Những 'cú hích' của phim truyền hình Việt

Minh Quân 10/06/2019 08:00

Không chỉ được phát sóng vào các khung giờ vàng, các bộ phim truyền hình Việt Nam trong thời gian qua đã và đang nhận được sự quan tâm lớn từ khán giả. Đây được xem là  tín hiệu khởi sắc cho phim truyền hình nói riêng và sự phát triển của ngành công nghiệp ảnh nói chung.

Những 'cú hích' của phim truyền hình Việt

Cảnh trong phim “Về nhà đi con”.

Sau hàng loạt các bộ phim tạo ấn tượng với khán giả trong năm 2018 như “Người phán xử”, “Cả một đời ân oán”, “Quỳnh búp bê”, “Sống chung với mẹ chồng”… và mới đây là “Những cô gái trong thành phố”, “Chạy trốn thanh xuân” chưa bao giờ khán giả truyền hình lại có nhiều sự lựa chọn với các sản phẩm phim Việt đến như vậy. Ở đó, điều đầu tiên phải ghi nhận sự thay đổi về tư duy của các nhà sản xuất khi phá bỏ rào cản quan điểm về kịch bản “thuần Việt” hay “Việt hóa” mà tập chung vào chất lượng của tác phẩm, đặc biệt là sự phản hồi từ khán giả. Nội dung các bộ phim truyền hình trong thời gian qua đã bao quát nhiều lĩnh vực đề tài, thậm chí đã đi sâu phản ánh hiện thực cuộc sống bằng ngôn ngữ biểu hiện ngày càng chú trọng tới những thủ pháp của điện ảnh.

Đơn cử như 2 bộ phim đang phát sóng trên kênh VTV1 và VTV3 là “Về nhà đi con” và “Nàng dâu order” dù mới đi được nửa chặng đường nhưng đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khán giả. Khai thác mảng đề tài quen thuộc về gia đình, “Về nhà đi con” của đạo diễn Danh Dũng ngay sau khi phát sóng trên fanpage của bộ phim đã tạo nên một “cơn bão” từ chính khán giả.

Còn với bộ phim “Nàng dâu order” thì câu chuyện bức xúc về mối quan hệ giữa bà nội chồng và con dâu còn vượt qua cả phạm vi nội dung của phim. Với những chiêu trò tinh quái của bà nội chồng (do NSƯT Minh Vượng thủ vai) không những gây biết bao bức xúc trong các mối quan hệ của các tuyến nhân vật trong phim mà còn gây bức xúc với hàng loạt những comment đầy tức tối của các khán giả truyền hình trên fanpage phim .

Có thể nói giờ đây phim truyền hình đã và đang trở thành “món ăn” quen thuộc của khán giả Việt. Thậm chí với ngay những người trong nghề cũng phải thừa nhận nhờ “Việt hóa” mà diện mạo phim truyền hình trong những năm qua đã khởi sắc hơn. Một trong những minh chứng rõ nhất là mới đây những bộ phim được vinh danh ở hạng mục phim truyền hình tại Liên hoan Phim truyền hình toàn quốc lần thứ 38 tổ chức tại Lâm Đồng đều là phim “Việt hóa”. Trong đó, giải vàng cho phim “Gạo nếp gạo tẻ” (đạo diễn Nguyễn Hoàng Anh, Võ Thạch Thảo, Việt hóa từ phim “Wang’s Family của Hàn Quốc) cùng giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cho Lê Phương; giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất được trao cho Nhan Phúc Vinh trong phim “Ngày ấy mình đã yêu” (đạo diễn Khải Anh, Việt hóa từ phim “Discovery of love” của Hàn Quốc). Công bằng mà nói, phim “Việt hóa” trong những năm qua đã và đang xứng đáng với sự yêu mến của khán giả. Theo kết quả tìm kiếm của Google cho thấy danh sách những phim truyền hình được tìm kiếm nhiều nhất tại Việt Nam có 10 cái tên trong tốp đầu đều là phim Việt. Phim Việt đã dần thay thế được phim Hàn, phim Trung Quốc trên sóng truyền hình. Bên cạnh sự ưu ái của các nhà đài dành giờ vàng cho phim Việt thì yếu tố quyết định chính là chất lượng phim Việt ngày càng tăng lên, đáp ứng nhu cầu của khán giả. Chưa kể, thực tế việc “Việt hóa” phim truyền hình ăn khách nước ngoài đang là giải pháp an toàn với các nhà đầu tư. Lợi thế thấy rõ là các phim được lựa chọn “Việt hóa” là phim ăn khách ở nước sở tại, có nội dung, tình tiết hấp dẫn. Thông qua các phương tiện truyền thông hoặc mạng xã hội, khán giả Việt ít nhiều cũng đã biết đến những bộ phim này. Phim “Việt hóa” do có lợi thế về số lượng khán giả do công chúng tò mò xem những bộ phim có diện mạo ra sao khi được “Việt hóa”.

Bên cạnh đó, cũng phải kể đến sự nỗ lực của một số bộ phim truyền hình có kịch bản thuần Việt dù chưa thực sự xuất sắc những cũng phần nào đáp ứng được thị hiếu chung của khán giả. Như phim “Thương nhớ ở ai”, “Ngày mai bình yên”, “Cung đường tội lỗi”, “Giọt nước của dòng sông”, “Khép lại quá khứ”, “Mộng phù hoa”, “Mật mã hoa hồng vàng”, “Mỹ nhân Sài Thành”... tuy không tạo được sự đột phá lớn, nhưng được đầu tư chỉn chu về chất lượng và nêu bật những vấn đề gần gũi của đời sống nên ít nhiều đã góp vào bức tranh chung, giúp phim truyền hình mang màu sắc tươi sáng hơn.

Chia sẻ với báo chí về thực trạng phim truyền hình hiện nay, NSƯT Đỗ Thanh Hải- Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) cho rằng, hiện nay, thị hiếu khán giả ngày càng cao, có nhiều sự lựa chọn, không chỉ phim Việt Nam mà còn các bộ phim truyền hình nước ngoài, chưa kể các chương trình giải trí khác. Vì vậy, phim truyền hình Việt nếu không nỗ lực nâng cao chất lượng, điều chỉnh hình thức thể hiện để hấp dẫn khán giả thì rất khó cạnh tranh. Cũng theo ông Hải, để những bộ phim truyền hình Việt Nam tạo được sức hút với khán giả đầu tiên phải có kịch bản hay, đề tài được xã hội quan tâm. Thứ hai, cần sự đầu tư chỉn chu của nhà sản xuất. Thứ ba, cần một ekip chuyên nghiệp. Sự nghiêm túc, đam mê của ekip, diễn viên sẽ tạo được sự thành công cho bộ phim. Như vậy có thể thấy, khi tự tin đầu tư vào nội dung kịch bản, đổi mới cách làm phim theo nhu cầu của khán giả thì phim Việt vẫn là một trong những thể loại trong chương trình truyền hình được yêu thích.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những 'cú hích' của phim truyền hình Việt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO