TP HCM ứng dụng AI để xây dựng thành phố thông minh

Quốc Định 25/09/2019 17:10

Ngày 25/9, UBND TP HCM phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Hội thảo quốc tế "Kinh nghiệm quốc tế và trong nước về nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) - Khuyến cáo cho TP HCM".

TP HCM ứng dụng AI để xây dựng thành phố thông minh

Quang cảnh Hội thảo.

Hội thảo nhằm mục tiêu xây dựng Chương trình "Xây dựng hệ sinh thái ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại TP HCM giai đoạn 2019-2025".

Tham dự có ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM; ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM; ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam…

Áp dụng sớm để tránh lạc hậu

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, thực tế TP HCM có điều kiện hình thành Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng AI bởi có nguồn lực kinh tế, có thị trường, con người tại chỗ. TP HCM hiện có nhiều chương trình AI của các viện trường, các doanh nghiệp và trung tâm đổi mới sáng tạo đang phát triển có thể ứng dụng ngay vào các lĩnh vực như y tế, giao thông, giáo dục.

“Chúng ta đã bỏ lỡ 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước đó, kết quả là hiện nay chúng ta vẫn đang phải bắt đầu bằng những công đoạn khá lạc hậu, ít mong muốn nhất trong chuỗi giá trị toàn cầu là gia công sản xuất. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cho chúng ta một cơ hội” - Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Bên cạnh những khó khăn, TP HCM cũng có những thuận lợi nhất định, như: nền kinh tế trẻ và năng động sẽ giúp các công ty công nghệ sẵn sàng tiếp cận công nghệ và thử sức ở các lĩnh vực tiềm năng. Một nền công nghiệp sản xuất gia công với một đội ngũ nhân lực được tiếp cận với các sản phẩm và công nghệ mới nhất của thế giới. Với lượng sinh viên du học nằm trong tốp 10 của thế giới, cùng số lượng Việt kiều lớn, giỏi chuyên môn ở rất nhiều quốc gia phát triển, TP HCM có điều kiện tiếp xúc và học hỏi những sản phẩm và công nghệ mới nhất, phức tạp nhất.

Đặc biệt trong lĩnh vực AI, các viện trường, các chuyên gia người Việt trong và ngoài nước luôn sẵn sàng cho TP và hướng về TP để chung tay xây dựng, là điều hết sức quý giá.

Cần vạch ra những chiến lược rõ ràng

Theo Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, ông Ousmane Dione, trong quá trình phát triển không ngừng của mình, người dân TP HCM ngày càng cảm nhận rõ những dấu ấn đô thị thông minh trong đời sống trên nhiều lĩnh vực như giáo dục, y tế, giao thông. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh cũng khiến TP HCM đang gặp nhiều thách thức về môi trường, giao thông, thoát nước. Do đó rất cần những giải pháp thông minh để giải quyết vấn đề trên. Một trong những giải pháp thông minh đó là ứng dụng AI.

PGS.TS Vũ Hải Quân (Đại học Quốc gia TP HCM), cho rằng, một thành phố trẻ với mật độ khoa học - công nghệ cao từ các trường đại học, viện nghiên cứu và khả năng thương mại tại chỗ từ hơn 10 triệu dân cư và 30 ngàn doanh nghiệp là cơ sở để TP HCM đặt ra mục tiêu hình thành hệ sinh thái AI. Ông Quân đề xuất, để thực hiện mục tiêu xây dựng đô thị thông minh, phát triển công nghệ thông tin và đặc biệt là trí tuệ nhân tạo trên cần vạch ra những chiến lược rõ ràng kể cả ngắn hạn 2019-2020 hay dài hạn 2020-2030, trong đó ba mũi nhọn cần tập trung bao gồm: Công tác nghiên cứu và đào tạo, nắm bắt công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Việc đào tạo là quan trọng hàng đầu để có được nguồn nhân lực chất lượng cao. "TP có thể triển khai các nội dung đào tạo về AI cho các học sinh xuất sắc, đặc biệt là tại các Trường THPT chuyên tại thành phố, bên cạnh xây dựng và triển khai các khóa học, chương trình đào tạo ngắn hạn để bồi dưỡng, nâng cao năng lực về nghiên cứu và ứng dụng AI. Ngoài ra có thể, triển khai các chương trình theo định hướng "Đại học chia sẻ" giúp lan tỏa và nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI tại TP" - ông Quân nói.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, bộ sẽ đề xuất tập trung một số trọng tâm nghiên cứu, phát triển, và ứng dụng AI với chiến lược phủ sóng diện rộng và đồng bộ trên nhiều lĩnh vực. Chẳng hạn, trong nông nghiệp, tập trung vào các mô hình hệ thống công nghệ nông nghiệp chính xác, kết hợp điều hành tự động và bán tự động trong canh tác từ xa; trong y tế, tập trung xây dựng các cơ sở dữ liệu y tế toàn dân; trong quản lý đô thị, xây dựng và quản lý thông tin từ các hệ thống quan trắc, các trạm đo chất lượng nước, chất lượng đất, chất lượng không khí.

Ông Duy cho rằng, để AI thực sự đi vào đời sống, cần thiết nhất là sự hợp tác chặt chẽ giữa 3 nhà: nhà nước, nhà khoa học, và nhà doanh nghiệp, trong đó nhà nước với vai trò định hướng chính.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    TP HCM ứng dụng AI để xây dựng thành phố thông minh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO