Báo Đại Đoàn Kết đã phản ánh về tình trạng nhiều năm qua, diện tích lớn rừng phòng hộ thuộc rừng Dự án 327 ở thị trấn Tam Đảo (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) bị một số hộ dân lấn chiếm, chặt phá không thương tiếc để làm vườn trồng cây su su.
Đa số các hộ dân phá rừng 327 lại là người nhà của một số cán bộ chính quyền địa phương. Theo cách lý giải gần đây của ngành chức năng huyện Tam Đảo thì việc phá rừng là để phát triển cây su su có hiệu quả kinh tế.
Thông ở Tam Đảo bị hạ sát bằng cách cạo sạch vỏ sau đó thay thế bằng vườn su su.
Theo báo cáo số 106/UBND - ĐCXD của UBND thị trấn Tam Đảo do ông Ngô Hữu Mai- Chủ tịch UBND thị trấn Tam Đảo ký thể hiện, năm 1998, UBND thị trấn Tam Đảo ký hợp đồng với Lâm trường Tam Đảo (nay là Trung tâm phát triển nông lâm nghiệp Tam Đảo) để trồng thông theo chương trình, dự án 327; với tổng diện tích là 8 ha, thời gian trồng và chăm sóc là 4 năm ở 2 vị trí là đồi Gốc Sến và khu vực vào ven Đền Trần.
Trước khi đưa dự án vào thực hiện, phần diện tích đất trước đó được người dân trồng chè nhưng không hiệu quả, cuộc sống gặp nhiều khó khăn nên đồng tình hưởng ứng phong trào trồng rừng theo dự án 327.
Còn tại báo cáo số 422/BC-UBND của UBND huyện Tam Đảo gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc ngày 06-11-2017 cho rằng, năm 1998, UBND thị trấn Tam Đảo ký hợp đồng với Lâm trường Tam Đảo để trồng thông theo chương trình 327, với tổng diện tích hơn 8 ha, thời gian trồng và chăm sóc 4 năm, ở hai vị trí là đồi Gốc Sến và khu vực ven đường vào Đền Trần.
Đến năm 1999, toàn bộ diện tích hơn 2 ha trên được UBND tỉnh Vĩnh Phúc quy hoạch là đất ở đô thị thuộc thị trấn Tam Đảo theo Quyết định 1393/QĐ-UBND ngày 6-9-1999.
Năm 2005, thị trấn Tam Đảo tiến hành làm đường bê tông từ Quốc lộ 2B vào Đền Trần dài khoảng 1 km, đi qua một phần rừng thông nên chặt hạ gần 1ha để làm đường.
Ngoài ra, một phần do bão lốc hàng năm gây đổ cây, một phần người dân khai thác trồng cây su su. Năm 2007, thực hiện Quyết định 678/QĐ-CT ngày 2/3/2007 của Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc về việc phê duyệt kết quả rà soát 3 loại rừng tỉnh Vĩnh Phúc, Trung tâm phát triển nông lâm nghiệp Vĩnh Phúc đã không làm hồ sơ khoán 8 ha rừng trồng năm 1998, người dân tự ý sản xuất…
Với cách lý giải trên của huyện Tam Đảo, có thể hiểu rằng, sau khi Quyết định số 678/QĐ-CT ra đời, người dân tại khu vực 8ha rừng trồng năm 1998 trước đó được khoanh vào rừng 327 đồng loạt hạ thông để trồng su su.
Việc hạ thông trồng su su còn được ông Lê Quý Dương - Phó chủ tịch UBND huyện Tam Đảo nhấn mạnh trong báo cáo số 422/BC-UBND là Người dân thị trấn Tam Đảo đã “khai thác” và trồng su su mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, góp phần tăng thu nhập cải thiện đời sống nhân dân.
Thực tế cho thấy từ “khai thác” mà ông Lê Quý Dương nói đến trong báo cáo gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc đó là việc người dân chặt bỏ 8 ha rừng thông trước đó là rừng 327 để trồng su su.
Được biết, sau khi QĐ 678/QĐ-CT ra đời ngày 2/3/2007, 8 ha rừng 327 được quy hoạch và trồng rừng thông trước đó được đốn hạ để trồng su su.
Sau đó ít lâu, diện tích đất rừng này 1 phần bị cháy, 1 phần dùng để làm đường bê tông, còn các phần nằm “gọn” trong sổ đỏ của các hộ dân.
Người dân địa phương cho biết, trong khi cùng một khu vực cạnh nhau trên 1 quả đồi, đất rừng trước đó là rừng 327 thì được cấp sổ đỏ cho các hộ dân là người nhà cán bộ địa phương còn đất của người dân khác thì không sổ bìa.
Trước đó, sau khi Báo Đại Đoàn Kết cùng một số cơ quan truyền thông đại chúng khác phản ánh tình trạng phá rừng thông thuộc dự án rừng 327 ở thị trấn Tam Đảo để trồng su su, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 11893/VPCP- NN về việc xử lý về nạn phá rừng thông để trồng su su ở huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những hành vi vi phạm pháp luật và trả lời cơ quan báo chí.