Đoàn kết thực chất, dân vận trí tuệ

Trần Duy Hưng 07/10/2019 09:09

“Đoàn kết thực chất, dân vận trí tuệ, giám sát hiệu lực, phản biện sắc sảo” - đó là mấy từ ông Nguyễn Thế Khanh - Trưởng Ban tư vấn Kinh tế của Ủy ban MTTQ tỉnh Nam Định - chia sẻ với chúng tôi ngay sau khi Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ IX kết thúc. Ngắn gọn, nhưng mấy từ của ông Khanh bao hàm khá đầy đủ các nhiệm vụ trọng tâm cũng như những yêu cầu cần phải đạt được của công tác Mặt trận trong giai đoạn hiện nay...

Đoàn kết thực chất, dân vận trí tuệ

Ông Nguyễn Thế Khanh (thứ 2, từ trái sang) cùng lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh Nam Định trong một lần đi giám sát.

Được biết đến ông Nguyễn Thế Khanh từ gần 20 năm trước, khi ông đương chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, phụ trách lĩnh vực kinh tế - tài chính; đang tất bật lo chỉ đạo thực hiện “một núi việc” để xây dựng, thành lập, vận hành KCN Hòa Xá - KCN đầu tiên và cũng là lớn nhất trong số đang hoạt động tại tỉnh Nam Định. Tuy nhiên, phải đến khi ông “thành người Mặt trận”, chúng tôi mới có nhiều dịp gần gũi, tiếp xúc, chuyện trò với ông, khi là trong các hội nghị, diễn đàn do Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức, khi là trong những chuyến đi giám sát tại một địa phương, đơn vị nào đó. Càng gần gũi càng cảm mến, trân trọng sự tâm huyết, trách nhiệm của ông đối với xã hội dù ông đã ở tuổi gần bát tuần. Điều này một phần thể hiện qua phát biểu trên diễn đàn hay trò chuyện trong lúc “tranh thủ ra ngoài hút điếu thuốc”, lúc nào cũng thấy ông Khanh đau đáu về những chuyện, những vấn đề của đời sống kinh tế, xã hội, những chuyện “quốc kế, dân sinh”. Ông nói say sưa, thống thiết, đặc biệt, luôn đặt sự việc, vấn đề trong tổng thể để nhìn nhận, đánh giá rồi mới nêu giải pháp...

Chuyện mới nhất ông Nguyễn Thế Khanh “thổn thức” với chúng tôi là vấn đề nông dân bỏ ruộng hiện nay. “Hôm qua tôi về quê (xã Nam Hồng, huyện Nam Trực -NV), đạp xe ra đồng thấy rất nhiều ruộng đất bị bỏ hoang. Hỏi lãnh đạo xã thì biết diện tích bỏ hoang của xã khoảng 30%, tương đương khoảng 150 ha” - ông mở đầu câu chuyện. Bình thường, nếu không có một cái nhìn tổng thể, nghe việc này rất dễ bị “sốc”: Cả dân tộc hy sinh bao nhiêu xương máu để “người cày có ruộng” vậy mà giờ người cày lại bỏ ruộng. Nhưng qua góc nhìn của người từng giữ trọng trách Phó Chủ tịch UBND tỉnh, hiện tượng này không có gì bất thường mà hoàn toàn đúng quy luật, nằm trong dự liệu. Đơn giản là khi công nghiệp, dịch vụ phát triển ở đây, nhiều công ty, nhà máy được mở ra ngay tại địa bàn nông thôn, kéo theo một lượng lớn lao động, nhất là lao động trẻ sang làm việc; từ đó mới dẫn đến việc một số diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang. Và, theo ông Khanh, đây là việc đáng mừng hơn là đáng lo. Rõ nhất là, từ khi có nhiều công ty, nhà máy về địa bàn nông thôn hoạt động, nhiều lao động có thêm việc làm, thu nhập, đời sống của họ nhờ vậy cao hơn hẳn. “Trước đây cả nhà làm nông, giờ bố vào nhà máy làm bảo vệ, mẹ vào nấu ăn, con vào làm công nhân, mỗi tháng cả nhà thu nhập mấy chục triệu, bằng thu nhập trước đây của cả nhà làm ruộng trong cả năm. Mừng quá đi ấy chứ” - ông dẫn chứng.

Vấn đề là, theo ông Khanh, không thể để ruộng đất bị bỏ hoang, người này không còn nhu cầu canh tác thì phải để cho người khác có nhu cầu. “Người khác” ở đây chính là các doanh nghiệp. Bởi, chỉ doanh nghiệp mới có đủ năng lực mọi mặt để đầu tư thực hiện những dự án nông nghiệp tập trung, hiện đại, theo chuỗi. Nghịch lý là nhiều doanh nghiệp hiện có nhu cầu tập trung ruộng đất để đầu tư các dự án nông nghiệp nhưng lại rất khó khăn trong việc tiếp cận nguồn lực đất đai. Bởi lẽ, ruộng đất đã được nhà nước giao ổn định, lâu dài cho các hộ nông dân, trong khi, như đã đề cập, không còn nhu cầu canh tác nhưng nhiều hộ nông dân vẫn giữ ruộng, bỏ hoang cho cỏ mọc. Để giải quyết nghịch lý này, cùng với việc thu hút các doanh nghiệp về nông thôn đầu tư các dự án công nghiệp, dịch vụ để tạo thêm việc làm cho một lượng lớn lao động đang còn dư thừa tại đây; Nhà nước, chính quyền các địa phương cần quan tâm, có các chính sách mạnh hơn, có tính động lực hơn để khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp về nông thôn đầu tư làm nông nghiệp, một mặt để tận dụng diện tích đất nông nghiệp đang bị nông dân bỏ hoang, mặt khác tận dụng nguồn lực của doanh nghiệp để hình thành các dự án nông nghiệp tập trung, hiện đại, cung cấp các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao - ấy là điều mà các hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ đơn độc không thể thực hiện được.

Góp sức làm việc đó, theo ông Khanh, thời điểm này cả hệ thống chính trị - nòng cốt là hệ thống Mặt trận và các đoàn thể - cần phát huy khả năng dân vận khéo của mình, dân vận trí tuệ, dân vận một cách thuyết phục để vận động nông dân “bắt tay” với doanh nghiệp. Theo hướng ai không còn nhu cầu canh tác thì cho các cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu thuê lại ruộng đất để thực hiện các dự án nông nghiệp. Ai đang sản xuất đơn lẻ một mình thì tham gia chuỗi liên kết sản xuất để cùng doanh nghiệp chia sẻ trách nhiệm, quyền lợi.
Trên thực tế, ở Nam Định đã và đang có nhiều doanh nghiệp và nông dân thành công với mô hình, phương thức liên kết này. Như ở mô hình liên kết sản xuất lúa giống giữa nông dân và công ty Cường Tân, sản xuất gạo sạch giữa nông dân với công ty Toản Xuân. Nông dân cho doanh nghiệp thuê lại ruộng đất, có ruộng, doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng rồi lại giao lại cho nông dân sản xuất theo quy trình kỹ thuật của doanh nghiệp, sản phẩm nông dân làm ra doanh nghiệp có trách nhiệm thu mua lại. “Khó như việc vận động người dân hiến góp đất vàng để mở rộng các con hẻm mà cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể ở TPHCM còn làm được thì việc vận động nông dân mang đất bỏ hoang để cho thuê hoặc liên kết sản xuất, cùng chia sẻ trách nhiệm quyền lợi với doanh nghiệp là hoàn toàn có thể làm được. Vấn đề là phải kiên trì, nói sao để người dân dân hiểu, thấy được cả lợi ích riêng, chung” - ông Khanh liên hệ.

Tuy nhiên, theo Trưởng Ban tư vấn Kinh tế của Ủy ban MTTQ tỉnh Nam Định, không có doanh nghiệp nào có đủ nhân lực, chi phí để đi làm việc, thương thảo với từng hộ nông dân. Ngoài sự đồng hành, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể, tổ chức có thể làm tốt vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và nông dân hiện nay chính là các HTX nông nghiệp. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế, ông Nguyễn Thế Khanh băn khoăn vì nhiều HTX nông nghiệp sau khi chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX mới vẫn đang trong tình trạng “bình mới rượu cũ”. “Tôi đã đi tìm “cái mới” ở các HTX nông nghiệp kiểu mới mà chưa thấy. Đúng hơn là mới chỉ thấy các HTX thay tên đổi họ, định lượng lại được số lượng thành viên và vốn góp, còn hoạt động thì vẫn như cũ, duy trì cung cấp được mấy khâu dịch vụ. Rất ít HTX lo được đầu ra cho sản phẩm của thành viên”. Từ đó, ông cho rằng muốn hình thành được các chuỗi liên kết sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp, cần phải xây dựng, củng cố được hoạt động của các HTX. “Đi giám sát, tư vấn ở đâu tôi cũng chỉ chúc Ban chỉ đạo Phát triển Kinh tế tập thể ở địa phương ấy hoạt động thường xuyên, như một cách ngầm lưu ý, nhắc nhở công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với nhiệm vụ này rất quan trọng. Nếu chỉ qua loa, hình thức, đối phó thì không bao giờ có kết quả” - ông Khanh chia sẻ.

Trở lại câu chuyện về nhiệm vụ, yêu cầu của công tác Mặt trận trong giai đoạn hiện nay, ông Nguyễn Thế Khanh tâm sự: Càng nhìn sâu vào thực tế mọi mặt của đời sống càng thấm thía giá trị, sức mạnh của tinh thần đoàn kết. Lấy ngay kết quả xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Nam Định, kết quả đó bắt nguồn sâu xa từ sự đoàn kết, đồng thuận. “Một phong trào khi được phát động mà được cả từ người nông dân đến các nhà tu hành cùng hưởng ứng, cùng góp của, góp công thực hiện thì sao lại không thành công?”. Từ đó, ông mong muốn Mặt trận phải làm tốt hơn nữa vai trò tập hợp, đoàn kết, đoàn kết thực chất, qua đó phát huy được sức mạnh to lớn trong các tầng lớp nhân dân, chung sức thực hiện các mục tiêu phát triển. Ông cũng mong muốn hoạt động giám sát của Mặt trận thời gian tới phải được nâng cao hiệu lực, kết quả giám sát, kiến nghị sau giám sát của Mặt trận phải được các cấp ủy Đảng, chính quyền xem xét, xử lý. Tương tự, hoạt động phản biện chính sách của Mặt trận phải có người nghe, phải được tiếp thu. Muốn vậy, Mặt trận phải quy tụ được trí tuệ, qua đó mới có thể phản biện một cách sắc sảo, thuyết phục...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đoàn kết thực chất, dân vận trí tuệ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO