Điểm sáng từ Yên Đồng

Lâm Nguyên 17/01/2017 11:05

Từ một địa phương có những bức xúc về môi trường nhưng nhờ có cách làm sáng tạo kết hợp với triển khai đồng bộ các giải pháp đã khiến vệ sinh môi trường nông thôn của xã Yên Đồng, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình đang từng bước đổi thay. Đến nay, xã Yên Đồng trở thành một trong những điển hình của huyện Yên Mô trong việc hướng tới xây dựng môi trường xanh – sạch – đẹp gắn với phát triển kinh tế bền vững.

Một trong những người đi tiên phong giúp địa phương làm sạch môi trường đó là chị Phạm Thị Duyên, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Yên Đồng. Thấu hiểu nỗi khó khăn của người dân vùng xa trung tâm, nhất là vệ sinh môi trường, chị Duyên đã đề xuất với xã Yên Đồng xin tham gia dự án cải thiện vệ sinh môi trường nông thôn bằng việc xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh.

Chị Duyên cho biết, năm 2012, cả xã mới có 18,74% hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh vì người dân vẫn có thói quen sử dụng nhà tiêu hở để lấy phân bón ruộng nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường nước và không khí.

Ô nhiễm nên những bệnh về mắt, tiêu chảy thường xuyên xảy ra. Nhưng với trách nhiệm, tâm huyết của một cán bộ hội nhiều năm gắn bó và thấu hiểu nỗi vất vả của người dân, chị Duyên đã tìm cách cải thiện vệ sinh môi trường tại địa phương. Chị đã làm đơn xin xã Yên Đồng tham gia dự án “Cải thiện điều kiện vệ sinh cộng đồng dựa trên kết quả đầu ra - ChoBa”.

Tháng 6 – 2012, dự án chính thức được phê duyệt. Khi tham gia dự án này, các hộ gia đình nghèo và cận nghèo, khó khăn về kinh tế nếu xây dựng được nhà tiêu hợp vệ sinh sẽ được nhận thưởng từ dự án.

Thấy cơ hội đã đến, chị Duyên liền tổ chức họp BCH xã để mọi người cùng nhau bàn bạc, thống nhất xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện gắn với CVĐ xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”.

Cùng với việc tuyên truyền rộng rãi về lợi ích các tiêu chí của CVĐ, BCH Hội Phụ nữ đã tập trung thực hiện 5 tiêu chí sạch “sạch nhà, sạch ngõ, sạch bếp” gắn với việc thực hiện dự án “Cải thiện điều kiện vệ sinh công cộng dựa trên kết quả đầu ra - ChoBa”.

Để triển khai rõ ràng, cụ thể công việc, trước hết các Chi hội trưởng Hội Phụ nữ thôn phải tiến hành khảo sát thực trạng sử dụng nhà tiêu và nhu cầu của người dân, sau đó tổng hợp số lượng, nghiên cứu khả năng kinh tế của các hộ, dự kiến phương án hỗ trợ khi cần thiết sau mới tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động các hộ gia đình chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh xây dựng công trình. Bên cạnh đó, chị Duyên còn vận động mọi người tích cực thu gom và vứt rác đúng nơi quy định.

Nói về kết quả công việc, chị Duyên vui vẻ cho biết: Việc cải thiện vệ sinh môi trường cũng như thay đổi tập quán sinh hoạt của người dân không thể thay đổi ngay trong một sớm một chiều.

Thậm chí nhiều người cho rằng chị đang vẽ việc. Thêm vào đó kinh tế của các hộ dân đa phần đều eo hẹp. Để thay đổi được suy nghĩ đó, chị Duyên phối hợp cùng BCH Hội Phụ nữ xã tiến hành xây dựng mô hình mẫu tại gia đình chị Phạm Thị Vải, thôn Hàn Dưới.

Chỉ với số tiền hơn 2 triệu đồng, gia đình chị Vải đã được sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh giá rẻ đúng kỹ thuật, thuận tiện cho sinh hoạt cũng như không ảnh hưởng đến vệ sinh chung của cộng đồng.

Mô hình trên đã phát huy tác dụng, nhiều hộ khó khăn về kinh tế vẫn còn đang do dự nhưng sau khi đến tìm hiểu mô hình đã hăng hái làm theo.

Để hỗ trợ các gia đình không có đủ tiền xây dựng công trình, Hội Phụ nữ xã Yên Đồng đã mạnh dạn đứng ra ký hợp đồng với chủ cơ sở sản xuất ống bê tông tại xã để cung cấp vật liệu cho các gia đình có nhu cầu xây dựng theo phương pháp trả chậm, miễn phí công vận chuyển.

Hội Phụ nữ xã sẽ hỗ trợ thêm ngày công đối với những gia đình neo người hoặc tạo điều kiện cho các hộ được vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội. Nhờ vậy, nhiều gia đình đã đăng ký xây dựng.

Chỉ trong vòng 4 tháng, hội đã vận động được 372 hộ xây nhà vệ sinh tự hoại, trong đó có 210 nhà tiêu hợp vệ sinh giá rẻ. Đến nay, tổng số nhà tiêu hợp vệ sinh toàn xã đã lên tới con số 1.100, trong đó có 260 nhà tiêu hợp vệ sinh giá rẻ góp phần tăng tỉ lệ bao phủ nhà tiêu hợp vệ sinh toàn xã lên 30,25%. Nhờ đó, Yên Đồng là một trong bảy xã được nhận gói thưởng CCT1 của dự án ChoBa với số tiền thưởng 64 triệu đồng.

“Với số tiền này, Hội Phụ nữ xã đã họp và thống nhất hỗ trợ 40 hộ nghèo xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh với số tiền 300.000 đồng/hộ. Cùng với việc vận động các gia đình xây dựng, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, Hội Phụ nữ xã còn vận động chị em sắp xếp lại nhà cửa, nhà bếp gọn gàng, phân loại và xử lý chất thải tại hộ gia đình, xây dựng các đoạn đường phụ nữ tự quản ở các thôn, xóm.”, chị Duyên cho biết.

Trong thời gian tới, để đẩy mạnh công tác vệ sinh môi trường, Trung tâm vệ sinh môi trường huyện Yên Mô sẽ tiếp tục phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, đánh giá thực trạng công tác vệ sinh môi trường, khảo sát xây dựng bãi ga trung chuyển rác, mua xe chuyên dụng để thu gom rác và ký hợp đồng thu gom xử lý rác với các xã còn lại theo sự chỉ đạo của UBND huyện…

Năm 2012, Ninh Bình là một trong 10 tỉnh được hưởng lợi từ dự án “Cải thiện vệ sinh cộng đồng dựa trên kết quả đầu ra - ChoBa” do Tổ chức Đông Tây hội ngộ (Mỹ) tài trợ.

Đến nay sau gần 5 năm thực hiện, Dự án đã góp phần quan trọng cải thiện tình trạng sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống và thay đổi thói quen, hành vi vệ sinh của người dân vùng nông thôn đồng thời thực hiện tốt tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới và phong trào “5 không, 3 sạch” do các cấp Hội Phụ nữ phát động.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điểm sáng từ Yên Đồng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO