Định hình sầu riêng Định Quán

MẠNH THÌN 01/12/2022 07:02

Với thổ nhưỡng phù hợp, cây sinh trưởng nhanh, cộng với lợi nhuận lớn, nhiều năm gần đây, người dân huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai đã chuyển đổi sang trồng sầu riêng thay thế những cây trồng mang lại ít giá trị…

Ông Phạm Văn Tuấn cùng vườn sầu riêng trái vụ của gia đình.

Tăng độ phủ sầu riêng trái vụ

Trời vừa chập tối, ông Phạm Văn Tuấn (ấp 8, xã Phú Tân, huyện Định Quán) tất bật chuẩn bị cho công việc đi “quét” phấn hoa. Với ông, đây là một công việc đã quá quen vào dịp cuối năm. “Nếu trồng sầu riêng chính vụ thì không phải làm công đoạn này, nhưng gia đình tôi chủ yếu trồng trái vụ nên phải chủ động thụ phấn hoa để thuận lợi hơn cho công đoạn đậu trái” - ông Tuấn nói và cho biết, trồng sầu riêng trái vụ vất vả hơn nhiều so với trồng chính vụ. “Cực nhất là khâu không để đọt cây (ngọn cây) ra lá non. Mình phải giữ được lá già ở đầu ngọn cộng với sự hỗ trợ của các chế phẩm sinh học hữu cơ nữa thì cây mới ra hoa được. Đây là khâu vất vả nhất, tốn công sức nhất” - ông Tuấn cho hay. Gắn bó với cây sầu riêng hơn 20 năm nay, ông Tuấn khẳng định, đây là loại cây mang lại kinh tế lớn nhất cho gia đình ông. Ông Tuấn kể: “Trước đây gia đình trồng một số loại cây ăn trái như quýt, xoài nhưng hiệu quả kinh tế thấp. Năm 2001, gia đình có mấy chục cây sầu riêng cho trái rất nhiều, ăn không hết nên đem bán, thấy được giá đã chuyển sang trồng sầu riêng từ đó”. Ban đầu ông Tuấn trồng chính vụ, hiệu quả là có nhưng chưa như kỳ vọng nên từ năm 2008 đến nay, ông chuyển hẳn sang trồng trái vụ cho kết quả ngoài mong đợi. Với 6ha sầu riêng đang có, trung bình mỗi cây cho 200-300kg trái/vụ, với giá thành thương lái thu mua tại vườn dao động từ 50-53.000 đồng/kg, ông Tuấn thu về khoảng 7 tỷ đồng/vụ. Trừ các khoản chi phí, lợi nhuận đạt gần 4 tỷ đồng.

Từ hiệu quả trồng sầu riêng trái vụ của ông Tuấn, một số hộ dân ở xã Phú Tân, Thanh Sơn, Phú Lợi cũng làm theo, mở rộng diện tích sầu riêng trái vụ. Theo thống kê của huyện Định Quán, hiện nay gần 1/3 diện tích sầu riêng của địa phương này được trồng trái vụ.

Liên kết để phát triển

Mặc dù sầu riêng trái vụ ở Định Quán được nhiều thương lái và người dân biết đến trong thời gian gần đây, tuy nhiên về vấn đề gọi tên và “định hình” loại trái cây đặc trưng của địa phương này lại chưa được như mong đợi. Theo tìm hiểu của phóng viên, toàn huyện Định Quán hiện trồng trên 1.830ha sầu riêng, trong đó số diện tích cho sản phẩm là khoảng 1.274ha, năng suất đạt gần 103 tạ/ha. Sầu riêng được trồng chủ yếu tại các xã Thanh Sơn (716ha); Phú Tân (555ha); Phú Lợi (226ha); La Ngà (114ha); Túc Trưng (80ha)... Giống sầu riêng chủ yếu được trồng trên địa bàn là Monthong, Ri 6 và Musang King. So với cách đây 5 năm, diện tích sầu riêng đã phát triển với quy mô lớn hơn. Năm 2018, toàn huyện có 53ha thì đến nay, con số này vượt gần 350 lần. Sầu riêng được đánh giá là cây mang lại hiệu quả kinh tế tương đối cao trên một đơn vị diện tích. Thị trường xuất khẩu được đẩy mạnh nên không có gì lạ khi nhiều người dân đã tự chuyển đổi từ các cây trồng như cà phê, tiêu, điều... sang trồng sầu riêng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Định Quán Ngô Tấn Tài cho biết, tuy có nhiều bước chuyển nhưng việc phát triển diện tích cây sầu riêng trong thời gian qua phần lớn là tự phát, manh mún, đan xen trong những vườn cây ăn trái khác. “Hiện tại việc trồng và chăm sóc cây sầu riêng trên địa bàn chủ yếu thông qua các lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc do Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai; đồng thời theo kinh nghiệm thực tế của một số nhà vườn truyền miệng với nhau nên chưa có một quy trình chuẩn cho việc trồng và chăm sóc” - ông Tài nói.

Xác định đây là loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, UBND huyện Định Quán đã rà soát, quy hoạch vùng trồng cây sầu riêng, vùng xuất khẩu để cấp mã số vùng trồng. Việc quy hoạch vùng nguyên liệu sầu riêng tập trung sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất; từ đó nâng cao được năng suất, chất lượng, tăng thu nhập, lợi nhuận cho nông dân trồng sầu riêng.

Thực tế cho thấy, việc vận động nông dân thay đổi nhận thức sang hướng canh tác sản xuất hàng hóa, liên kết chuỗi sản xuất từ khâu trồng đến tiêu thụ nông sản; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật theo quy trình xuất khẩu của đối tác đã có nhiều biến chuyển.

“Vừa rồi, huyện đã tổ chức một số buổi gặp gỡ mời gọi các doanh nghiệp, thành phần kinh tế có năng lực tham gia liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản. Chúng tôi khá bất ngờ vì nhiều đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh khẳng định sẽ chọn sầu riêng Định Quán là sản phẩm tiêu thụ và xuất khẩu đặc trưng” - Phó Chủ tịch UBND huyện Định Quán Ngô Tấn Tài cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Định hình sầu riêng Định Quán

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO