Doanh nghiệp dệt may: Chinh phục thị trường nội

Thanh Giang 17/04/2019 07:30

Hiện thị trường sản phẩm dệt may trong nước đang có sự cạnh tranh gay gắt. Nguyên nhân chủ yếu, quá nhiều doanh nghiệp thời trang nước ngoài đã và đang thâm nhập thị trường nội. Doanh nghiệp may mặc trong nước cần đổi mới về mọi mặt để hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn, tăng tính cạnh tranh.

Doanh nghiệp dệt may: Chinh phục thị trường nội

Đầu tư công nghệ để dệt may Việt Nam tăng sức cạnh tranh.

Sức ép từ thương hiệu ngoại

Thị trường hơn 90 triệu dân, trong đó dân số trẻ chiếm tỷ lệ cao, cùng với đó là mức tăng trưởng bình quân 15 – 20%/năm, vì vậy thị trường thời trang tại Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư ngoại. Theo giới kinh doanh nước ngoài, người tiêu dùng trẻ Việt Nam rất quan tâm và có xu hướng đầu tư nhiều vào thời trang. Nếu đầu tư vào thị trường này chắc chắn doanh nghiệp (DN) thời trang sẽ thu lợi nhuận tốt. Thậm chí, có nhãn hàng vào thị trường Việt Nam thu liền 5,5 tỷ đồng sau một ngày mở bán. Chưa kể tình trạng người tiêu dùng trẻ xếp hàng “rồng rắn” nhau từ rất sớm để có thể tiếp cận sản phẩm ngay sau khi cửa hàng khai trương.

“Tôi thấy chất lượng và mẫu mã thời trang ngoại cũng tương tự như thời trang nội, nhưng tôi hay lựa chọn sản phẩm ngoại vì phong trào. Giờ giá sản phẩm ngoại cũng khá mềm, cạnh tranh tốt với sản phẩm trong nước” – bà Trần Hoàng Hoa (quận Bình Thạnh, TP HCM ) chia sẻ.

Thực tế cho thấy, nhiều thương hiệu thời trang nước ngoài như H&M, Zara, Topshop, Mango, Nine west,… liên tục đổ bộ vào thị trường Việt Nam. Theo thống kê, hiện có khoảng 200 thương hiệu thời trang ngoại đang cạnh tranh trên thị trường, chiếm khoảng 60% với các sản phẩm đáp ứng đủ các các phân khúc từ bình dân đến cao cấp. Phân tích nguyên nhân về sự thâm nhập ồ ạt mặt hàng thời trang ngoại vào thị trường trong nước, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) chỉ ra rằng, đó là do tác động của các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết trong thời gian qua, cho nên thuế nhập khẩu giảm giúp DN nước ngoài đẩy mạnh đầu tư vào thị trường Việt.

Lo lắng về khả năng cạnh tranh của DN dệt may trên thị trường nội địa, ông Vũ Đức Giang băn khoăn, dù xuất khẩu tăng cao nhưng ngay tại chính thị trường nội địa, DN may mặc đang phải loay hoay tìm chỗ đứng. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, dệt may xuất khẩu rất tốt nhưng kinh doanh ở thị trường nội địa của ngành lại không dễ dàng, doanh thu tăng trưởng thấp, có đơn vị không đạt mục tiêu đề ra. Theo phân tích của giới chuyên gia, ngành công nghiệp thời trang của Việt Nam chưa bắt kịp xu hướng thời trang toàn cầu. Khâu thiết kế ở trong nước còn bỏ lửng, chưa được đầu tư xứng tầm vì thiếu các trung tâm thiết kế.

Doanh nghiệp nội nhập cuộc

Trước sự thâm nhập sâu của thời trang ngoại, nhiều DN may mặc trong nước buộc phải vào cuộc bằng cách đẩy mạnh tiếp cận người tiêu dùng nhằm giữ thị phần nội địa. Câu hỏi đặt ra là làm gì để may mặc Việt có thể tiếp cận thị trường nội địa hiệu quả?

Doanh nghiệp dệt may: Chinh phục thị trường nội - 1

Ngành dệt may đứng trước nhiều sức ép cạnh tranh.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, có 5 việc DN dệt may cần phải thực hiện. Đó là, phát triển và ứng dụng công nghệ vào sản xuất; xây dựng nguồn lực có tư duy và tầm nhìn; cập nhật xu hướng nhanh; xây dựng chiến lược mạng lưới kênh phân phối; làm sao để người Việt dùng may mặc do DN trong nước cung cấp.

“Thị trường thời trang đang cạnh tranh khốc liệt, nhiều DN ngoại thâm nhập tốt. Với thị trường thời trang tiềm năng như hiện nay DN Việt không thể đứng ngoài cuộc chơi. Ở thời điểm này mọi sự chuẩn bị có thể chậm nhưng không trễ. DN trong nước cần đẩy mạnh hoạt động kinh doanh nhiều hơn mức hiện nay” – đại diện một DN nhấn mạnh. Theo vị này, DN lớn nhiều tiềm lực nên dễ dàng xây dựng thương hiệu, phát triển mạng lưới phân phối, DN nhỏ cũng phải nỗ lực xây dựng thị trường riêng.

Nhiều DN chủ động đầu tư máy móc, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Điển hình, Tổng Công ty May 28 có kế hoạch đầu tư khoảng 50 tỷ đồng để thay thế máy móc không còn phù hợp để nâng cao năng suất, chất lượng, đồng thời hạ giá thành sản phẩm. Song song kế hoạch nêu trên, đơn vị này còn đẩy mạnh nhân rộng điểm bán. Ông Nguyễn Văn Cần – Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển, Tổng Công ty May 28 cho biết, công ty này tiếp tục tăng độ phủ ở nội địa qua hình thức bán hàng online và thúc đẩy quảng bá nhiều hơn, đồng thời đẩy mạnh hoạt động kinh doanh tại các trung tâm thương mại, siêu thị,…Hiện May 28 đã phát triển được hơn 100 điểm bán trên toàn quốc. Tương tự, từ cuối năm 2018, Tổng Công ty cổ phần Phong Phú đầu tư máy may khăn tự động hoàn toàn giúp tiết kiệm chi phí, nhân công và hạn chế tối đa lỗi kỹ thuật… Ngoài ra, công ty Phong Phú tiếp tục triển khai và phát triển hoạt động kinh doanh online, chiến dịch marketing. Theo kế hoạch, thời gian giao hàng và công tác chăm sóc khách hàng cũng được đầu tư mạnh.

Giới kinh doanh mặt hàng may mặc trong nước cho rằng, thời gian đầu khi kinh doanh với thị trường nội địa rất khó khăn, tuy nhiên DN cần hoạch định từng bước như xác định phân khúc khách hàng, độ tuổi, chọn nguyên phụ liệu, thiết kế cho phù hợp nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp dệt may: Chinh phục thị trường nội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO