Điện ảnh Việt Nam trước thách thức hội nhập

Minh Quân 28/11/2019 07:00

Trong những năm gần đây, việc đầu tư sản xuất, sáng tạo những tác phẩm phim Việt đã thể hiện sự chuyên nghiệp, văn minh của đội ngũ làm điện ảnh cả nước. Tuy nhiên, để nền điện ảnh Việt Nam “vươn xa, vươn cao” vẫn còn đó những khúc mắc chưa tìm ra lời giải.

Điện ảnh Việt Nam trước thách thức hội nhập

Điện ảnh Việt Nam trong thời kỳ hội nhập đang bị chi phối bởi doanh thu.

Doanh thu chi phối

Theo báo cáo của Cục Điện ảnh (Bộ VHTTDL) chỉ ba năm trở lại đây, số lượng phim Việt Nam sản xuất và phát hành trên thị trường chiếu rạp có xu hướng tăng, chiếm khoảng 15% tổng số phim được phát hành tại rạp mang về hơn 23% tổng doanh thu phim chiếu tại rạp (doanh thu phim Việt hơn 700 tỷ đồng trong tổng số hơn 3.000 tỷ đổng doanh thu phim chiếu rạp). Nhiều doanh nghiệp sản xuất phim có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập, đầu tư nước ngoài tăng lên kéo theo sự gia tăng của cơ hội việc làm cho người lao động, đồng thời cũng là động lực thúc đẩy nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho những người hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh.

Không những vậy, điện ảnh Việt Nam trong những năm qua cũng được tiếp cận với công nghệ làm phim mới tạo nên những tác phẩm điện ảnh vừa có tính nghệ thuật vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, với một đội ngũ sáng tác trẻ, đa dạng trong cách thể hiện, điện ảnh Việt Nam có những màu sắc mới, nhiều phim thương mại doanh thu cao bên cạnh một số phim được đánh giá tốt về tay nghề, kỹ thuật, kỹ xảo.

Nhìn vào số lượng phim được sản xuất những năm gần đây từ 30 đến 40 phim so với trên dưới 10 phim cách đây chục năm, cũng như doanh thu hàng trăm tỉ đồng so với hàng loạt phim bị lỗ trắng trước kia đã cho thấy sự phát triển của điện ảnh Việt Nam. Đặc biệt một tín hiệu đầy khởi sắc là là việc phim Việt đã ít nhiều kéo được công chúng trở lại rạp sau một thời gian dài quay lưng. Thế nhưng bên cạnh những thành công đó thì số phim đạt doanh thu “trăm tỉ” còn rất ít, chưa nói đến việc đoạt doanh thu cao đã song hành cùng với chất lượng nghệ thuật đích thực. Bằng chứng là từ đầu năm 2019 đến nay, có khoảng hai phần ba trong số hơn 30 bộ phim Việt ra rạp bị xem là yếu kém, không thu hồi được vốn.

Nhà phê bình điện ảnh Vũ Cát cho rằng “Điện ảnh Việt Nam hôm nay gần như hoàn toàn bị tư nhân hóa về sản xuất và phát hành. Hầu hết các nhà làm phim tư nhân sản xuất phim với một tiêu chí rất rõ là nhắm đến lợi nhuận, ít vốn nhiều lời. Họ quan sát thị trường, thấy loại đề tài nào hút khách là bắt tay vào sản xuất”.

Theo nhà phê bình điện ảnh Vũ Cát, kiểu làm phim “ăn theo” này thường không mấy khi thành công bởi cái gì ăn no cũng chóng chán, nhất lại là những sản phẩm nghệ thuật làm nhái, bắt chước. Đó không chỉ là điều tối kỵ của nghệ thuật mà xét ở góc độ thương mại, hàng nhái được coi là hàng dỏm, không chất lượng.

Đi tìm bản sắc Việt

Có thể nói, điện ảnh Việt Nam trong thời kỳ hội nhập đang đối mặt với vô vàn thách thức. Ở đó, các giá trị nghệ thuật, bản sắc đang bị chi phối bởi doanh thu. Không những thế, ở đây điện ảnh Việt với những nhà làm phim trẻ đang mâu thuẫn. Những đạo diễn trẻ năng động, giỏi công nghệ, nhanh nhạy trong việc nắm bắt xu hướng điện ảnh đương đại thế giới lại thiên về làm phim theo gu phim của các Liên hoan phim quốc tế dẫn đến sự áp đặt trong sáng tạo. Một số khác làm phim khá sạch, thiên về truyền thống lại sa vào cách thể hiện cũ kỹ, lạc hậu, thậm chí như phim làm trong những năm 60. Và không có một ai duy trì được trạng thái cân bằng động hiểu theo nghĩa bóng trong làm phim.

Về vấn đề này, theo Phó ban Lý luận, Hội Điện ảnh Việt Nam Đoàn Tuấn, tại sao chúng ta chỉ thích làm phim giải trí và thương mại? Câu trả lời thật dễ. Ngay tại Liên hoan phim lần trước, lần thứ 20, sau khi xem một loạt các phim tham dự, một người nước ngoài nghiên cứu điện ảnh Việt Nam đã phải thốt lên “Tôi chưa từng thấy một quốc gia nào tổ chức Liên hoan phim tầm quốc gia mà chỉ có toàn phim giải trí! Điều kỳ lạ này chỉ có ở Việt Nam”.

Điện ảnh Việt Nam muốn hội nhập quốc tế một cách nghiêm túc, để công chúng quốc tế tôn trọng người Việt Nam, tôn trọng văn hóa Việt Nam, chỉ một con đường duy nhất làm phim về vẻ đẹp văn hóa và con người Việt Nam. “Trong thời đại toàn cầu hóa, xu hướng chung là xóa nhoà ranh giới, từ đó dễ xóa nhòa bản sắc. Vì vậy, bản sắc của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia càng cần thiết để khẳng định mình và đóng góp vào bức tranh sinh động và giàu có về văn hóa của các dân tộc” - ông Tuấn nhấn mạnh.

Điện ảnh là loại hình nghệ thuật ngoại nhập, mang tính phổ biến, tính quốc tế. Do đó, để phát triển, nền điện ảnh Việt Nam không thể không tách khỏi bản sắc văn hóa dân tộc ẩn chứa những giá trị cốt lõi để tạo nên “thương hiệu Việt”. Và chỉ khi có được “thương hiệu Việt”, điện ảnh nước ta mới trở thành “sức mạnh mềm”của quốc gia dân tộc và nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường công nghiệp điện ảnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điện ảnh Việt Nam trước thách thức hội nhập

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO