Doanh nghiệp đối diện ‘3 thiếu’

H.Hương 08/12/2021 07:44

Cộng đồng doanh nghiệp cho biết khó khăn nổi cộm nhất hiện nay là: Thiếu hụt trầm trọng lao động, áp lực về lao động rất lớn để duy trì các đơn hàng cuối năm, tỷ lệ lao động trở lại nhà máy thấp do lao động có tâm lý ở lại quê ăn Tết; Lao động chưa được tiêm vaccine; Thiếu vốn để hoạt động sản xuất kinh doanh.

Khát vốn, khát lao động

Thời gian qua Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp (DN) vượt khó. Theo nhìn nhận chung từ DN, nhiều khó khăn đã kịp thời được tháo gỡ.

Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, lắng nghe ý kiến DN thì thấy, các khó khăn nổi cộm hiện nay vẫn là thiết hụt trầm trọng lao động, áp lực về lao động rất lớn để duy trì các đơn hàng cuối năm, tỷ lệ lao động trở lại nhà máy thấp do lao động có tâm lý ở lại quê ăn Tết; Lao động chưa được tiêm vaccine; Thiếu vốn để hoạt động sản xuất kinh doanh.

Công ty CP Thuỷ sản Lộc Kim Chi - một DN chuyên nuôi cá tra cung cấp cho các nhà máy chế biến khắp Đồng bằng Sông Cửu Long để xuất khẩu cho biết, mỗi ngày công ty phải chi 6 tỷ đồng để duy trì 300 ha ao thả cá tra. Nhưng do ảnh hưởng dịch bệnh, sức mua giảm khiến lượng cá tra quá lứa, chưa tiêu thụ được còn tồn đọng rất lớn. Trong bối cảnh đó, ông Lưu Quốc Tuấn - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thuỷ sản Lộc Kim Chi bày tỏ mong muốn ngân hàng hỗ trợ về nguồn vốn như giảm lãi vay, cơ cấu nợ… và được vay vốn để tiếp tục sản xuất kinh doanh. “Với lãi vay, DN mong muốn ngân hàng hỗ trợ giảm từ 2%/năm thay vì 0,5% như hiện nay; đồng thời kéo dài thời gian cơ cấu nợ sang năm 2022”, ông Tuấn nói.

Theo báo cáo mới nhất của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), tỷ lệ lao động quay trở lại DN hiện đạt tương đối cao. Nhiều DN ngành gỗ và DN trong khu công nghiệp đạt mức 80-90%. Dù vậy, đối với các DN lĩnh vực điện tử, dệt may, da giày lại đang gặp khó khăn về tuyển dụng lao động do nguồn vốn ít và phải cạnh tranh nhau, đặc biệt là DN ở các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh. Đây cũng là những ngành hàng có nhiều đơn hàng dịp cuối năm nhất nên vấn đề lao động đang rất cấp thiết với DN. Trước những khó khăn về lao động, bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách cho biết, thủ tục, quy trình cách ly trường hợp F0, F1 cho đến nay còn nhiều bất cập. Một công nhân nếu là F0 thì mất tối thiểu 21 ngày chữa bệnh và cách ly, chưa kể thời gian làm thủ tục, như vậy thời gian cho một người quay trở lại sản xuất mất tối thiểu từ 21-25 ngày. Hiệp hội kiến nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu xem xét lại quy trình này.

Kiểm soát tốt dịch bệnh để phục hồi kinh tế

Hiện nay, kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh được coi là điều kiện tiên quyết, mang tính cốt lõi để khôi phục kinh tế và giảm thiểu tổn thất do đại dịch gây ra. Chính vì thế, giới chuyên gia cho rằng, tại các tỉnh, tành phố lớn, các địa phương có nhiều khu công nghiệp cần giữ thái độ nghiêm túc, không chủ quan trong phòng dịch. Đẩy mạnh chiến lược tiêm vaccine, sử dụng tổng hợp mọi nguồn lực để sớm có vaccine phòng Covid-19 tiêm cho toàn dân, phấn đấu đạt tỷ lệ tiêm chủng 70% tổng dân số trong thời gian sớm nhất.

Nêu lên giải pháp để phục hồi kinh tế, nhóm các nhà khoa học Đại học Kinh tế quốc dân kiến nghị: cần ban hành và thực thi khẩn trương các chính sách hỗ trợ người lao động di cư nhằm tránh tình trạng đứt gãy nguồn cung lao động khi trở lại trạng thái bình thường mới. Cùng với đó, có những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn đối với đối tượng người lao động di cư không có đăng ký và người lao động tự do trong khu vực phi chính thức, các đối tượng dễ tổn thương (người cao tuổi, trẻ em, người yếu thế...). Thêm nữa, ban hành và thực thi các chính sách nhằm hỗ trợ các chi phí phòng dịch, các chi phí tái tổ chức hoạt động sản xuất cho các DN nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, hạch toán chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nhóm chuyên gia cho rằng, trong giai đoạn phục hồi, các chính sách hỗ trợ cần chọn lọc hơn, tập trung hơn vào các DN quy mô lớn, có ảnh hưởng lan tỏa quan trọng đến các khu vực khác trong nền kinh tế. Tránh tình trạng đổ vỡ dây chuyền trong nền kinh tế. Không hỗ trợ dàn trải, bình quân, liều lượng hỗ trợ thấp. Đồng thời dư địa chính sách cũng không cho phép thực hiện bao phủ quá nhiều đối tượng.

Về nguồn vốn của DN, phần lớn các ý kiến chuyên gia đều cho biết, hiện nay, các ngân hàng đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ DN như: cơ cấu lại nợ, giảm lãi vay, giảm các loại phí dịch vụ… Trong hơn 3 tháng kể từ thời điểm 15/7 đến nay, 16 ngân hàng đã giảm gần 16.000 tỷ đồng tiền lãi vay để hỗ trợ cho khách hàng vượt qua khó khăn đại dịch Covid-19. Cùng với đó, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khoảng 0,55%/năm tính đến cuối tháng 10 năm nay và giảm tổng cộng 1,55%/năm so với thời điểm trước dịch…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp đối diện ‘3 thiếu’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO