Bất an với 'bà hỏa'

H.Vũ 11/08/2019 07:00

Cháy đang trở thành nỗi lo của mọi nhà, khu công nghiệp, chế xuất, nhất là các chung cư cao tầng, gây thiệt hại nặng nề về người cùng tài sản. Trong tuần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chính thức cho ý kiến về Báo cáo giám sát “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy (PCCC) giai đoạn 2014-2018”, qua đó để trình Quốc hội thảo luận đưa ra những giải pháp kiến nghị Chính phủ thực hiện trong thời gian tới.

Bất an với 'bà hỏa'

Tình hình cháy nổ vẫn diễn biến phức tạp.

Vẫn còn 2.662 công trình có nguy hiểm về cháy, nổ

Dự thảo lần 2 kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy giai đoạn 2014-2018, hầu hết các địa phương chưa ban hành quy định việc xử lý các cơ sở trên địa bàn không bảo đảm yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước ngày Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực theo quy định. Việc xử lý các cơ sở này còn gặp nhiều khó khăn, kết quả còn hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu được xác định là do chưa đưa ra được các giải pháp phù hợp để xử lý dứt điểm như: Chưa bố trí được địa điểm di dời; vấn đề đền bù, an sinh xã hội, việc bố trí chỗ ở, sinh hoạt cho người dân, nhất là tại các khu tập thể cũ; các giải pháp kỹ thuật bổ sung khó thực hiện do liên quan đến kiến trúc, kết cấu, khoảng cách, tải trọng của công trình.

Nhưng điều đáng lo ngại là hiện nay cả nước vẫn còn 2.662 công trình có nguy hiểm về cháy, nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế hoặc đã thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC, trong đó chủ yếu là các công trình được đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC (năm 2001) có hiệu lực. Tính đến tháng 7-2018, cả nước vẫn tồn tại 110 công trình chung cư, nhà cao tầng đã được chủ đầu tư đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do chủ đầu tư tự ý điều chỉnh thiết kế, thi công sai so với thiết kế được duyệt; lựa chọn, lắp đặt các hệ thống, thiết bị PCCC không đồng bộ, kém chất lượng dẫn đến hệ thống không hoạt động theo chức năng nên chưa đủ điều kiện để được nghiệm thu về PCCC. Mặt khác, do sức ép về thời hạn xây dựng công trình nên chủ đầu tư phải bàn giao nhà cho người dân vào ở trong khi chưa hoàn thiện hệ thống kỹ thuật PCCC. Trong khi đó, theo báo cáo của Chính phủ, việc xử lý đối với các công trình này còn gặp nhiều khó khăn do liên quan đến mặt bằng kết cấu xây dựng và kinh phí đầu tư khắc phục.

Bên cạnh đó, đoàn giám sát còn nhận thấy trong công tác quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, rừng, các kho hóa chất… sự phối hợp còn chưa tốt. Hiện nay, cả nước mới chỉ có 250/811 đô thị có quy hoạch về cấp nước chữa cháy, còn nhiều khu công nghiệp, khu dân cư chưa được quy hoạch về giao thông, cấp nước chữa cháy. Kết quả giám sát cho thấy, việc rà soát, bổ sung, chỉnh sửa hoặc xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật còn chậm, nhất là các văn bản, tiêu chuẩn, quy chuẩn điều chỉnh đối với một số loại hình cơ sở mới xuất hiện như: Chung cư mini, nhà ở chuyển đổi công năng, khách sạn, văn phòng cho thuê, quán karaoke, nhà dân kết hợp để ở và sản xuất, kinh doanh xen cài trong khu dân cư, nhà máy lọc hóa dầu, công trình nhiều tầng hầm, hầm đường bộ, hầm đường sắt, công trình siêu cao tầng (cao trên 75 m). Một số dự án, công trình đặc thù phải áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật của nước ngoài nhưng nội dung lại chưa phù hợp với điều kiện, đặc điểm hạ tầng kỹ thuật của nước ta nên khó thực hiện.

Có biểu hiện tiêu cực trong hoạt động thanh tra, kiểm tra

Theo đánh giá của đoàn giám sát, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về PCCC thiếu sự phối hợp giữa các lực lượng, chưa thực sự quyết liệt, triệt để, có biểu hiện tiêu cực trong hoạt động thanh tra, kiểm tra nên tác dụng răn đe, phòng ngừa vi phạm pháp luật về PCCC còn hạn chế. Tại các địa phương, lãnh đạo UBND các cấp chưa thể hiện rõ nét vai trò, trách nhiệm trong công tác xử lý vi phạm quy định an toàn PCCC. Việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực PCCC liên quan đến lợi ích doanh nghiệp và quan hệ kinh tế - xã hội phức tạp, có những trường hợp không giải quyết được dứt điểm. Nhiều địa phương, lãnh đạo UBND các cấp chưa thực hiện hết trách nhiệm, thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính về PCCC. Có địa phương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh không xử lý vi phạm hành chính dẫn đến hồ sơ phải chuyển lên theo ngành dọc để tiến hành xử phạt.

Điển hình là tình trạng vi phạm các quy định về PCCC trong lĩnh vực xây dựng, quy hoạch tại các đô thị lớn còn xảy ra nhiều. Một số công trình được đưa vào sử dụng, nhưng chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC. Một số công trình chủ đầu tư tự thay đổi công năng, tự ý chuyển đổi thiết kế xây dựng. Tình hình cháy nổ vẫn diễn biến phức tạp, ở nhiều địa bàn, cơ sở trọng điểm, nhà cao tầng - siêu cao tầng, chợ, trung tâm thương mại, khu dân cư tập trung, nhà ở kết hợp kinh doanh, phương tiện giao thông thuỷ, bộ. Trong khi đó, các lực lượng chức năng chưa chú trọng việc xử lý trách nhiệm hình sự đối với hành vi vi phạm pháp luật về PCCC “có khả năng thực tế gây thiệt hại” theo quy định tại Điều 313 Bộ luật Hình sự.

Nguyên nhân chủ quan được xác định là do nhận thức, ý thức trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương - nhất là ở quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn, người đứng đầu các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức - đối với công tác PCCC còn hạn chế. Chưa làm hết trách nhiệm trong việc quản lý, tổ chức thực hiện các quy định về PCCC, đồng thời cũng thiếu cơ chế để xác định trách nhiệm của người đứng đầu, chưa coi trọng công tác kiểm tra, giám sát, chưa chú trọng công tác đầu tư, trang bị phương tiện cho hoạt động PCCC, tổ chức tập huấn cho lực lượng chữa cháy tại chỗ.

Theo đánh giá của Thiếu tướng Bùi Văn Ngần - nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ - quan trọng vẫn là thực hiện chế độ trách nhiệm trong PCCC. Bởi quy định đã tương đối đầy đủ, cái chính là tổ chức thực hiện. “Cũng là việc đấy nhưng vì sao Việt Nam thực hiện chưa cao mà Singapore lại thực hiện nghiêm? Đó chính là trách nhiệm của mỗi người trong tổ chức thực hiện” - ông Ngần nêu vấn đề. Là trưởng đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng: Báo cáo giám sát cần chỉ rõ “địa chỉ” bộ ngành, địa phương nào làm chưa tốt, để có giải pháp cụ thể, hạn chế đưa các cụm từ chung chung, đồng thời rà soát phần kiến nghị để đảm bảo chặt chẽ, đúng chức năng của từng chủ thể.

Bày tỏ quan điểm về việc cả nước hiện vẫn tồn tại 110 công trình chung cư, nhà cao tầng đã được chủ đầu tư đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC, ông Nguyễn Mai Bộ - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng an ninh - cho rằng đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Do đó báo cáo giám sát cần nêu rõ quan điểm thực trạng là do cơ quan có thẩm quyền chưa xử lý theo đúng pháp luật, đồng thời cần đề nghị Quốc hội giao nhiệm vụ cho chính quyền địa phương và các chủ đầu tư xử lý dứt điểm những tồn tại trên.

* Trung bình mỗi năm xảy ra 3.287 vụ cháy: Theo báo cáo của Chính phủ, trong giai đoạn từ tháng 7-2014 đến tháng 7-2018, cả nước đã xảy ra 13.149 vụ cháy, làm chết 346 người, bị thương 823 người, gây thiệt hại về tài sản ước tính 6.524,8 tỷ đồng và 6.462 héc-ta rừng. Trung bình mỗi năm xảy ra 3.287 vụ cháy, làm chết 87 người, bị thương 206 người, gây thiệt hại về tài sản trị giá 1.631,2 tỷ đồng và 1.615,5 héc-ta rừng. Trung bình mỗi ngày xảy ra 9 vụ cháy, làm chết hoặc bị thương 1 người, gây thiệt hại về tài sản ước tính 4,4 tỷ đồng và 5,3 héc-ta rừng.

* Thiếu kiên quyết trong xử lý: Kết quả giám sát chỉ rõ: Tình trạng vi phạm các quy định về điều kiện an toàn PCCC được phát hiện còn ít so với thực tế. Việc xử lý đối với các hành vi vi phạm còn thiếu kiên quyết, đa số là dừng lại ở việc hướng dẫn, kiến nghị, nhiều vụ cháy không làm rõ được nguyên nhân do nhiều yếu tố khách quan; việc xử lý hình sự đối với các vụ việc vi phạm quy định về PCCC có nguyên nhân chủ quan là lực lượng Cảnh sát PCCC chưa thật sự kiên quyết trong việc xử lý hình sự đối với những hành vi vi phạm được cấu thành tội phạm theo quy định tại Khoản 5 Điều 313 Bộ luật Hình sự.

* 23,5% xe chữa cháy kém chất lượng, hư hỏng: Qua giám sát cho thấy, thực tế số lượng phương tiện được trang bị vẫn chưa bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chữa cháy, cứu nạn cứu hộ đặt ra trước tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta hiện nay. Số xe chữa cháy đã sử dụng lâu, sử dụng trên 20 năm chiếm khoảng 29,6% tổng số xe; số lượng xe chất lượng kém, hư hỏng chiếm tới 23,5%. Việc trang bị xe thang, xe chuyên dùng phục vụ chữa cháy, xe phục vụ công tác cứu nạn cứu hộ còn thiếu so với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Hiện mới chỉ có 90/392 Đội chữa cháy được trang bị xe thang (đạt 22,9%), 61/392 Đội đã được trang bị xe cứu nạn cứu hộ (đạt 15,6%).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bất an với 'bà hỏa'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO