Diễn biến mới sau bầu cử nước Mỹ: Ông Trump sa thải nhiều quan chức cao cấp

Khánh Duy 12/11/2020 07:32

Tính đến thời điểm hiện tại, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn chưa chấp nhận chiến thắng của đối thủ đảng Dân chủ Joe Biden và đang tung ra hàng loạt đòn tấn công pháp lý nhằm vào kết quả bầu cử ở 5 bang.

Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper bị sa thải. Ảnh: AP.

Môi trường nhiều bất ổn

Trong hôm 11/11, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tiếp tục đưa ra tuyên bố thể hiện sự trung thành với Tổng thống Donald Trump trong nhiều lĩnh vực - trong đó có vấn đề đại dịch Covid-19. “Sẽ có một sự chuyển tiếp suôn sẻ sang nhiệm kỳ hai của chính quyền Trump” - ông Pompeo nói.

Khi được hỏi liệu sự khước từ thất bại của ông Trump có gây ảnh hưởng tới hình ảnh nước Mỹ, nước vốn chỉ trích các vụ việc gian lận bầu cử ở nước ngoài hay không, ông Pompeo trả lời: “Điều đó thật nực cười”. Hôm đầu tuần này, ông Pompeo đã đưa ra một tuyên bố cảnh báo về nhiều vấn đề bầu cử ở Myanmar.

Trong khi đó, Tổng thống Trump khẳng định ông không thất bại và cũng không đẩy đất nước vào một giai đoạn dễ tổn thương khi ông sa thải nhiều quan chức cấp cao, gây ra rủi ro làm suy yếu các cơ quan an ninh quốc gia quan trọng.

Sau khi ông Trump sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, có thêm 3 quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc đã bị sa thải hoặc phải từ chức, trong đó có quan chức cấp cao phụ trách chính sách của Lầu Năm Góc James Anderson, người đã từ chức và hiện đang được thay thế bằng vị tướng nghỉ hưu Anthony Tata.

CNN dẫn một số nguồn tin nói rằng động thái của ông Trump là nhằm thanh trừng ông Esper cùng đội ngũ của ông vì đã phản đối kế hoạch rút hết binh sĩ Mỹ khỏi Afghanistan cùng nhiều vấn đề an ninh khác. Trước đây, ông Esper từng phản bác ông Trump và nói rằng việc rút hết binh sĩ khỏi Afghanistan là cần phải có điều kiện.

Một cuộc chuyển giao quyền lực đầy tranh chấp có thể gây ra rủi ro cho nước Mỹ, đặc biệt là khi các thế lực thù địch tin rằng cơ sở hạ tầng an ninh quốc gia của Mỹ đang có vấn đề - theo giới chuyên gia.

Bước đi tiếp theo của ông Trump có thể nhằm vào Giám đốc CIA Gina Haspel và Giám đốc FBI Christopher Wray - theo phân tích của CNN. Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Chris Murphy nói với CNN rằng ông lo ngại nước Mỹ sẽ bước vào một giai đoạn đầy nguy hiểm.

“Tôi nghĩ rằng ông Trump sẽ không còn quan tâm tới các sự kiện trên thế giới và vấn đề an ninh quốc gia nữa” - ông Murphy nói.

Quá trình kiểm phiếu tại bang Pennsylvania.

Nhiều vụ kiện tụng

Tại thời điểm này, ông Trump đang thúc đẩy thách thức pháp lý đối với kết quả kỳ bầu cử vừa qua, trong khi các lãnh đạo đảng Cộng hòa trong Quốc hội không thừa nhận chiến thắng của ông Joe Biden.

Ông Trump đưa ra nhiều cáo buộc rằng gian lận bầu cử đã làm sai lệnh kết quả bầu cử và đội ngũ của ông đã đâm đơn kiện ở nhiều bang chiến trường chủ chốt như Pennsylvania, Michigan, Nevada, Georgia và Arizona. Chiến dịch của ông cũng nói rằng họ sẽ yêu cầu kiểm lại phiếu ở Wisoncon, chỉ ra “những sai phạm” ở nhiều hạt của bang này.

Chiến dịch của ông Trump đã đệ nhiều đơn kiện ở bang Pennsylvania kể từ ngày 3/11. Philadelphia thì được xem là một thành phần chủ chốt trong cuộc chiến của ông Trump nhằm chứng minh rằng kỳ bầu cử này đã bị “tước đoạt” theo hướng bất lợi cho ông. Đội ngũ của ông Trump đã đưa ra nhiều lựa chọn pháp lý ở bang này. Họ đệ đơn kiện, yêu cầu giới chức bầu cử Philadelphia ngừng đếm phiếu.

Ở bang Michigan, đội ngũ của ông Trump cho rằng có sự không nhất quán trong cách mà các lá phiếu được kiểm ở khắp bang.

Chiến dịch Trump đã đệ đơn kiện để ngừng việc kiểm phiếu trên toàn bang, ở những nơi mà quan sát viên của họ không được quyền tiếp cận đúng mực với quy trình kiểm phiếu. Ông Trump và chiến dịch của mình cho rằng họ muốn quyền tiếp cận “thực chất” để có thể theo dõi quy trình kiểm các lá phiếu bỏ qua bưu điện.

Ở Nevada, bang mà ông Biden được các hãng truyền thông cho là dẫn trước với tỷ lệ rất mỏng, ông Trump cùng đội ngũ của mình đã đệ 2 đơn kiện. Chiến dịch Trump đã thách thức cả quy trình kiểm phiếu lẫn việc quan sát quy trình kiểm phiếu, tính hợp lệ của các cỗ máy xác thực chữ ký được sử dụng ở hạt Clark, Nevada.

Đội ngũ pháp lý của ông Trump cũng đệ đơn kiện ở Georgia để tìm cách tiêu hủy gần 53 triệu lá phiếu. Đề nghị này dựa trên các cáo buộc mà một quan sát viên bầu cử ở Hạt Chatham đưa ra. Người này báo cáo về việc các lá phiếu đến muộn sau hạn chót tiếp nhận được trộn lẫn với các lá phiếu đến đúng thời hạn.

Ở Arizona, trong hôm thứ Bảy tuần trước, chiến dịch Trump và Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa đã đệ đơn kiện cho rằng lá phiếu của các cử tri đã bị hủy một cách sai trái, bởi vậy đã khiến ông Trump mất đi “hàng nghìn” phiếu. Sau quá trình xét xử sở bộ tại tòa trong hôm đầu tuần này, dường như có 180 phiếu bị ảnh hưởng.

Vụ việc vẫn đang tiếp diễn, bởi vòng xét xử tiếp theo dự kiến diễn ra vào ngày 11/11 (giờ Mỹ). Đội ngũ của ông Trump dự kiến sẽ đưa ra bằng chứng.

Sau khi ông Trump sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, có thêm 3 quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc đã bị sa thải hoặc phải từ chức. Những người này bao gồm quan chức cấp cao phụ trách chính sách của Lầu Năm Góc James Anderson, người đã từ chức và hiện đang được thay thế bằng vị tướng nghỉ hưu Anthony Tata.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Diễn biến mới sau bầu cử nước Mỹ: Ông Trump sa thải nhiều quan chức cao cấp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO