Điện ảnh Việt Nam thay đổi để hội nhập

Minh Quân 02/11/2022 07:00

Sự phát triển của công nghệ thông tin đã và đang tác động trực tiếp đến thói quen của mỗi người, trong đó có cả nhu cầu thưởng thức phim. Với nền điện ảnh Việt Nam thì đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức trong việc thích ứng nếu không muốn tụt lại phía sau.

Việc chuyển đổi số của ngành Điện ảnh Việt Nam là xu thế tất yếu.

Nhiều bộ phim “nằm lạnh” trong kho lưu trữ

Sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 vừa qua đã gây nhiều xáo trộn đặc biệt nghiêm trọng trong mọi mặt của đời sống xã hội. 2 năm trở lại đây, hàng loạt các rạp chiếu phim phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng khiến kế hoạch ra rạp của nhiều siêu phẩm điện ảnh bị đảo lộn. Khán giả thay vì rời khỏi nhà và thưởng thức điện ảnh trên các hàng ghế trước màn ảnh rộng đã buộc phải từ bỏ thói quen đi xem rạp và chọn hình thức xem phim tại nhà. Chính sự thay đổi đột ngột xu hướng hưởng thụ điện ảnh này khiến nhiều nhà sản xuất lớn phải tìm tới các nền tảng phát hành và phổ biến phim trực tuyến như một cứu cánh cho đầu ra của các bộ phim. Trong đó có cả những phim “bom tấn” vốn trước không mấy mặn mà với hình thức này.

Cùng với sự trợ giúp nổi bật của công nghệ 4.0 trên các nền tảng trực tuyến, thời gian qua các tác phẩm điện ảnh được phủ sóng rộng rãi hơn, không phụ thuộc vào thời gian và khoảng cách. Khán giả giờ đây có thể lựa chọn linh hoạt về khung giờ, địa điểm với hàng trăm, hàng nghìn sự lựa chọn phong phú trong các kho phim có sẵn. Chỉ trong một cú nhấp chuột đã có thể đưa cả rạp chiếu phim về nhà hay tới bất cứ đâu với chi phí thấp hơn nhiều so với việc ra rạp. Không nằm ngoài xu hướng phát triển của công nghiệp điện ảnh toàn cầu, trong thời gian qua điện ảnh Việt Nam tích cực xây dựng, phát triển các nền tảng chiếu phim trên không gian mạng.

Tuy nhiên, theo Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà, có một thực tế hiện nay trên những ứng dụng xem phim trực tuyến danh sách phim Việt còn khiêm tốn so với phim Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc. Không những vậy, các tác phẩm điện ảnh Việt Nam sau khi kết thúc “vòng đời” tại rạp chiếu, hầu hết được “nằm lạnh” trong kho lưu trữ dưới hình thức những cuốn phim nhựa, cơ hội quay trở lại với khán giả rất hạn chế khi các thiết bị chiếu phim nhựa đã bị khai tử tại hệ thống rạp chiếu. Chỉ có một số bộ phim mới sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật 4.0 mới có thể hiện diện được trên các nền tảng cung cấp dịch vụ xem phim trực tuyến cho người dùng sau khi đã khai thác hết mức có thể tại rạp nhưng cũng chưa đủ tạo thành một nền tảng số phim Việt cuốn hút và có tầm vóc, ý nghĩa sâu sắc với người xem Việt Nam.

Cùng với đó, theo bà Hà, hiện nay người dân vẫn xem nhiều phim nước ngoài trên các nền tảng trực tuyến của các nhà cung cấp dịch vụ của nước ngoài, trong khi đó phim Việt Nam lại thiếu nền tảng số của quốc gia để phổ biến. Hàng trăm, hàng nghìn bộ phim Việt Nam có chất lượng, những tác phẩm điện ảnh có giá trị sống cùng năm tháng nhưng do nhiều nguyên nhân vẫn chưa được đưa đến với nhiều thế hệ công chúng trên không gian mạng.

Những bộ phim hay vẫn kéo được khán giả đến rạp. Ảnh: Minh Anh.

Phát hành và phổ biến phim trực tuyến

Có thể nói, với sự chuyển đổi số, ngành điện ảnh Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thách thức buộc phải thay đổi nếu như không muốn bị tụt hậu. Theo Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đỗ Lệnh Hùng Tú, vấn đề trước mắt và vô cùng cấp thiết của điện ảnh Việt Nam trước đó là chuyển các tác phẩm điện ảnh và các dữ liệu thông tin về các tác phẩm thành tín hiệu số. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này phải lưu ý đến vấn đề kỹ thuật, bao gồm việc xử lý các bản phim và tư liệu hình ảnh động sao cho “sạch sẽ” sau đó mới chuyển thành tín hiệu số. Đây sẽ là bản sao, được thể hiện bằng đĩa hình, thẻ nhớ, các ổ cứng có dung lượng lớn để tích chứa dữ liệu bằng tín hiệu số… Hiển nhiên, ngoài chức năng bảo quản, lưu giữ, chúng còn tạo cho chúng ta muôn vàn thuận lợi khi cần trao đổi, tham khảo giữa các đơn vị, cá nhân có nhu cầu sử dụng.

Cũng theo ông Tú, bên cạnh việc đẩy nhanh việc chuyển đổi số, điện ảnh Việt Nam cần thay đổi ý thức từ người sử dụng. Hiện nay, có một trở ngại là người dân chưa có ý thức bảo tồn và đánh giá thấp văn hóa nghe nhìn nên đã tác động đến việc sưu tầm bảo quản. Ngoài ra, công tác nộp lưu chiểu chưa thật sự được xem trọng, công tác lưu trữ chưa nhận được sự chú ý đúng mức của người dân, sự thiếu đồng bộ trong thiết bị kỹ thuật lưu trữ cũng đáng quan tâm.

Nhằm gỡ những nút thắt, mới đây Đề án “Trung tâm phát hành và phổ biến phim trực tuyến” đã chính thức triển khai nhằm tạo “cú hích” cho điện ảnh Việt Nam. Theo đó, Trung tâm sẽ là nơi lưu giữ và phổ biến các tác phẩm điện ảnh dưới dạng số hóa qua các thời kỳ bao gồm cả phim truyện, phim tài liệu, khoa học, hoạt hình... Bên cạnh đó, Trung tâm với kho phim Việt lưu giữ có thể tiếp cận tới nhiều thế hệ khán giả bởi nội dung chứa đựng nhiều tầng văn hóa, lịch sử, truyền thống của đất nước, con người. Thông qua đó vừa đáp ứng nhu cầu và tạo cơ hội cho công chúng yêu điện ảnh Việt Nam được thưởng thức những tác phẩm điện ảnh nổi tiếng trong từng giai đoạn.

“Người Việt xem phim Việt” trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia, đang là nhiệm vụ hàng đầu của ngành khi thị trường điện ảnh Việt Nam luôn được đánh giá có mức tăng trưởng tích cực, với nguồn khán giả trẻ đông đảo, cũng là những người dùng công nghệ 4.0 áp đảo trong việc hưởng thụ các tác phẩm điện ảnh. Các bộ phim cần được sống, sống với thời gian, sống với đất nước, sống trong lòng khán giả. Một đời sống có ý nghĩa của mỗi bộ phim sẽ góp phần bảo vệ và phát huy giá trị của nền điện ảnh dân tộc, đặc biệt là những thước phim đồng hành cùng lịch sử đất nước. Thông qua đó, khẳng định bản sắc văn hóa Việt Nam trên môi trường mạng, hòa nhập quốc tế sâu rộng.

Với sự chuyển đổi số ngành điện ảnh Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thách thức buộc phải thay đổi nếu như không muốn bị tụt hậu. Theo Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đỗ Lệnh Hùng Tú, vấn đề trước mắt và vô cùng cấp thiết của điện ảnh Việt Nam trước đó là chuyển các tác phẩm điện ảnh và các dữ liệu thông tin về các tác phẩm thành tín hiệu số.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điện ảnh Việt Nam thay đổi để hội nhập

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO