'Điểm mặt' đại gia bất động sản bị khởi tố, tù giam vì làm ăn phi pháp

Anh Ka 28/11/2021 10:33

Thời gian qua, cơ quan công an đã lật tẩy nhiều hành vi phi pháp của các đại gia bất động sản như vẽ dự án ma để lừa đảo, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vi phạm về hoạt động đấu giá tài sản. Có người phải lĩnh án tù chung thân.

CEO Thuduc House bị khởi tố vì lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Ngày 25/11, thông tin từ Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (Cục C03, Bộ Công an) cho biết, Cục C03 đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng (sinh năm 1976, ngụ Quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Chánh, Thành phố Thủ Đức), là Tổng Giám đốc Thuduc House. Ngoài vị trí là CEO Thuduc House, ông Hoàng còn giữ nhiều chức vụ quan trọng khác tại một số công ty bất động sản và là gương mặt doanh nhân trẻ điển hình của TPHCM.

Ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng.
Ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng.

Hiện Cục C03, Bộ Công an đang tiếp tục mở rộng để điều tra vụ án.

Trước khi bị bắt tạm giam, ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng Hoàng đã có nhiều động thái giảm sự hiện diện tại Thuduc House. Vào ngày 22/11, ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng đã viết giấy uỷ quyền cho ông Lê Chí Thủ Khoa - Phó tổng giám đốc điều hành toàn bộ công việc thuộc trách nhiệm của Tổng giám đốc.

Đặc biệt, trong phiên 1/11 xuất hiện giao dịch thỏa thuận với khối lượng trùng khớp với lượng cổ phần bán ra của ông Hoàng. Ông Hoàng đã đăng ký bán ra 1,75 triệu cổ phần TDH. Như vậy, ngay trước thời điểm bị bắt, khả năng cao ông Hoàng đã bán xong cổ phần TDH, thu về 22,7 tỷ đồng tương đương mức giá thực hiện 13.000 đồng/CP. Công ty liên quan là CTCP Phát triển Nhà Daewon - Thủ Đức cũng đăng ký bán 311.941 cổ phiếu TDH.

Chủ tịch Vimedimex Nguyễn Thị Loan bị khởi tố vì gây thiệt hại cho Nhà nước 200 tỷ đồng

Tối 9/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội ra quyết định khởi tố, bắt giam bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Vimedimex, về tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản, gây thiệt hại tài sản Nhà nước khoảng 200 tỷ đồng.

Kết quả điều tra ban đầu xác định, tháng 8/2020, Ban quản lý dự án huyện Đông Anh tổ chức đấu giá khu đất rộng 5ha ở xã Cổ Dương.

Bà Nguyễn Thị Loan bị khởi tố vì hành vi vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản, gây thiệt hại tài sản Nhà nước khoảng 200 tỷ đồng.

Ban quản lý dự án huyện Đông Anh và công ty thẩm định giá được cho là dùng nhiều thủ đoạn thông đồng để hạ mức giá thẩm định một số thửa đất còn hơn 17 triệu đồng/m2. Trong khi đó, giá giao dịch thực tế tại thời điểm thẩm định khoảng 60-70 triệu đồng/m2.

Bị can Nguyễn Thị Loan đã đưa 3 công ty tham gia đấu giá, sau đó đã chi phối công ty cấp dưới rồi trúng đấu giá với mức hơn 20 triệu đồng/m2. Một tháng sau khi trúng đấu giá và được bàn giao đất.

Nữ đại gia bất động sản bị tạm giam có liên quan tới Vũ Nhôm

Cuối tháng 8/2021, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam Trương Thị Kim Soan (47 tuổi, trú tại quận Phú Nhuận, TP HCM) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015.

Theo cơ quan chức năng, bà Trương Thị Kim Soan bị cáo buộc lừa đảo ông John Koon (quốc tịch Úc) và các công ty do ông John Koon làm đại diện được ủy quyền với tổng số tiền là 11.290.000 USD (quy đổi theo tỷ giá tại thời điểm nhận tiền là hơn 234 tỷ đồng).

Thời điểm bị khởi tố, bắt tạm giam, bà Trương Thị Kim Soan là nguyên Giám đốc, đại diện theo pháp luật Công ty TNHH Vàng Titan Việt Nam, Công ty TNHH Khoáng sản Thiên Ân, Công ty TNHH Đầu tư khoáng sản Thiên Bình và một số công ty khác.

Bà Trương Thị Kim Soan có liên quan tới vụ bán đất vàng tại 129 Pasteur (Quận 3, TP HCM).

Năm 2016, bà Trương Thị Kim Soan là một trong 189 cá nhân, tổ chức tại Việt Nam có tên trong hồ sơ Panama.

Đến tháng 4/2018, bà Trương Thị Kim Soan xuất hiện trong buổi làm việc với Bộ GTVT với tư cách là Chủ tịch Tập đoàn phát triển hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (VIPD Group).

Bà Trương Thị Kim Soan từng là Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Peak View - là doanh nghiệp nhận chuyển nhượng dự án 129 Pasteur (Quận 3, TP HCM) từ CTCP Nova Bắc Nam 79 của ông Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”). Đây là một trong những thương vụ có liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm) cùng một số quan chức thuộc UBND TP HCM và Bộ Công an, đã được cơ quan tố tụng truy tố, xét xử.

Peak View được thành lập vào đầu năm 2016 với vốn điều lệ 300 tỷ đồng, gồm 3 cổ đông sáng lập là: Trịnh Hưng (40%), Bùi Đức Dũng (30%) và Nguyễn Văn Chung (30%). Công ty này do ông Phạm Quốc Ái làm Tổng giám đốc.

Ngày 13/01/2018, 3 cổ đông sáng lập Peak View thực hiện chuyển nhượng 100% cổ phần với giá 350,01 tỷ đồng cho Sài Gòn - Gia Định.

Hiện tại, Sài Gòn - Gia Định thuộc sở hữu của vợ chồng doanh nhân Ngụy Phúc Yên - Châu Thị Mỹ Linh.

Nữ đại gia bất động sản và vụ vỡ nợ hơn 1000 tỷ tại Đà Nẵng

Chiều 23/11, TAND TP Đà Nẵng kết thúc phiên xét xử sơ thẩm vụ án cưỡng đoạt tài sản của nữ đại gia vỡ nợ bất động sản lớn nhất Đà Nẵng, trong đó chủ nợ bị tuyên mức án 12 năm tù.

Theo báo Thanh niên, tại phiên tòa xét xử vụ án cưỡng đoạt tài sản liên quan giữa bị cáo Phạm Thanh và nữ đại gia Đào Thị Như Lệ, xuất hiện tình tiết nữ đại gia này vỡ nợ đến 1.300 tỷ đồng do thua lỗ bất động sản và vay nóng.

Cáo trạng truy tố bị cáo Phạm Thanh (54 tuổi, ngụ Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng) tội cưỡng đoạt tài sản. Theo cáo trạng, từ ngày 26/3/2020 đến ngày 16/6/2020, Đào Thị Như Lệ nhiều lần vay mượn và nhận tiền đặt cọc lô biệt thự 49 Hoàng Kế Viêm (Q.Ngũ Hành Sơn) từ bị cáo Thanh lên đến 72 tỷ đồng.

Theo điều tra, Đào Thị Như Lệ vay nóng nhiều người nhưng kinh doanh bất động sản thua lỗ nên vỡ nợ. Lệ nhờ Anh lấy hơn 20 sổ đỏ của công dân gửi làm thủ tục gửi tại Văn phòng đăng ký đất đai, đưa Lệ mang đi cầm cố, thế chấp cho các chủ nợ để vay tiền cho đến khi mất khả năng chi trả.

Lệ đang bị tạm giam trong vụ án lừa đảo khác. Ảnh: Thanh Niên.
Lệ đang bị tạm giam trong vụ án lừa đảo khác. Ảnh: Thanh Niên.

Kết quả điều tra ban đầu xác định Lệ vỡ nợ hơn 500 tỷ đồng, tuy nhiên ở phiên xét xử sơ thẩm chiều 22/11 đã xuất hiện thêm một số tình tiết quan trọng. Cụ thể, khi HĐXX hỏi Đào Thị Như Lệ về các khoản nợ, Lệ xác nhận trước khi bị bắt đã nợ 1.300 tỷ đồng, trong đó vay bị cáo Phạm Thanh với lãi suất 5%/tháng, còn nhiều chủ nợ ngoài xã hội cho vay nóng từ 9 - 15%/tháng, có người cho vay đến 21%/tháng.

HĐXX nhận định, bị cáo Đào Thị Như Lệ không thừa nhận hành vi nên không được xem xét yếu tố thành khẩn khai báo và ăn năn hối cải. Nhưng bị cáo có nhân thân tốt, không có tình tiết tăng nặng, thường xuyên làm từ thiện, có nhiều thành tích đóng góp cho công tác xã hội được nhiều cơ quan, tỉnh thành ghi nhận, tặng giấy khen nên được hưởng tình tiết giảm nhẹ.

Do đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Đào Thị Như Lệ 12 năm tù.

Chủ tịch Housing Group Châu Thị Thu Nga lĩnh án chung thân

Ngày 16/4/2018, TAND cấp cao tại Hà Nội đã tuyên y án chung thân đối với bị cáo Châu Thị Thu Nga, nguyên Chủ tịch HĐQT Housing Group, nguyên đại biểu Quốc hội về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và buộc phải bồi thường 54 tỷ đồng, công ty Housing Group bồi thường 187 tỷ đồng.

Theo cáo trạng, Housing Group thành lập năm 2000 do bà Châu Thị Thu Nga sở hữu. Ngoài ra còn một số cá nhân khác được bà Nga nhờ đứng tên cổ phần để công ty này hoạt động như công ty cổ phần nhưng mọi hoạt động của Housing Group do bà Nga quyết định.

Bị cáo Châu Thị Thu Nga. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Bị cáo Châu Thị Thu Nga. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Từ năm 2008, bà Châu Thị Thu Nga ký hợp đồng với HAIC về việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình khu chung cư và biệt thự nhà vườn tại khu đất B5 Cầu Diễn. Từ năm 2009 cho đến tháng 11/2010, dự án B5 Cầu Diễn chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch và cấp phép xây dựng, chưa được phép huy động vốn nhưng bà Nga đã chỉ đạo đưa ra nhiều thông tin sai sự thật về tình trạng pháp lý và tiến độ của dự án để khách hàng tin tưởng nộp tiền mua căn hộ hình thành trong tương lai.

Từ năm 2009-2013 bà Nga cùng với các bị can được bà Nga ủy quyền đã ký hơn 700 hợp đồng góp vốn, thu hơn 377 tỷ đồng của khách hàng và cam kết sẽ chuyển nhượng quyền sử dụng 752 căn hộ cho họ.

Theo cáo trạng, Housing Group thành lập năm 2000 do bà Châu Thị Thu Nga sở hữu. Ngoài ra còn một số cá nhân khác được bà Nga nhờ đứng tên cổ phần để công ty này hoạt động như công ty cổ phần nhưng mọi hoạt động của Housing Group do bà Nga quyết định.

Từ năm 2008, bà Nga ký hợp đồng với HAIC về việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình khu chung cư và biệt thự nhà vườn tại khu đất B5 Cầu Diễn. Từ năm 2009 cho đến tháng 11/2010, dự án B5 Cầu Diễn chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch và cấp phép xây dựng, chưa được phép huy động vốn nhưng bà Nga đã chỉ đạo đưa ra nhiều thông tin sai sự thật về tình trạng pháp lý và tiến độ của dự án để khách hàng tin tưởng nộp tiền mua căn hộ hình thành trong tương lai.

Theo đó, từ năm 2009-2013 bà Nga cùng với các bị can được bà Nga ủy quyền đã ký hơn 700 hợp đồng góp vốn, thu hơn 377 tỷ đồng của khách hàng và cam kết sẽ chuyển nhượng quyền sử dụng 752 căn hộ cho họ.

Nữ giám đốc vẽ dự án “ma” lừa hơn 200 người, chiếm đoạt 285,6 tỷ đồng

Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh vừa thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam 4 tháng đối với Phạm Thị Tuyết Nhung (40 tuổi, ngụ Quận 4), về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Phạm Thị Tuyết Nhung là Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn và đầu tư Angel Lina (gọi tắt Công ty Angel Lina), trụ sở phường Đa Kao, quận 1, và Công ty TNHH TM -DV Đất Vàng Hoàng Gia (gọi tắt Công ty Đất Vàng Hoàng Gia) trụ sở phường Tân Phong, Quận 7.

Bà Nhung (trái) lúc bị bắt giam. Ảnh: Công an cung cấp.

Cơ quan điều tra xác định, Phạm Thị Tuyết Nhung đã lừa đảo chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn thông qua hành vi sử dụng pháp nhân của Công ty Angel Lina và Công ty Đất Vàng Hoàng Gia để ký kết các hợp đồng góp vốn, hợp đồng đặt cọc hứa hẹn mua bán các nền đất ở của 9 dự án không có thật tại nhiều quận huyện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Hành vi và thủ đoạn lừa đảo được Nhung thực hiện như sau: Năm 2017, Nhung cùng một số đối tượng liên quan tìm người có nhu cầu bán đất (đất có diện tích lớn) là đất ở, đất trồng lúa, trồng cây lâu năm, nuôi trồng thủy sản... thực hiện thỏa thuận, mua bán đất với một số hộ cá nhân có đất, sau đó thỏa thuận lập và ký biên bản đặt cọc “hứa mua hứa bán” để làm tin.

Khách hàng phát hiện bị lừa mua dự án
Khách hàng phát hiện bị lừa mua dự án "ma" đã căng băng rôn đòi tiền Nhung nhưng bất thành. Ảnh: VnExpress.

Mặc dù chưa hoàn tất thủ tục sang tên chuyển nhượng cho Nhung; Không lập thủ tục pháp lý và chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép cho dự án, nhưng Nhung đã thuê người tự lập bản vẽ thiết kế quy hoạch chi tiết 1/500 phân thành từng lô (nền), thể hiện có cơ sơ hạ tầng đầy đủ, tự đặt tên cho dự án và quảng cáo dự án để bán, nhằm chiếm đoạt tài sản.

Thực tế, sau khi nhận tiền đặt cọc hoặc tiền góp vốn của khách hàng, Nhung đã không thực hiện dự án, không hoàn trả lại tiền, đưa ra nhiều lý do để lẩn tránh.

Cơ quan CSĐT đã tiếp nhận đơn tố giác của trên 200 bị hại với số tiền chiếm đoạt 285,6 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Điểm mặt' đại gia bất động sản bị khởi tố, tù giam vì làm ăn phi pháp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO