Đô thị hóa 'lấn' kênh rạch

Đoàn Xá 23/11/2015 07:25

Theo thống kê của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam thì khoảng 10 năm trở lại đây, trong quá trình đô thị hóa ở địa bàn TP HCM có khoảng 100 đoạn kênh rạch bị lấp đi, có diện tích gần 4.000 héc-ta và chiếm khoảng 30% diện tích kênh rạch của thành phố. Và, tác hại của tình trạng này là vô cùng khủng khiếp khi nó là nguyên nhân dẫn đến sự ngập úng, cùng nhiều hệ lụy khác về môi trường. 

Theo một kiến trúc sư, việc hình thành các hệ thống kênh rạch, dù lớn hay nhỏ của tự nhiên đều có lịch sử hàng trăm năm, tuân theo quy luật nhất định. Nếu vì mục đích lấy mặt bằng phát triển không gian đô thị mà lấp tất hoặc một phần kênh thì sẽ đảo lộn quy luật thoát nước của tự nhiên, việc ngập úng tất yếu sẽ diễn ra. Đấy là chưa kể, khi lấp kênh rạch đi mà lại xây dựng đô thị thì sẽ làm tăng sự ô nhiễm môi trường, nguồn nước ở khu vực đó.

Câu chuyện đoạn kênh Hàng Bàng chưa tới 2 cây số bị lấp cánh đây 15 năm nhưng hiện nay phải chi số tiền dự tính lên đến 2.000 tỷ đồng để đào lại, phục hồi dòng kênh phục vụ việc thoát nước của khu vực cho thấy cái giá cực kỳ đắt nếu đi ngược lại với sự hài hòa của tự nhiên. Ngoài ra, hầu hết các dự án chống ngập, cải tạo kênh rạch khác hiện nay cũng có vốn đầu tư lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng mà hiệu quả thì chưa được như yêu cầu cũng là một ví dụ cho thấy, cái giá phải trả cho việc lấp đi một phần diện tích mặt nước là vô cùng lớn.

Nhưng thật kỳ lạ là dù phải trả giá cực đắt, hiện nay hàng chục cây số kênh rạch khác ở thành phố vẫn được đề nghị lấp đi bằng các dự án cải tạo đô thị thay vì cải tạo dòng kênh.

Lý giải cho điều này, nhiều chủ đầu tư cho rằng gần như 100% các kênh rạch ở vùng trung tâm hiện nay đều ô nhiễm và không còn khả năng cải tạo. Việc lấp kênh rạch để thay bằng cống hộp sẽ giảm đi tình trạng ô nhiễm nguồn nước và không gian đô thị. Thế nhưng, nhiều chuyên gia môi trường cho rằng, lời giải thích đó là đúng nhưng chưa đủ.

Đành rằng cống hộp sẽ giảm ô nhiễm môi trường hơn các dòng kênh hở nhưng việc thoát nước, và tiến tới là xử lý ô nhiễm môi trường ở đô thị không dựa vào cống hộp.

“Cống hộp chỉ “giấu” tình trạng ô nhiễm chứ không phải là xử lý ô nhiễm. Vì vậy, quy hoạch đô thị cần phải xử lý chất thải từ nguồn gốc các khu dân cư, nhà máy, khu công nghiệp chứ không phải bằng việc xây cống hộp để dẫn tới tình trạng ngập úng đang ngày càng nghiêm trọng ở khắp mọi nơi như hiện nay”, một chuyên gia môi trường cảnh báo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đô thị hóa 'lấn' kênh rạch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO