Giải quyết hồ sơ tồn đọng đối với người có công

Lê Bảo 23/02/2019 06:57

Theo Bộ LĐTBXH, năm 2019, Bộ sẽ tập trung hoàn thiện thể chế để giải quyết triệt để những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách người có công (NCC), giải quyết dứt điểm các trường hợp tồn đọng, và trả lời thỏa đáng cho địa phương để có căn cứ trả lời đối tượng.

Giải quyết hồ sơ tồn đọng đối với người có công

Chăm sóc tốt hơn người có công vừa là trách nhiệm vừa là đạo lý.

Giải quyết 5.900 hồ sơ tồn đọng

Theo báo cáo của Bộ LĐTBXH giai đoạn 2017- 2018, thực hiện theo Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH ngày 20/3/2017 của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH, đã xem xét, giải quyết 5.900 hồ sơ tồn đọng tại các cấp ở địa phương. Đặc biệt tính đến nay đã xem xét, giải quyết toàn bộ hồ sơ đề nghị của các địa phương, đã trình cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với 1.792 liệt sĩ, công nhận trên 2.500 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Các trường hợp không đủ điều kiện đã trả lời địa phương để giải thích cho đối tượng, đến nay không có khiếu nại. Hiện nay, theo báo cáo của các địa phương, hồ sơ tồn đọng là 211 hồ sơ tại 25 tỉnh, thành phố.

Mặc dù đạt được những kết quả trên nhưng thực tế cho thấy, việc giải quyết chế độ NCC hiện vẫn còn tồn tại không ít những khó khăn, thách thức. Phản ánh từ nhiều địa phương cho biết, theo quy định Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13, trong số 12 nhóm đối tượng người có công không có đối tượng người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế bị đối phương bắt, giam giữ trong nhóm đối tượng “Người hoạt động cách mạng, người hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù, đày”. Hay Điểm 1, Khoản 1, Điều 17, Mục 3 và Điểm g, Khoản 1, Điều 27, Mục 6 Nghị định 31 của Chính phủ về xác nhận liệt sĩ, thương binh lại quy định hẹp hơn với đối tượng có cùng điều kiện tương ứng và thực tế nhiệm vụ quân đội.

Đánh giá về những vướng mắc, khó khăn trong giải quyết hồ sơ tồn đọng, tại cuộc họp mới đây về giải quyết hồ sơ tồn đọng, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Tấn Dũng cho biết, hiện còn 3.234 trường hợp diện tồn đọng (trong đó đề nghị xác nhận liệt sĩ là 669 trường hợp; đề nghị xác nhận thương binh, người hưởng chính sách như thương binh là 2.565 trường hợp). Trong đó, nguyên nhân khiến số lượng hồ sơ tồn đọng còn lớn ở không ít địa phương do cán bộ các địa phương không nghiên cứu kỹ các văn bản chính sách về lĩnh vực người có công, vì vậy khi người dân hỏi đến không trả lời được, dẫn đến kiến nghị kéo dài.

Kịp thời tháo gỡ những vướng mắc

Để giải quyết dứt điểm những hạn chế trên, đại diện Bộ LĐTBXH cho biết, trong năm 2019 Bộ sẽ tổ chức đoàn đi các địa phương để hướng dẫn nghiệp vụ, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách ưu đãi người có công tại các địa phương: Thái Nguyên, Quảng Ninh, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Bình Dương, Tây Ninh, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Đắk Lắk và Kon Tum.

Đáng chú ý, về Dự án Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi), đến nay đã hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ Tư Pháp để trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 và điều chỉnh chương trình luật, pháp lệnh năm 2019.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giải quyết hồ sơ tồn đọng đối với người có công

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO