Điện ảnh 'gỡ nghẽn' để vượt lên

Minh Quân 09/03/2023 06:31

Chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2023, Luật Điện ảnh 2022 thay thế cho Luật Điện ảnh 2006, Luật Điện ảnh sửa đổi 2009 được cho là “mở đường” cho phim Việt Nam. Tuy nhiên, phía trước vẫn là những thách thức.

“Chị chị em em 2”, một trong những bộ phim đạt doanh thu cao trong mùa phim Tết 2023.

Trong đó, điểm nhấn là phim Việt Nam đã được ưu tiên chiếu vào khung thời gian từ 18-22 giờ hàng ngày, với tỷ suất chiếu được đảm bảo đạt ít nhất 15% tổng số suất chiếu trong năm.

Đặc biệt, mùa phim Tết vừa qua đã đem lại hy vọng cho điện ảnh trong nước. Trong đó, bộ phim “Nhà bà Nữ” đã lập kỷ lục với số lượng suất chiếu đồng thời phá kỷ lục về doanh thu trong ngày với 36,6 tỷ đồng, cán mốc 300 tỷ đồng chỉ sau 11 ngày khởi chiếu.

Nối tiếp thành công của mùa phim Tết, mới đây hàng loạt phim cũng đã thông báo thời gian ra rạp. Có thể kể đến như “Đất rừng phương Nam”, “Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh”, “Tết ở làng địa ngục”, “9 giờ bão lửa”, “Hoàng hậu cuối cùng”, “Chạm vào hạnh phúc”...

Theo Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đỗ Lệnh Hùng Tú, điện ảnh của ta thời gian qua đã có sự phát triển khá đa dạng. Cùng với dòng phim chính thống được Nhà nước tài trợ còn ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ của điện ảnh tư nhân với doanh thu hàng trăm tỷ đồng. Cùng với đó, dòng phim độc lập, hay còn gọi là dòng phim tác giả, cũng đã gặt hái nhiều dấu ấn tại các liên hoan phim quốc tế.

Tuy nhiên, bên cạnh thành công thì điện ảnh Việt Nam vẫn còn những “điểm nghẽn” cần phải khắc phục. Thời gian qua, không ít bộ phim đã “chết yểu” chỉ sau một thời gian ngắn ra rạp. Mới đây nhất là trường hợp bộ phim “Vong nhi” của đạo diễn Hoàng Tuấn Cường ra mắt vào đúng dịp Valentine. Với nội dung về nạn phá thai, bộ phim dường như đã chọn sai thời điểm phát hành. Cùng đó, nhiều bộ phim dù được đầu tư chỉn chu và được đánh giá cao cũng nhận được kết quả không mấy khả quan. Trong đó có thể kể đến trường hợp của bộ phim “Thanh Sói” (tiền truyện của “Hai Phượng” trước đó đã đạt 200 tỷ đồng tiền bán vé).

Theo Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam Ngô Phương Lan, một số người trong nghề không coi trọng các phim Việt ăn khách, xem nhẹ, gọi đó là “hàng chợ” chỉ mang tính giải trí. Đây là suy nghĩ chưa thấu đáo. Các tác phẩm gần gũi, mang hơi thở cuộc sống, phản ánh bức tranh của tầng lớp lao động bình dân, truyền tải triết lý đáng suy ngẫm về gia đình, quan hệ giữa người với người, tạo hiệu ứng xã hội lớn như vậy cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để học hỏi, phát huy. Xu hướng điện ảnh cần bảo đảm tính dân tộc, nghệ thuật nhưng cũng phải mang tính đại chúng. Kể cả với phim Nhà nước đặt hàng cũng cần theo quan điểm này để đến với công chúng.

Tại một talk show về điện ảnh được tổ chức mới đây, nhà sản xuất, biên kịch Kay Nguyễn đã thẳng thắn bày tỏ, hiện các công ty làm phim tư nhân tự bỏ tiền ra làm phim nhiều nhất là khoảng 60 tỷ đồng, vậy khoản tiền tới 70-80 tỷ đồng còn lại kiếm đâu ra? Trong khi doanh thu mang về cần đạt khoảng 400 tỷ đồng. Rủi ro quá lớn, không ai dám làm. Hiện nhiều hãng phim tư nhân Việt Nam cũng đã hợp tác để cùng sản xuất một bộ phim. Song theo người trong nghề, việc “bắt tay” mới đơn thuần chỉ dừng ở việc chia sẻ kinh phí để không bên nào phải bỏ ra số tiền quá cao, phần nào giảm rủi ro nếu xảy ra thua lỗ. Vì vậy, theo nhà làm phim này, chừng nào thị trường chưa có sự thay đổi rõ rệt thì vốn đầu tư cho phim cũng chưa thể tăng…

Theo nhà sản xuất, biên kịch Kay Nguyễn, Việt Nam cần có chính sách bảo hộ phim nội địa, mở rộng số lượng ra rạp phim để tránh hiện tượng phim Việt bị chèn ép trước “bom tấn” quốc tế. Ví dụ tại Nhật Bản, chính sách bảo hộ có thể khiến một phim ngoại phát hành chậm từ 8 tháng đến 2 năm để đảm bảo số suất chiếu, thời lượng chiếu cho phim nội”. Thực tế cho thấy, để điện ảnh Việt Nam có thể phát triển mạnh mẽ, vươn lên, cần phải có sự đầu tư toàn diện về cơ chế cũng như kinh tế đối với các dòng phim.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điện ảnh 'gỡ nghẽn' để vượt lên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO