Định danh gạo Việt

BÍCH QUYÊN - MINH DUY 11/09/2022 08:11

Ngày 2/9, Văn phòng Nội các Nhật Bản đưa gạo ST25 Việt Nam vào thực đơn “bữa trưa đặc biệt”. Tiếp đó, ngày 6/9, tại đại siêu thị Carrefour Collagen ở ngoại ô thủ đô Paris (Pháp) cũng ra mắt loại gạo mang thương hiệu “Cơm Việt Nam”… Trong 8 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt đạt 4,19 triệu tấn, tương đương giá trị hơn 2 tỷ USD. Đây là mức xuất khẩu cao kỷ lục từ trước đến nay. Đó là những thành công lớn sau một thời gian dài gạo Việt xuất khẩu “vô danh”. Dù vậy, câu chuyện làm thương hiệu vẫn đang là một thách thức với gạo Việt trên trường quốc tế.

Gạo Việt được bày bán trong siêu thị tại Pháp.

Chinh phục thị trường mới

Ngày 2/9, món cơm chiên sử dụng nguyên liệu là gạo ST25 đến từ Việt Nam đã trở thành “bữa trưa đặc biệt” tại Văn phòng Nội các Nhật Bản sau hơn 1 năm đàm phán, kiểm định chất lượng. Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, để đưa được gạo ST25 vào thị trường Nhật Bản, doanh nghiệp Việt Nam phải vượt qua hơn 600 tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe cùng với yêu cầu rất cao của người tiêu dùng Nhật Bản. Có thể nói, việc xuất khẩu gạo ST25 sang thị trường Nhật Bản là một minh chứng cho thấy Việt Nam không chỉ xuất khẩu gạo nhiều mà còn xuất khẩu gạo ngon, đáp ứng được các tiêu chuẩn rất cao của thị trường này.

Trước đó, tháng 7/2022, lần đầu tiên 100 tấn gạo ST25 Việt Nam được quảng bá, bày bán chính thức tại các siêu thị, cửa hàng tại thị trường Nhật Bản, đánh dấu một dấu mốc quan trọng khi gạo Việt Nam chính thức xuất hiện trên bàn ăn của người Nhật.

Đây là tín hiệu đáng mừng cho gạo Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản trong tương lai. Dù vậy, theo ông Tạ Đức Minh - Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Nhật Bản mới đạt 48,7 triệu Yên và chỉ chiếm khoảng 0,09% tổng kim ngạch nhập khẩu gạo của Nhật Bản. “Để nhiều người tiêu dùng Nhật Bản biết tới, gạo Việt Nam cần gắn liền với thương hiệu, hình ảnh của Việt Nam, có sự khác biệt nổi trội, đặc thù riêng thì chắc chắn sẽ cạnh tranh được với các loại gạo đã bước chân vào thị trường Nhật Bản từ nhiều năm nay của Thái Lan, Trung Quốc”, ông Tạ Đức Minh lưu ý.

Còn ở Pháp, sau lần đầu xuất hiện trên các kệ hàng siêu thị E.Leclerc, ngày 6/9, tại đại siêu thị Carrefour Collagen ở ngoại ô thủ đô Paris đã ra mắt loại gạo mang thương hiệu “Cơm Việt Nam”. Đây là những lô gạo đầu tiên của Tập đoàn Lộc Trời được giới thiệu tới phân khúc khách hàng của hệ thống phân phối Carrefour, với hơn 250 đại siêu thị, cùng khoảng 3.000 siêu thị và chuỗi cửa hàng tiện ích trên toàn nước Pháp. Đây là hợp đồng thương mại lớn đầu tiên được thực hiện trên cơ sở Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA). Điều này cho thấy hiệp định đang phát huy rất hiệu quả và từ nay gạo Việt Nam có thể xuất khẩu trực tiếp sang châu Âu.

Theo số liệu hải quan, trong năm 2021, Việt Nam xuất khẩu hơn 17.000 tấn gạo sang Pháp, đạt 13 triệu USD (tăng 7% về giá trị, giảm 7% về số lượng so với năm 2020), chiếm 2,9% tổng nhu cầu nhập khẩu gạo của Pháp. Dự kiến trong năm nay, Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 830 tấn vào thị trường Pháp. Đây cũng sẽ là mục tiêu tối thiểu trong những năm tới.

Cũng theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam: Gạo Việt đã tìm được chỗ đứng ở nhiều thị trường mới, cao cấp như Mỹ, Canada, châu Âu... Đặc biệt, Nhật Bản đã chính thức nhập khẩu 100 tấn gạo ST25 đầu tiên của Việt Nam để bán tại các siêu thị, cửa hàng... Nguồn cung lúa mì, ngũ cốc trên thế giới đang khan hiếm nên nhu cầu nhập khẩu gạo từ Việt Nam trên thị trường đang rất cao.

Trước cơ hội xuất khẩu lúa gạo, ở góc độ quản lý, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết: Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, cập nhật những diễn biến về thị trường, thường xuyên cung cấp thông tin cho doanh nghiệp. Thời gian tới, Bộ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành sản xuất lúa gạo theo hướng nâng cao giá trị. Đồng thời phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp tập trung xây dựng thương hiệu cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam. “Với triển vọng từ đầu năm đến nay, hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu sản lượng xuất khẩu gạo đạt 6,5 - 6,7 triệu tấn”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định.

Đưa gạo vào phân khúc cao cấp

Vậy là sau thời thời gian dài xuất khẩu gạo “vô danh”, các doanh nghiệp trong nước đang nỗ lực từng bước đưa thương hiệu gạo Việt ra biển lớn. Ông Nguyễn Chánh Trung - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Long, cho biết đã làm việc với đối tác Nhật từ 1 năm trước khi hàng được lên kệ của siêu thị nước này. Tại Nhật Bản có khoảng 450.000 người Việt, thêm cộng đồng người Hoa, Philippines là hơn 1 triệu người có thị hiếu về gạo thơm hạt dài như ST25. Người Nhật vẫn thích ăn gạo hạt tròn của họ nên gạo hạt dài chỉ để bổ sung.

“Trước mắt, ở thị trường này, doanh nghiệp chưa đặt mục tiêu lợi nhuận vì tất cả chỉ mới bắt đầu. Chúng tôi không vì mục tiêu tăng sản lượng mà quan trọng nhất là kiểm soát chất lượng, giữ chữ tín. Sắp tới, chúng tôi sẽ tăng lượng gạo đóng gói túi 1 kg bên cạnh túi 2 kg, 5 kg để phù hợp thói quen tiêu dùng của thị trường này. Sau Nhật Bản, chúng tôi sẽ phát triển gạo thương hiệu tại Hàn Quốc và Mỹ do có quy trình tương đối giống nhau”, ông Trung kỳ vọng.

Vừa ra mắt lô gạo tại Pháp, ông Nguyễn Duy Thuận - Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời cũng cho hay: Gạo được đóng trong 3 loại bao bì: 1 kg, 5 kg, 20 kg có thiết kế và thương hiệu “Cơm Việt Nam Rice” đã được đăng ký tại các thị trường mục tiêu.

Còn tại thị trường ASEAN, hiện gạo Việt Nam đang cạnh tranh trực tiếp với gạo Thái Lan ở phân khúc cao. Ông Phạm Thế Cường - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Indonesia, cho biết: Gạo Việt Nam hiện được tiêu thụ mạnh ở cả hai kênh là chợ truyền thống và siêu thị. Năm 2020, sản lượng gạo Việt Nam và Thái Lan nhập khẩu vào Indonesia là tương đương nhau, nhưng hiện nay gạo Việt có xu hướng vượt lên do chất lượng và giá cả cạnh tranh. Cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam đang tiếp tục chuyển dịch theo hướng gia tăng các loại gạo thơm, gạo đặc sản, gạo japonica, gạo trắng phẩm cấp cao với giá bán và giá trị gia tăng cao hơn. Cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam đang tiếp tục chuyển dịch theo hướng gia tăng các loại gạo thơm, gạo đặc sản, gạo japonica, gạo trắng phẩm cấp cao với giá bán và giá trị gia tăng cao hơn.

Liên quan tới xây dựng thương hiệu cho gạo Việt, ông Lê Bá Linh - Chủ tịch Công ty CP Pacific Foods cho rằng: Hằng năm, lượng gạo của Việt Nam xuất khẩu chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới. Gạo Việt Nam có mặt trên 150 quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng châu Á vẫn là thị trường chính. Gần đây, các doanh nghiệp bắt đầu xây dựng thương hiệu ở quốc tế, một phần nhờ các hiệp định thương mại tự do (FTA) ký kết đã giúp gạo Việt Nam được biết đến nhiều hơn, thị trường dần mở rộng sang các thị trường tiêu dùng gạo cao cấp, gạo đặc sản.

Nặng lòng với hạt gạo Việt từ nhiều năm qua, PGS.TS Dương Văn Chín-nguyên Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL phân tích: Ở phân khúc gạo trắng hạt dài, khả năng cạnh tranh của gạo Việt Nam rất tốt. Gần đây, trong nhiều thời điểm, giá gạo phân khúc này của Việt Nam còn cao hơn Thái Lan. Chuyện thương hiệu là đối với nhóm gạo thơm hạt dài cao cấp, Thái Lan có giống lúa Hom Mali nổi tiếng bán với giá khoảng 1.000 USD/tấn, gần đây tuy giảm nhưng vẫn ở mức 800 - 900 USD/tấn. Việt Nam gần đây có 2 giống đoạt giải cao ở các cuộc thi quốc tế là ST25 và Lộc Trời 28, là cơ sở để các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, có thể vào nhóm gạo “1.000 USD/tấn” hoặc hơn gạo đặc sản Thái Lan.

Bên cạnh đó, PGS.TS Dương Văn Chín cũng gợi mở: Chúng ta có những giống gạo thơm nổi tiếng như: Nàng Thơm chợ Đào, Tám Xoan, Séng Cù… nhưng sản lượng rất nhỏ, khách quốc tế hỏi mua không có để bán nên không thể làm thương hiệu được. Hiện tại, ngoài 2 giống gạo thơm đã có danh hiệu quốc tế, Việt Nam vẫn còn nhiều giống gạo thơm có thể làm thương hiệu ở phân khúc giá thấp hơn. Giá thấp hơn thì thị trường cũng rộng hơn, quan trọng là có lợi nhuận tốt.

Củng cố thương hiệu, xuất khẩu bền vững

Tuy nhiên, vẫn tồn tại một thực tế là hiện Việt Nam có hơn 200 doanh nghiệp có quy mô trung bình và lớn tham gia vào hệ thống thương mại gạo, nhưng việc sử dụng thương hiệu trên thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu còn hạn chế. Là đơn vị xuất khẩu gạo lâu năm, ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, so với các nước như Thái Lan, Campuchia, gạo Việt Nam đang có lợi thế rất lớn để xuất khẩu vào EU từ Hiệp định Thương mại tự do châu Âu - Việt Nam (EVFTA). Nhưng điều đáng tiếc là gạo Việt thua về thương hiệu và ít có tiếng hơn các nước đối thủ, dù chất lượng có thể tốt hơn.

“Phần lớn gạo Việt Nam khi xuất khẩu sang EU đều là gạo dạng thô, các doanh nghiệp nhập khẩu sau khi nhập về sẽ đóng bao bì, nhãn mác của họ lên sản phẩm gạo Việt Nam để bán cho người tiêu dùng. Ví dụ, gạo Việt Nam được bán tại Anh quốc với các thương hiệu do nhà phân phối đặt như: Longdan, Golden Lotus, Buffalo (của Longdan Supermarket), Green Dragon (của Westmill UK) và Red Ant (của MediFood). Gạo Việt Nam đạt giải gạo ngon nhất thế giới, được người tiêu dùng thừa nhận. Nhưng nếu tìm một sản phẩm được ghi tên, thương hiệu gạo Việt tại EU thì rất khó”, ông Bình nêu thực trạng.

Đưa ra những giải pháp củng cố thương hiệu gạo Việt, ông Phạm Thái Bình kêu gọi các doanh nghiệp ngành gạo cần đồng loạt vào cuộc, cùng nhau đầu tư về hình ảnh và marketing cho thương hiệu gạo Việt Nam. Đồng thời, các doanh nghiệp cần đầu tư về chất lượng vùng trồng, xây dựng vùng nguyên liệu lớn được canh tác theo tiêu chuẩn cao, sản xuất khép kín từ cánh đồng đến bàn ăn.

Nhắc tới xây dựng thương hiệu cho gạo Việt, GS Võ Tòng Xuân bày tỏ đây vẫn là điều đáng trăn trở của ngành chế biến, xuất khẩu gạo của Việt Nam. Nếu chúng ta có chương trình xây dựng thương hiệu quốc gia bài bản cho gạo Việt thì chắc chắn giá trị của hạt gạo Việt sẽ còn nâng cao hơn nữa. Đây là một trong những lý do mà cho đến nay gạo Việt khi xuất khẩu ra nước ngoài nhiều khi vẫn phải dưới tên của một doanh nghiệp khác. Đó là một thực tế buồn, phải truy ra từ người sản xuất trong nước, có thể bán gạo dưới nhãn hiệu của nhà phân phối nhưng họ có đất đâu mà trồng, phải truy ra từ gốc, quyền tác giả của giống lúa thì phải được tôn trọng.

Theo GS Võ Tòng Xuân, nhìn rộng ra nhiều giống cây ăn quả của nước ta rơi vào tay nước ngoài do vấn đề đăng ký bản quyền chưa được chú trọng. Có thể lấy ví dụ, giống thanh long hiện nay của Việt Nam mà cứ như của quốc tế, Trung Quốc, Thái Lan cũng đã trồng rất nhiều mà không gặp khó khăn gì về vấn đề bản quyền. Mỗi giống cây trồng là kết quả lai tạo, nghiên cứu của mỗi cá nhân, tổ chức, vì vậy cần phải đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. Nếu chúng ta không coi trọng vấn đề bản quyền, làm như từ trước đến nay thì ngoài gạo ST25 có thể sẽ còn nhiều nông sản gặp phải trường hợp tương tự. “Ở nhiều nước, vấn đề bản quyền rất được coi trọng, chúng ta cũng phải học cách làm đó. Nếu bảo vệ được quyền tác giả, bản quyền sản phẩm thì lợi ích mang lại đằng sau là vô giá”, GS Võ Tòng Xuân chia sẻ.

Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT): Bỏ tư duy ăn xổi mới tạo dựng được thương hiệu

Việc xây dựng thương hiệu gạo phần lớn phụ thuộc vào các doanh nghiệp. Nhà nước chỉ hỗ trợ về cơ chế, chính sách. Sở dĩ gạo Việt vẫn chật vật trong việc này là do cách kinh doanh manh mún của các doanh nghiệp ngành gạo. Từ trước đến nay, đa phần các đơn hàng mà doanh nghiệp kiếm được đều ở dạng hợp đồng Chính phủ. Do đó, sau khi có được hợp đồng, doanh nghiệp chỉ quan tâm đến việc thu mua đủ sản lượng gạo từ nông dân, sau đó xuất đi là xong. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn không muốn đầu tư vùng nguyên liệu, kho bãi, hoạt động theo kiểu ăn xổi.

Ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam: Cần sự hỗ trợ của nhà nước

Để xây dựng thương hiệu gạo Việt cần cụ thể hóa chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu gạo có thương hiệu và được gắn nhãn chứng nhận quốc gia gạo Việt Nam (Vietnam Rice). Nhà nước cần hỗ trợ thiết lập các văn phòng giới thiệu, quảng bá gạo Việt Nam ở các thị trường trọng điểm. Bên cạnh đó, các bộ, ngành liên quan cần xem xét bỏ thủ tục đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo, tham gia đấu thầu hợp đồng tập trung và yêu cầu đạt chuẩn đối với nhà máy của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Định danh gạo Việt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO