Điểm sáng xuất khẩu

Thanh Giang 27/07/2022 14:00

Xuất khẩu đang là điểm sáng của nền kinh tế trong nửa đầu năm 2022, trong đó ngành nông nghiệp đóng vai trò quan trọng. Vấn đề đặt ra, phải tiếp tục phát huy hiệu quả trên. Đó là thông tin được đưa ra tại tọa đàm “Nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu nông, lâm, thủy sản” tổ chức ngày 26/7, tại TP Hồ Chí Minh.

Thủy sản Việt Nam được thị trường các nước đón nhận.

Ông Đào Duy Tám - Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý (Tổng cục Hải quan) cho biết, xuất khẩu (XK) đang là điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam trong nửa đầu năm 2022. Trong đó, ngành nông nghiệp đóng vai trò chủ chốt. Kết quả XK các mặt hàng nông, lâm, thủy sản đạt gần 28 tỷ USD (tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2021). Trong đó có 9 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị XK đạt trên 1 tỷ USD, gồm: cà phê, cao su, điều, rau quả, gạo, cá tra, tôm, sản phẩm gỗ...

Cũng theo thống kê của Tổng cục Hải quan, hiện nay nông sản Việt Nam đã có mặt trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn là các thị trường nhập khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất với kim ngạch khoảng 7,61 tỷ USD, chiếm 27,3% tổng giá trị XK.

Đáng chú ý, thời gian qua Trung Quốc là thị trường XK lớn đối với hàng nông, thủy sản của Việt Nam. Thế nhưng, gần đây tình hình xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc có dấu hiệu chững lại do xuất hiện nhiều rào cản từ thị trường này.

Không dừng lại ở những thị trường truyền thống, nông sản Việt còn tìm đường XK sang các thị trường mới.

Theo Bộ Công thương, 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch XK của Việt Nam sang châu Phi đạt 1,15 tỷ USD. Trước đó, năm 2021, kim ngạch XK của Việt Nam sang khu vực châu Phi đạt 2,24 tỷ USD, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Châu Phi là thị trường có nhu cầu lớn về mặt hàng cà phê. Hàng năm, châu Phi dành khoảng 750 triệu USD để nhập khẩu cà phê. Trong đó, Việt Nam là 1 trong 5 thị trường cung ứng chính. Ngoài XK thô, một số thương hiệu cà phê chế biến của Việt Nam như Trung Nguyên, King Coffee cũng được quan tâm tại khu vực này.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho hay, thủy sản có mức tăng cao nhất trong hoạt động XK nông, lâm, thủy sản với gần 41%, đạt 5,8 tỷ USD nhờ những giải pháp đẩy mạnh nuôi trồng. Mặc dù đạt nhiều kết quả ấn tượng, nhưng các doanh nghiệp sản xuất, XK nông sản đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Cụ thể là lạm phát tăng cao ở nhiều thị trường, ảnh hưởng của chiến sự Nga - Ukraine... khiến giá vật tư, nguyên liệu đầu vào, chi phí logistics tăng mạnh cùng đó là thiếu nguyên liệu sản xuất. Các yếu tố đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành XK hàng hóa, dẫn đến hạn chế năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Trước thực trạng trên, để hỗ trợ doanh nghiệp XK, Tổng cục Hải quan tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho cho doanh nghiệp. Theo Tổng cục Hải quan, thủ tục hải quan đối với hàng hóa XK, đặc biệt là hàng nông, thủy sản được đơn giản, tạo thuận lợi thương mại. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng lượng tờ khai hàng hóa khoảng 4 triệu tờ khai hải quan, trong đó đối với luồng đỏ kiểm tra thực tế chỉ chiếm 2,3%, luồng vàng 18,6%, luồng xanh 79%.

Lãnh đạo Tổng cục Hải quan nhận định, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn có thể diễn biến phức tạp do đã xuất hiện biến chủng mới.

Bên cạnh đó, nhiều nước trên thế giới còn áp dụng chặt chẽ các biện pháp kiểm soát phòng, chống dịch nên hoạt động xuất nhập khẩu có thể bị ảnh hưởng. Để hạn chế ảnh hưởng, thiệt hại từ dịch bệnh, cần thực hiện hoạt động thương mại theo thông lệ quốc tế; nâng cao chất lượng nông sản theo hướng đáp ứng được các điều kiện, tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu; đa dạng hóa thị trường XK.

Đề cập đến việc thúc đẩy XK nông, lâm, thủy sản, bà Bùi Hoàng Yến - Tổ phó Tổ Công tác miền Nam của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho rằng, doanh nghiệp cần tận dụng hơn nữa cơ hội để thúc đẩy XK vào các thị trường mà Việt Nam có ký hiệp định thương mại tự do (FTA). Tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã ký kết 15 FTA. Các FTA và các hiệp định thương mại thế hệ mới sẽ mang lại nhiều cơ hội về tăng trưởng kinh tế, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu.

Đại diện Cục Xúc tiến thương mại khẳng định, luôn ưu tiên đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp kết nối XK. Trong khuôn khổ Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, hàng năm Bộ Công thương dành trung bình 20% tổng kinh phí của chương trình cho các hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường EU. Còn với thị trường Trung Quốc, để giải quyết tình trạng nông sản bị ùn ứ tại cửa khẩu, Bộ Công thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện hệ thống hạ tầng thương mại, tăng khả năng kết nối lưu thông hàng hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điểm sáng xuất khẩu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO