Điêu đứng vì hạn hán

Thanh Đức 23/05/2023 06:34

22% diện tích đất ở châu Âu đón nhận cảnh báo hạn hán. Vùng Sừng châu Phi đang chịu đợt khô hạn khốc liệt nhất trong nhiều thập kỷ. Trong khi đó, một đợt nắng nóng lịch sử đang hủy hoại mùa vụ ở Argentina và các quốc gia châu Á.

Nông dân vùng Kunjang (Đông Java, Indonesia) phải trồng ngô trên đất trồng lúa, một phương pháp xen canh do khô hạn. Ảnh: ANTARA.

Khô nóng dẫn đến hạn hán, mùa hè năm nay được dự báo dẫn tới nguy cơ thiếu lương thực trên phạm vi toàn cầu. Đó là cảnh báo vừa được Tổ chức Nông Lương thế giới (FAO) đưa ra.

Mất mùa từ Âu sang Á

"Điều duy nhất chúng ta có thể trông đợi là những cơn mưa nhưng những gì cho thấy lại là hạn hán" - giáo sư Jorge Olcina, chuyên gia phân tích địa lý (Đại học Alicante, Tây Ban Nha) nói. Tây Ban Nha là nơi cung cấp 1/2 sản lượng ô liu, 1/3 sản lượng trái cây của EU. Hôm 21/5, Bộ trưởng Nông nghiệp nước này, tiến sĩ Luis Planas, nói rằng: “Châu Âu đừng trông chờ gì ở chúng tôi mùa hè này”, khi cho biết nông nghiệp Tây Ban Nha đang bị tàn phá do nắng hạn, ảnh hưởng đến 80% vụ mùa và gây thiệt hại không thể khắc phục đối với hơn 5 triệu ha diện tích cây trồng, ngũ cốc.

Trong khi đó, Ấn Độ - quốc gia đông dân nhất thế giới cũng đang chịu đựng mùa hè thứ hai liên tiếp khô nẻ, sau mùa hè của năm 2022. Khắp tiểu lục địa Ấn Độ từ đầu tháng 5 tới nay hầu như không mưa. Ruộng đồng nứt nẻ, cỏ cây cháy trụi. Gió mùa là yếu tố sống còn của nông nghiệp Ấn Độ khi cung cấp gần 70% lượng mưa cần thiết để tưới tiêu. Tuy nhiên sớm nhất thì cũng phải đến cuối tháng 6 gió mùa mang theo nhiều hơi nước mới xuất hiện.

Tờ The Straits Times hôm 21/5 đưa tin, giá đường toàn cầu đã tăng gần mức cao nhất trong hơn 1 thập kỷ, nguyên nhân chính là nhà cung cấp đường hàng đầu của thế giới là Ấn Độ đang “gặp hạn”, sản lượng tụt giảm sâu.

Còn Thái Lan - nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, chính quyền đã kêu gọi nông dân chỉ trồng một vụ mùa trong năm nay thay vì hai vụ như thường lệ vì El Nino có thể làm giảm lượng mưa. Tờ Bangkok Post cho biết, mùa mưa ở Thái Lan thường bắt đầu vào tuần thứ 3 của tháng 5 nhưng năm nay bắt đầu muộn với những đợt mưa ngắt quãng vào tháng 6. Cơ quan cấp nước quốc gia Thái Lan đã lên kế hoạch quản lý các đập để giúp lưu trữ nước, điều này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ của tất cả người dân, đặc biệt là nông dân.

Hơn 3,5 tỷ người bị ảnh hưởng

Ngày 22/5, một báo cáo của Ngân hàng Fitch Solutions (Mỹ) cho biết nguồn cung gạo, lúa mì toàn cầu đã bước vào thời kỳ căng thẳng, sản lượng gạo năm 2023 có thể sẽ ở mức thiếu hụt lớn nhất trong 20 năm. Fitch Solutions dẫn nguồn từ FAO cho biết, sản lượng gạo, lúa mì đang giảm ở khắp nơi từ Trung Quốc, Pakistan đến Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), tạo gánh nặng về giá cho hơn 3,5 tỷ người tiêu thụ trên toàn cầu. Châu Á - Thái Bình dương chịu ảnh hưởng lớn nhất vì là nơi tiêu thụ 80% lượng gạo của thế giới.

"Do gạo là mặt hàng lương thực chính trên nhiều thị trường ở châu Á, giá gạo sẽ là yếu tố quyết định đến lạm phát lương thực và an ninh lương thực" - nhà phân tích hàng hóa Chales Hart của Fitch Solutions nhấn mạnh và cho rằng mức thiếu hụt lương thực toàn cầu trong 2 năm 2023-2024 sẽ là 8,7 triệu tấn. Ông Chales cũng cho biết nắng nóng cùng những hiện tượng cực đoan của thời tiết mùa hè này sẽ lấy mất khoảng 31% sản lượng lúa gạo của Pakistan cũng như nhiều quốc gia châu Á khác, nơi tiêu thụ gạo nhiều nhất thế giới.

Tiến sĩ Oscar Tjakra (Ngân hàng Nông nghiệp và Lương thực toàn cầu Rabobank - Hà Lan) cho biết, sản lượng gạo ở Mỹ và EU năm nay cũng thấp hơn mọi năm, góp thêm vào thâm hụt chung. Những quốc gia bị ảnh hưởng lớn nhất có thể kể đến là các nhà nhập khẩu gạo lớn của Đông Nam Á như Indonesia, Philippines, Malaysia và một số quốc gia châu Phi.

“Mùa hè dữ dội năm nay bắt buộc nhiều quốc gia phải cắt giảm kho dự trữ lương thực. Giá lương thực sẽ lên cao và nhiều người ở các nước nghèo sẽ bị đẩy tới bờ vực của nạn đói” - tiến sĩ Kelly Goughary (Trung tâm nghiên cứu Gro Intelligence, Mỹ) cảnh báo.

Lý giải về đợt nắng nóng hiện nay, Cục Khí tượng Trung Quốc (CMA) cho biết El Nino đang hình thành dọc theo đường xích đạo ở phía Đông Thái Bình dương. Điều này có thể khiến nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng vọt lên mức cao kỷ lục trong năm nay đồng thời dẫn đến thời kỳ khí hậu bất thường kéo dài hơn. Theo CMA, châu Á - nhất là các quốc gia Nam Á, Đông Nam Á sẽ phải đối mặt với mùa hè nóng bỏng 2023. Trong khi đó, Mỹ tiếp tục hứng chịu nhiệt độ cao kỷ lục, từ vùng tây bắc xuống các thung lũng của California và lan sang Trung Mỹ. Hôm 22/5, thành phố Hoquiam (bang Washington) ghi nhận mức nhiệt 34,7 độ C - phá vỡ kỷ lục nhiệt độ cao nhất mọi thời đại trong tháng 5.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điêu đứng vì hạn hán

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO