Doanh nghiệp FDI vi phạm bảo vệ môi trường: Cần lấp những kẽ hở pháp lý

K.Vy 29/08/2020 09:09

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài có những lợi ích không nhỏ cho nền kinh tế, song cũng đang đối diện với những thách thức liên quan đến môi trường. Số doanh nghiệp (DN) FDI vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường tăng lên theo từng năm cảnh báo vệ thực trạng ô nhiễm môi trường gây ra bởi các DN FDI.

Nhiều DN FDI vi phạm quy định về bảo vệ môi trường.

Theo kết quả thanh tra của Tổng cục Môi trường tại 28 tỉnh phía Bắc trong các năm 2017, 2018 và 2019 thì tỷ lệ DN FDI vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường tăng lên trong các năm. Cụ thể, năm 2017 có 12/27 DN vi phạm, chiếm tỷ lệ 44,5%; năm 2018 có 14/25 DN vi phạm, chiếm tỷ lệ 56% và năm 2019 là 13/19 DN vi phạm, chiếm tỷ lệ 68%.

Nhiều DN khi bước chân vào đầu tư tại Việt Nam đã không có ý thức đối với việc bảo vệ môi trường khi thường xuyên có những sai phạm liên quan đến lĩnh vực này. Formosa, Vedan là những ví dụ điển hình của các sai phạm.

Theo đánh giá của các chuyên gia, các vi phạm của DN nước ngoài thường tập trung vào một số hành vi cụ thể như: Không lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án theo quy định; thực hiện không đúng một trong các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường; không có Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án; hoặc thực hiện không đúng một trong các nội dung trong đề án bảo vệ môi trường đã được phê duyệt.

Bên cạnh đó, cũng có DN để xảy ra các vi phạm về quản lý chất thải như: Thực hiện giám sát chất thải định kỳ không đúng, không đầy đủ theo quy định; kê khai không đầy đủ chất thải nguy hại đã chuyển giao trong chứng từ chất thải nguy hại; tự xử lý chất thải nguy hại khi chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận...

Dư luận hẳn chưa quên sự vụ của Formosa, với sự vô trách nhiệm của mình trong sản xuất đã xả thẳng chất thải ra môi trường biển khiến cho vùng biển miền Trung Việt Nam đã bị ô nhiễm nặng nề. Những hệ lụy mà các DN nước ngoài gây ra đối với Việt Nam không chỉ làm tổn hại về mặt môi trường mà còn Có một thực tế đáng lo ngại hiện nay là để giảm chi phí, tăng lợi nhuận, nhiều DN tuy có hệ thống xử lý chất thải, nhưng luôn cố tình vi phạm, dùng thủ đoạn tinh vi, lén lút xả thải ra môi trường, đó là lý do vì sao có những DN một thời gian dài không bị phát giác.

Nhận định về vấn đề này, PGS.TS Đinh Đức Trường, Trưởng khoa Môi trường, Biến đổi khí hậu & Đô thị -Trường ĐH Kinh tế quốc dân nêu quan điểm: Ở các nước phát triển, họ trang bị hệ thống kiểm soát phát thải chặt chẽ, tiêu chuẩn cao, DN chi phí lớn. Còn ở những nước đang phát triển như Việt Nam thì tiêu chuẩn thấp, giám sát lỏng lẻo, chi phí môi trường của DN thấp hơn rất nhiều, nên chuyển dịch sản xuất để tiết kiệm chi phí chi ra cho môi trường. Điều này lý giải cho thực trạng DN FDI “đối xử tệ” với môi trường Việt Nam thời gian qua.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng chính sách pháp luật của chúng ta còn nhiều kẽ hở. Đơn cử trong các quy định của các Luật Môi trường và Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường và Luật Xây dựng, giữa Luật Bảo vệ môi trường và Luật Tài nguyên nước... vẫn còn sự thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất.

Để cải thiện nguồn vốn thu hút đầu tư, giảm thiểu những nguy cơ ô nhiễm môi trường có thể gây ra bởi các DN đầu tư nước ngoài, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, cần “lấp đầy” các kẽ hở nói trên. Đặc biệt, cần đổi mới mạnh mẽ về chính sách trong Luật Đầu tư sửa đổi để thu hút được các nhà đầu tư có cao nghệ cao, công nghệ nguồn và tạo sự kết nối với các doanh nghiệp trong nước cũng như lan toả đầu tư nước ngoài. Đó là điều kiện để chúng ta khắc phục những điểm yếu nhất trong đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, theo giới chuyên gia ngành môi trường, Việt Nam cần hạn chế thu hút FDI vào các ngành sử dụng nhiều năng lượng, ngành gây ô nhiễm môi trường và cần mạnh tay đối với các dự án có những tác động xấu đến môi trường, vì mục tiêu phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp FDI vi phạm bảo vệ môi trường: Cần lấp những kẽ hở pháp lý

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO