã 4 tháng rồi, các cô giáo không nhận được bất kỳ khoản hỗ trợ nào nữa từ phía nhà trường. Cũng bởi dịch bệnh kéo dài, mọi hoạt động của nhà trường đều phải dừng lại nên rơi vào tình cảnh khó khăn. Nhà trường không còn đủ khả năng hỗ trợ giáo viên qua mấy đợt dịch bùng phát.

“Chúng tôi đã nhận được 1,5 triệu tiền hỗ trợ giáo viên mầm non từ Nhà nước song số tiền này không thấm vào đâu khi dịch liên tục kéo dài mà chưa có dấu hiệu tuyên giảm”, chị Dung chia sẻ.

Trong khi giáo viên mầm non gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, những chủ trường mầm non tư thục cũng phải đối mặt với muôn vàn thách thức. Nhiều chủ trường chia sẻ, nếu dịch bệnh kéo dài, họ không biết sẽ phải xoay xở ra sao để giữ được trường.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết Online, bà Nguyễn Thị Kim Thanh, chủ Trường Mầm non Hạt giống nhỏ (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, nhà trường vẫn đang duy trì trả tiền thuê mặt bằng. Thay vì phải trả 33 triệu/tháng như trước đây khi không có dịch thì hiện tại trường được giảm tiền thuê mặt bằng xuống còn 10 triệu/tháng.

Tuy nhiên, bà Thanh tâm sự: “Nếu trường học vẫn tiếp dục đóng cửa dài ngày thì không biết có trụ được bao lâu. Chúng tôi mong mỏi, dịch bệnh qua nhanh để trường học được mở cửa trở lại. Trong số 8 giáo viên của trường, có cô cuộc sống rất khó khăn. Để giữ chân các cô bám trụ với nghề là điều tôi trăn trở”.

Xuất phát từ hai phía

Không có người trông con trong nhiều tháng do dịch bệnh kéo dài, các gia đình có con nhỏ xoay xở nhiều cách để gửi con. Trên các diễn đàn mạng xã hội, nhiều phụ huynh tìm kiếm cô giáo về trông trẻ cho con tại nhà.

Cũng xuất phát từ nhu cầu 2 phía: phụ huynh và giáo viên, nhiều nhóm trông trẻ tự phát nở rộ trên địa bàn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Theo ghi nhận, trên các group giáo viên mầm non, cộng đồng dân cư, nhiều cô giáo mở dịch vụ trông trẻ tại nhà.

Nhiều phụ huynh đăng thông tin tìm giáo viên trông trẻ tại nhà trên các diễn đàn.

Chị Nguyễn Diệu Thùy (quận Hà Đông, Hà Nội) có một bé 4 tuổi. Vì có nhu cầu tìm người trông con, chị đăng nội dung tìm giáo viên mầm non trông con tại nhà, thời gian từ 8h sáng đến 18h tối, các ngày thứ Hai tới thứ Bảy.

Chị Thùy cho biết: “Chỉ sau vài phút, tôi đã nhận được nhiều tin nhắn của các cô giáo. Hiện nhiều phụ huynh có nhu cầu như tôi và cũng không khó tìm được một cô giáo nhận trông con tại nhà qua các trang mạng xã hội. Tôi chỉ có nhu cầu tìm cô trông tại nhà tới khi nào trường mầm non được mở cửa trở lại”.

Liên hệ tới số điện thoại của một cô giáo mầm non nhận trông trẻ đăng trên một group, cô giáo này cho biết, cô đang dạy một nhóm bạn lứa tuổi từ 3-4 tuổi tại khu vực Cầu Giấy. Mẹ bận công việc, có nhu cầu có thể gửi con tham gia nhóm này.

Cũng theo lời giới thiệu của cô giáo, nhóm của cô có 2 giáo viên. Các cô và phụ huynh của nhóm lớp này đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine và ở khu vực gần nhau nên phụ huynh có thể yên tâm.

Xuất phát từ nhu cầu thực tế, nhiều nhóm trẻ tự phát nở rộ.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Thanh, chủ Trường Mầm non Hạt giống nhỏ, hiện nay nhu cầu của phụ huynh gửi trẻ là rất lớn, trong khi giáo viên mầm non đang tạm thời bị “thất nghiệp”. Bà Thanh cũng cho biết, có nhiều cô giáo vì cơm áo, gạo tiền nhận trẻ về nhà trông, hoặc đến nhà các gia đình để trông trẻ theo giờ. Trung bình mỗi cô được trả 4 đến 5 triệu/tháng, ngoài ra cũng có gia đình bồi dưỡng thêm.

Không chỉ riêng trên địa bàn Hà Nội, mà tại TP Hồ Chí Minh, nhiều nhóm trẻ tự phát cũng nở rộ khi nhu cầu gửi trẻ đến trường đang ngày càng lớn. Dù biết thực tế xuất phát từ nhu cầu của hai bên song vào thời điểm hiện nay, trường học chưa được phép mở cửa để bảo đảm an toàn phòng chống dịch thì việc tự tổ chức những nhóm chăm sóc trẻ sẽ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho trẻ và cô.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc quản lý các nhóm trẻ chui, tự phát trong khi nhu cầu của hai bên là rất lớn không dễ dàng. Trong khi nếu trẻ được đến trường thì sẽ giải quyết được các vấn đề này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dịch Covid-19 kéo dài, nở rộ nhóm trông trẻ tự phát

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO