Dịch vụ giao, nhận hàng - Bài 2: Lỏng lẻo kiểm soát, ‘béo’ cho kẻ lừa

Nguyễn Hoài 02/12/2021 11:04

Các đơn vị vận chuyển hàng hóa xuất hiện ngày càng nhiều, trong khi không có sự quản lý phù hợp dẫn đến nhiều hệ lụy phức tạp.

Dịch vụ chuyển phát, giao hàng nhanh nở rộ kéo theo số lượng nhân viên giao hàng càng lớn, song yêu cầu tuyển dụng lại không quá khắt khe, tạo ra nhiều kẽ hở, tiềm ẩn nguy cơ bị lợi dụng vận chuyển hàng lậu, hàng cấm. Theo các chuyên gia, trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, việc kiểm soát dịch vụ giao hàng qua các ứng dụng công nghệ là vô cùng cần thiết.

Vừa bị lợi dụng, vừa tiếp tay cho kẻ gian

Nhu cầu mua sắm trực tuyến gia tăng, đặc biệt là trong thời đại số và dịch bệnh Covid-19 đã lộ ra những lỗ hổng trong lĩnh vực vận chuyển, giao hàng. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp bưu chính đã bị phạt vì bị lợi dụng hoặc cố tình tiếp tay cho các đối tượng vận chuyển hàng cấm, hàng lậu.

Có thể kể đến một số vụ điển hình trong năm 2020 như: vụ xe hàng của Viettel Post ở Lạng Sơn do đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường Lạng Sơn phối hợp với đội Kiểm tra công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Lạng Sơn tiến hành kiểm tra.

Hay như vụ bưu gửi có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu… có tổng giá trị hàng hóa hơn 2,2 tỷ đồng tại kho cảng ICD Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, và Lô 14 khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh, Hà Nội, có liên quan tới Công ty TNHH MTV Chuyển phát nhanh Thuận Phong (J&T)…

Song hành cùng sự phát triển của thương mại điện tử, thị trường chuyển phát, giao hàng nhanh ngày càng mở cửa và tính cạnh tranh cao.

Từ nay tới Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 chỉ còn 2 tháng nữa nhưng thời điểm gần đây, lực lượng chức năng đã phát hiện và bắt giữ nhiều vụ vận chuyển hàng lậu qua biên giới với số lượng lớn, đặc biệt là ma túy.

Theo ông Nguyễn Hùng Anh, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, hình hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới đang có chiều hướng tăng dần từ đầu tháng 11, với tính chất phức tạp và sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi hơn.

Đặc biệt, vận chuyển trái phép hàng hoá, ma tuý qua đường hàng không, bưu điện, chuyển phát nhanh ngày càng gia tăng, với nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp, khó lường. Các đối tượng thường cất giấu ma túy trong quà biếu, tân dược, sữa hộp... và ngụy trang bằng vô vàn cách khác nhau.

Trong khi đó, hiện nay theo ghi nhận của phóng viên, việc tiếp nhận hàng và giao hàng của các đơn vị bưu chính vẫn còn quá dễ dàng.

Như đã phản ánh tại bài viết trước, ngay cả những đơn vị có tiếng như Viettel Post, Vietnam Post khi tiếp nhận hàng hóa từ khách hàng đều không kiểm tra nội dung gói, kiện hàng hóa trước khi chấp nhận.

Đây chính là một trong những kẽ hở khiến dịch vụ chuyển phát nhanh đang là kênh để nhiều đối tượng lợi dụng giao hàng hóa là chất cấm hoặc hàng lậu, hàng giả.

Siết chặt kiểm soát từ nhân viên

Trao đổi với phóng viên Đại Đoàn Kết Online, chuyên gia logistics, PGS.TS An Thị Thanh Nhàn, giảng viên khoa Marketing, Trường Đại học Thương mại cho biết, chuyển phát, giao hàng nhanh là một dạng dịch vụ thuộc lĩnh vực logistics mà các nước trên thế giới phát triển khá thành công.

Ở Việt Nam hiện nay, song hành cùng sự phát triển của thương mại điện tử, thị trường chuyển phát, giao hàng nhanh ngày càng mở cửa và tính cạnh tranh cao.

PGS.TS Nhàn nhìn nhận, với thực trạng số lượng gói, kiện hàng hóa được gửi qua đường bưu điện quá lớn thì việc mở từng gói, kiện để kiểm tra là không xuể. Về quy định kiểm tra hàng hóa, mỗi đơn vị bưu chính sẽ có một cách làm, quy định khác nhau.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Nhàn, bên cạnh các công ty uy tín, các đơn vị vận chuyển hàng hóa xuất hiện ngày càng nhiều, trong đó có nhiều công ty nhỏ lẻ, hoạt động nhập nhèm, chộp giật.

Những shipper làm việc tại các công ty này không được quyền bảo hộ của pháp luật nên khi xảy ra sự cố rủi ro trong quá trình vận chuyển hàng hóa thì người chịu trách nhiệm là người lao động chứ không phải đơn vị cung cấp dịch vụ.

Để tránh rủi ro, các shipper nên tham gia vào các công ty vận chuyển công nghệ.

Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng đội phân tích, hiện nay có hai hình thức vận chuyển hàng hoá cơ bản là thông qua dịch vụ bưu chính hoặc qua các ứng dụng công nghệ như: Grab, Be, GoJek, MyGo, FastGo,...

Thông thường, trong quá trình giao nhận hàng, người giao hàng cần thực hiện một số thủ tục chính như: Tiếp nhận thông tin của người sử dụng dịch vụ bưu chính, kiểm tra nội dung kiện hàng và xác nhận lại địa chỉ người nhận kiện hàng; đảm bảo kiện hàng không vi phạm các điều cấm của Luật tại Điều 12, Luật Bưu chính 2010.

Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 3, Điều 29, Luật Bưu chính 2010, việc kiểm tra nội dung gói, kiện hàng hoá trước khi chấp nhận là một trong những quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính.

Đối với nhân viên của các dịch vụ giao hàng công nghệ, người giao hàng cần tuân thủ những quy trình, trình tự, thủ tục do doanh nghiệp quy định. Ngoài ra, tùy vào đơn vị vận chuyển có chính sách về kiểm hàng hay không mà nhân viên bưu cục có thể kiểm tra hàng hóa hoặc không.

Trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, luật sư Tiền cho rằng, việc kiểm soát dịch vụ giao hàng qua các ứng dụng công nghệ là vô cùng cần thiết. Các hãng vận chuyển hàng hoá xuất hiện ngày càng nhiều và không có sự quản lý phù hợp, cũng như số lượng nhân viên giao hàng ngày càng lớn, yêu cầu tuyển dụng không quá khắt khe dẫn đến nhiều hệ lụy phức tạp.

Để tránh rủi ro, theo luật sư Tiền, các hoạt động giao nhận hàng cần có các biện pháp kiểm soát hoạt động của nhân viên; kiểm soát sự tuân thủ pháp luật, tuân thủ các cam kết khi gửi hàng của khách hàng một cách chặt chẽ hơn.

Ngoài ra, các đơn vị giao hàng cần có bộ phận chăm sóc khách hàng, tiếp nhận khiếu nại của khách hàng khi chưa nhận được hàng, nhận hàng bị hư hỏng do lỗi trong quá trình vận chuyển cũng hướng dẫn khách hàng các thông tin cần thiết để khiếu nại về hàng hóa.

Bên cạnh đó, hoạt động lưu thông tin khách hàng của các dịch vụ này cần thực hiện bằng dữ liệu số để lưu trữ hồ sơ, phục vụ hoạt động tra cứu, và các công việc khác dễ dàng hơn.

Shipper cần tự bảo vệ bản thân

Luật sư Trần Xuân Tiền khuyến cáo, các shipper nên tham gia vào các công ty vận chuyển công nghệ. Việc này giúp giảm thiểu rủi ro trong hoạt động giao hàng khi các khách hàng đều là những người có danh tính, mức độ tin cậy cao hơn so với hoạt động giao hàng tự phát.

Ngoài ra, trường hợp phát hiện hàng hóa có vấn đề gì, các căn cứ chứng minh đối với trường hợp không kiểm tra hàng hóa do khách hàng không đồng ý sẽ rõ ràng và minh bạch hơn, tránh rủi ro về trách nhiệm khi bị lợi dụng để vận chuyển hàng cấm. Việc tham gia vào các công ty công nghệ này cũng nhằm được hưởng quyền lợi và chế độ bảo hiểm khi có tình huống không may xảy ra.

Bên cạnh đó, các shipper cần tích cực chủ động xin phép khách hàng được kiểm tra hàng hóa trước khi vận chuyển, chụp ảnh gói hàng khi nhận và khi giao tới tay khách hàng để minh chứng việc gói hàng được vận chuyển toàn vẹn, không bị bóc mở, hư hỏng… Điều đó giúp cho những người vận chuyển hàng hoá tránh được những rủi ro không đáng có khi thực hiện công việc, cũng như làm căn cứ, cơ sở để bảo vệ bản thân khi có bất kỳ vấn đề nào xảy ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dịch vụ giao, nhận hàng - Bài 2: Lỏng lẻo kiểm soát, ‘béo’ cho kẻ lừa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO