Điều kỳ diệu mang tên Việt Nam

Phan Quang Vũ 14/02/2021 09:00

Năm 2020, Việt Nam là ngôi sao sáng trên bầu trời thế giới với thành công kép: Vừa thành công trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 vừa tăng trưởng kinh tế. Nhiều nguyên thủ quốc gia, nhiều định chế tài chính, nhiều chuyên gia kinh tế quốc tế đánh giá rất cao thành công của Việt Nam. Ngày 16/12/2020, Hãng thông tấn Pháp AFP đăng bài viết “Ứng phó mạnh mẽ với Covid-19 đã giúp nền kinh tế Việt Nam vượt qua đại dịch”, theo đó Việt Nam lọt vào nhóm các nước tăng trưởng cao nhất trên thế giới.

Việt Nam chống Covid-19, hình ảnh từ UNICEF.

1. Theo AFP, trong khi nhiều quốc gia ghi nhận tỷ lệ lây nhiễm và tử vong cao do Covid-19, Việt Nam chỉ xuất hiện hơn 1.400 ca, phần lớn là ca nhập cảnh, và 35 ca tử vong (vào thời điểm giữa tháng 12/2020) nhờ các biện pháp kiểm dịch hàng loạt, truy vết tiếp xúc diện rộng và kiểm soát chặt chẽ việc di chuyển, cho phép các nhà máy vẫn mở cửa và người dân nhanh chóng trở lại làm việc.

Bài viết dẫn lời ông Adam McCarty, Kinh tế trưởng của Công ty tư vấn Mekong Economics có trụ sở tại Hà Nội, tin tưởng rằng, chiến thắng của Việt Nam trước đại dịch Covid-19 trong năm 2020 sẽ mang lại nhiều lợi ích trong những năm tới. “Cách ứng phó với đại dịch đã gần như khiến Việt Nam nổi tiếng khắp thế giới, đồng thời khiến cho các công ty nước ngoài có cái nhìn khác về Việt Nam”, theo A.McCarthy.

Cũng không chỉ có vậy. Trang web của đài ABC (Úc) cũng dành những lời tốt đẹp ca ngợi Việt Nam chống Covid-19 “rất hiệu quả”. Theo đó, ngay cả khi phải đối mặt với những làn sóng Covid-19 rất dữ dội thì Việt Nam vẫn bình tĩnh kháng cự, tìm được cách tốt nhất kiềm chế dịch bệnh không lây lan và cũng có được cách chữa trị cho bệnh nhân thật sự hiệu quả theo cách của riêng mình.

Đài ABC nhận xét, ngay từ khi bùng phát đại dịch, Chính phủ Việt Nam đã triển khai những bước phòng chống dịch nhanh chóng và quyết liệt. Sau khi phát hiện ca bệnh đầu tiên trong tháng 1, Việt Nam đã hủy các chuyến bay đến và đi từ thành phố tâm dịch Vũ Hán của Trung Quốc. Tới cuối tháng 3, Việt Nam đóng cửa toàn bộ các cửa khẩu biên giới. Cùng với đó là công tác xét nghiệm, truy vết tiếp xúc và tổ chức các chiến dịch truyền thông sức khỏe cộng đồng.

“Sự đồng thuận của người dân là yếu tố quyết định để thành công”- Quỹ Tiền tệ quốc tế dẫn khảo sát của hãng YouGov của Anh. Theo đó, có tới 97% người Việt Nam đồng thuận với các ứng phó dịch Covid-19 của Chính phủ. Còn giáo sư Thwaites, Giám đốc của Đơn vị nghiên cứu lịch sử ĐH Oxford tại TP HCM, đánh giá cao việc chính quyền đã thực hiện phong tỏa nhanh chóng và hiệu quả. Vị chuyên gia dẫn con số của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng 1/3 số hộ gia đình ở Đà Nẵng đã được xét nghiệm chỉ trong vòng 1 tuần kể từ khi thành phố này phát hiện ca nghi nhiễm đầu tiên ngoài cộng đồng (cuối tháng 7/2020).

Mô hình vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế của Việt Nam được Viện Chính sách chiến lược Australia (ASPI) giới thiệu .

Ở một khía cạnh khác, Robyn Klingler Vidra (Trường King’s College London) đã rất ấn tượng khi nói về cách người dân ứng xử với dịch bệnh. Nhà nghiên cứu này nói với ABC rằng, người dân đã quyên góp tiền, lương thực và nhu yếu phẩm cho bệnh viện lớn nhất của thành phố Đà Nẵng, cũng là tâm dịch.

“Khi ra viện, một người bệnh thậm chí còn lập quỹ từ thiện cùng bạn bè để cung cấp thuốc tẩy trùng và bồn rửa tay cho các bệnh viện ở trong và xung quanh Đà Nẵng”, theo R.Vidra.

Còn Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, tiến sĩ Kidong Park, không ít lần nhấn mạnh: “Chúng tôi rất ấn tượng với những gì Việt Nam đã làm”. Theo ông Park, hệ thống giám sát y tế của Việt Nam hoạt động hiệu quả nên đã phát hiện sớm, kịp thời các ca bệnh. Sau khi phát hiện ca bệnh thì các phản ứng lại rất nhanh chóng, triển khai đồng bộ các biện pháp tổ chức cách ly, giám sát, truy vết, khoanh vùng dập dịch... Điều mà không phải quốc gia nào cũng làm được.

Vương quốc Anh, một trong những quốc gia châu Âu lâm vào khủng hoảng nặng nề khi phải đối phó với Covid-19, thì truyền thông nước này cũng đã dành nhiều thời gian phân tích vì sao Việt Nam thành công trong việc kiềm chế dịch, còn nước Anh lại khó khăn.

Tờ Telegraph dẫn lời ý kiến chuyên gia y tế cho rằng, việc triển khai biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt và chủ động làm xét nghiệm virus SARS-CoV-2 trên quy mô lớn cũng như làm tốt công tác truyền thông đại chúng đã giúp Việt Nam đánh bại Covid-19.

Bài báo có tiêu đề “Việt Nam đã đánh bại làn sóng Covid-19 thứ hai như thế nào”, tác giả Michael Tatarski viết cuộc sống tại Việt Nam vẫn diễn ra bình thường một cách đáng kinh ngạc. Mọi ca bệnh mới đều được cách ly và truy vết tiếp xúc một cách nhanh chóng, tỉ mỉ, “đây là những chiến thuật mà Chính phủ Việt Nam đã sử dụng ngay từ khi đợt dịch đầu tiên bùng phát, và chúng vô cùng hữu hiệu”- bài báo đánh giá.

Hình ảnh Việt Nam quyết liệt trong cuộc chiến chống Covid-19 trên Reuters.

2. Cũng từ việc “đánh bại Covid-19”, nền kinh tế Việt Nam đã không “gục ngã”, trái lại còn hồi phục nhanh chóng, phát triển ngay cả khi đại dịch vẫn hoành hành dữ dội tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Khi năm 2020 đi qua, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục hoàn toàn trong năm 2021. Trong một báo cáo cuối năm, IMF đã công bố những những dự báo khác nhau cho 6 nền kinh tế Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Theo đó, 6 nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á dự kiến sẽ có những diễn biến khác nhau vào năm 2021. Với Việt Nam, Indonesia và Malaysia tăng trưởng đạt mức trước đại dịch Covid-19, trong khi Singapore, Philippines và Thái Lan gặp khó khăn hơn trong việc hồi phục.

Việt Nam được dự báo sẽ dẫn đầu nhóm, với dự báo sẽ tăng trưởng 10,9% theo giá trị thực vào năm 2021, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác ở châu Á - Thái Bình Dương; sau khi tăng 2,91% trong năm 2020.

“Nhiều công ty toàn cầu đang đổ về Việt Nam, điều này có lợi cho xuất khẩu của Việt Nam” - theo chuyên gia Yuta Tsukada tại Viện Nghiên cứu Nhật Bản.

Tương tự, trong năm 2020, truyền thông nước Đức nhiều lần đánh giá cao nỗ lực ứng phó với khủng hoảng kinh tế của Việt Nam và dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh từ việc nhanh chóng kiềm chế được Covid-19.

Tờ Thế giới trẻ (Junge Welt) của Đức viết, cuộc sống ở Việt Nam đã hầu như trở lại bình thường trong khi kinh tế đạt tăng trưởng dương. Bài báo viết, trong khi Mỹ thông báo số ca nhiễm mới cũng như tử vong ở mức cao kỷ lục mỗi ngày và các nước Liên minh châu Âu (EU) phải áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt để chống dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, người dân Việt Nam vui mừng trở lại cuộc sống bình thường. Tác giả bài viết bày tỏ hứng khởi khi mà Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh đã trình diễn vở vũ kịch “Kẹp hạt dẻ” của Tchaikovsky để mở màn cho chương trình mùa Đông.

Junge Welt dẫn thông tin của Cơ quan Thương mại và Đầu tư Đức (GTAI) cho biết, nền kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng dương 2,1% tính theo giá trị thực trong 3 quý đầu năm so với cùng kỳ năm trước và cho rằng ngành công nghiệp da giày và dệt may của Việt Nam đã có thêm nhiều đơn đặt hàng trong năm 2021.

Trong khi đó Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận xét, kinh tế của Việt Nam tăng trưởng nhanh trong đại dịch một phần là do Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công, tiêu dùng trong nước phục hồi.

Ông Yasuyuki Sawada, Kinh tế trưởng của ADB, chia sẻ, tăng trưởng kinh tế ở Đông Nam Á cũng như Việt Nam vẫn chịu áp lực khi các biện pháp ngăn chặn vẫn tiếp tục, tuy nhiên điều đó cũng không cản trở việc tăng trưởng GDP trong năm 2021. Vị chuyên gia này cũng cho rằng, với mức tăng GDP 2,91% năm 2020, dự báo GDP năm 2021 sẽ là 6,1%.

Tương lai tươi sáng của kinh tế Việt Nam hồi phục và tăng trưởng thời “hậu Covid” được nhiều định chế tài chính cùng các chuyên gia kinh tế chung dự báo.

Công nhân Việt Nam vẫn làm việc trong điều kiện phòng chống dịch bệnh, theo Sputnik.

Tiến sĩ Jacques Morisset, Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam phát biểu trong Hội thảo “Các vấn đề đương đại trong kinh tế, quản trị và kinh doanh”, ngày 18/11/2020, cho rằng Việt Nam là một nền kinh tế có khả năng phục hồi cao hơn nhiều nước trên thế giới kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 gây ra. “Việt Nam kiên cường trong một thế giới suy sụp”, theo tiến sĩ J.Morisset. “Việt Nam là một nền kinh tế sôi động trước cuộc khủng hoảng Covid-19 và vẫn phát triển nhanh hơn các nước khác nhờ việc kiểm soát rất tốt đại dịch. Thách thức tiếp theo sẽ là duy trì và thậm chí nâng cao lợi thế cạnh tranh này bằng cách đảm bảo giảm thiểu rủi ro tài khóa, tài chính và xã hội bằng những chính sách hiệu quả. Đồng thời, cần nắm bắt cơ hội mới về thương mại, kinh tế số và phục hồi xanh”.

Về tổng quát, WB cho rằng kinh tế Việt Nam vẫn trên đà phục hồi vững chắc và trên diện rộng, nhất là trong năm 2021. WB ghi nhận, sản xuất công nghiệp và bán lẻ của Việt Nam đều tăng hơn 6,5% (so với cùng kỳ năm 2019), đặc biệt ấn tượng khi so sánh với thời điểm khi bùng phát dịch Covid-19 vào tháng 2/2020.

Về xuất siêu của Việt Nam trong năm đại dịch, WB ghi nhận xuất khẩu máy tính và điện tử vẫn tăng trưởng vững chắc trong bối cảnh khủng hoảng do dịch Covid-19. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam gia tăng cho thấy niềm tin vào nền kinh tế được khôi phục và Việt Nam đang là nam châm thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

“Covid-19: Ngoại lệ Việt Nam”, “Việt Nam - Điều thần kỳ mới của châu Á” - đó là tiêu đề hai bài viết, một trên báo Les Echos của Pháp, một trên tờ New York Times của Mỹ.

Cả hai bài báo đều cho rằng, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành khắp thế giới, dư luận quốc tế ấn tượng về một Việt Nam vừa là “ngọn hải đăng” trong chống dịch Covid-19 và là điểm sáng trong tăng trưởng kinh tế. Các tác giả đã dành những cụm từ thán phục, “độc nhất vô nhị”, “hiếm có”, “đáng ngạc nhiên”…, cho Việt Nam. Mà theo Hãng tin Sputnik (Nga) thì bí quyết căn bản là “Chính phủ Việt Nam đã kịp thời đề ra chiến lược quốc gia về đấu tranh chống dịch bệnh và tổ chức thực hiện chính xác chiến lược đó”.

Tổng cộng nền kinh tế Việt Nam đã tạo ra hơn 1.200 tỷ USD GDP trong gần 5 năm, trên một nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định; Quy mô GDP năm 2020 tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015 và theo IMF, năm 2020 Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế đứng thứ 4 ASEAN khi mà tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng 1,7 lần đạt khoảng 535 tỷ USD mặc dù thương mại quốc tế giảm mạnh.

Đáng chú ý, khi nhìn nhận thành công về phát triển kinh tế của Việt Nam năm 2020 cũng như triển vọng của năm 2021, WB không quên nhắc lại rằng, kể từ khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát thì Việt Nam được cho là có nguy cơ bị tổn thương cao, do mức độ lây nhiễm từ bên ngoài vào là rất cao. Nhưng Việt Nam đã vượt qua thách thức để viết nên “câu chuyện thần kỳ” mà bất cứ quốc gia nào cũng thèm muốn.

Trong khi đó, theo Báo cáo Thương hiệu quốc gia năm 2020 (Nation Brands 2020) được Hãng định giá thương hiệu Anh Brand Finance công bố, nhờ công tác xử lý khủng hoảng y tế và kinh tế, Việt Nam có giá trị thương hiệu quốc gia tăng mạnh nhất thế giới trong năm 2020.

Như vậy, theo Brand Finance, thì giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam đã tăng 29% so với năm 2019, lên tới 319 tỷ USD. Nhờ đó Việt Nam đã tăng hạng 9 bậc lên vị trí thứ 33 trong Top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới.

Theo bà Virginia B. Foote - Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Việt Nam, Việt Nam đã “thành công hiếm có” trong việc ứng phó với chủng virus khủng khiếp SARS-CoV-2. Đại dịch đã thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế số của Việt Nam nói chung và thương mại điện tử nói riêng. Các trường học và công sở trên khắp đất nước đã chuyển sang sử dụng các giải pháp trực tuyến, và các đơn đặt hàng trực tuyến cũng tăng gấp 10 lần trong thời gian giãn cách xã hội. Những tổ chức và doanh nghiệp nhanh chóng triển khai các nền tảng, ứng dụng và dịch vụ mới tỏ ra thích ứng tốt hơn với đại dịch. Thành công trong việc phòng chống dịch bệnh đã giúp Việt Nam sớm bắt đầu công cuộc phục hồi kinh tế và trong bối cảnh các công ty liên tục điều chỉnh chuỗi cung ứng toàn cầu, sự ứng phó hiệu quả của Chính phủ Việt Nam đối với đại dịch sẽ càng nâng tầm vị thế của Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điều kỳ diệu mang tên Việt Nam

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO