Doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội: Người lao động bất an

Lê Bảo 03/11/2022 06:52

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp khó khăn, phá sản, giải thể dẫn đến tình trạng trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động.

Lương hưu được xem là “bệ đỡ” cho người lao động khi về hưu.

Doanh nghiệp nợ, người lao động trắng tay

Sống tại Hà Nội, nhưng Nguyễn Thị Hương Ngát đã có 4 năm làm việc tại công ty Du lịch ở Sapa, Yên Bái. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công ty đã ngừng hoạt động từ năm 2021, sau 6 tháng thất nghiệp, hiện chị Ngát đã tìm được một công việc tại Hà Nội. Tuy nhiên đến nay chị Ngát vẫn chưa chốt được sổ BHXH, nguyên do là bởi công ty cũ ngừng hoạt động đã lâu nhưng không đóng BHXH, vì thế việc chốt BHXH của chị gặp rất nhiều khó khăn.

“Hiện tôi đã đi làm ở công ty mới nhưng vẫn không thể đóng BHXH vì sổ cũ chưa chốt được. Người lao động chúng tôi đi làm mong muốn lớn nhất là có sổ lương hưu khi về già thế nhưng công ty nợ, không đóng BHXH cho nên giờ coi như tôi mất trắng 4 năm làm việc” - chị Ngát nói.

Một trường hợp khác, công ty không bị phá sản, vẫn hoạt động cầm chừng nhưng do số nợ BHXH quá lớn nên dù ngày nghỉ hưu đã cận kề song ông Nguyễn Văn Thọ ở Thanh Trì, Hà Nội vẫn chưa có được niềm vui cầm sổ BHXH (theo quy định, ngời lao động được trực tiếp giữ sổ BHXH của mình- PV) do công ty nợ BHXH.

“Những năm gần đây công ty luôn trong top những doanh nghiệp có số nợ tiền BHXH lớn, tôi biết điều đó nhưng vì đã có tuổi, hơn nữa gắn bó với công ty lâu năm nên cũng không muốn nghỉ. Giờ thì lại thấp thỏm không có lương hưu. Chỉ mong Nhà nước có cơ chế đảm bảo quyền lợi cho những người lao động như chúng tôi” - ông Thọ tâm tư.

Thống kê của ngành BHXH Việt Nam cho biết, tính đến đầu tháng 9/2022, số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN phải tính lãi là 14.577 tỷ đồng, chiếm 3,38% số phải thu. Ngoài ra, cơ quan bảo hiểm đã xác định số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN ở 26.670 DN phá sản, chủ bỏ trốn… là 3.176 tỷ đồng. Trước đó, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội của Quốc hội về tình hình thực hiện chính sách BHXH, BHYT đã đánh giá, tính đến 31/12/2021, BHYT Việt Nam đã rà soát và xác định có trên 29.000 đơn vị (với 206.468 lao động) đã phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn với số tiền còn chậm đóng là 3.215 tỷ đồng. Thực tế những con số này đang gây áp lực lên người lao động, họ chính là đối tượng chịu thiệt thòi nhất.

Không để người lao động bị thiệt thòi

Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), việc xử lý nợ BHXH, BHTN với các doanh nghiệp giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn là vấn đề rất phức tạp, tuy đã được nghiên cứu, báo cáo các cấp nhiều lần nhưng vẫn có nhiều ý kiến khác nhau giữa các cơ quan quản lý. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do chưa có cơ sở pháp lý về nguồn lực cho việc xử lý, chưa có số liệu chi tiết bảo đảm cho việc thực hiện xử lý khi có nguồn lực. Hơn nữa việc bảo đảm quyền lợi của người lao động trong các doanh nghiệp giải thể, phá sản... không bảo đảm nguyên tắc công bằng, bình đẳng giữa các đối tượng tham gia; có thể tạo tiền lệ cho các doanh nghiệp lợi dụng trốn đóng, chậm đóng, không khuyến khích tăng cường tính tuân thủ pháp luật về BHXH. Mặt khác, thông lệ quốc tế cũng không quy định việc xử lý với trường hợp này.

Đề cập đến vấn đề giải quyết chế độ cho người lao động, ông Lê Hùng Sơn - Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, cơ quan này sẽ tiếp tục theo dõi “sức khỏe” của doanh nghiệp để cảnh báo các cơ quan chức năng. Theo ông Sơn, việc khắc phục nợ đóng BHXH vẫn là bài toán khó tìm lời giải. Theo thống kê, hiện BHXH các địa phương trong cả nước đã chuyển hơn 300 hồ sơ các doanh nghiệp trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN sang cơ quan công an để xử lý theo quy định tại điều 216 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội "Trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động".

Sau khi cơ quan công an làm việc với các bên liên quan, một số doanh nghiệp đã nộp toàn bộ số tiền chậm đóng và trốn đóng bảo hiểm. Với các trường hợp còn lại, cơ quan công an đang củng cố hồ sơ và yêu cầu doanh nghiệp chấp hành nghiêm quy định pháp luật về BHXH, BHYT.

Để giải bài toán này, BHXH Việt Nam đề nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật liên quan đến BHXH một cách thống nhất. Ngoài ra, các văn bản quy phạm pháp luật cần quy định chi tiết về quản lý nợ BHXH với các đơn vị mất tích, chủ bỏ trốn, giải thể, phá sản, ngừng giao dịch; đồng thời, có cơ chế, chính sách giải quyết quyền lợi cho người lao động trong các doanh nghiệp có chủ sở hữu bỏ trốn.

Theo ông Sơn, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, ngành BHXH Việt Nam đã đề xuất Bộ LĐTB&XH giải quyết các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, các chế độ ngắn hạn, kể cả chế độ dài hạn như hưu trí, nếu có quá trình tham gia đóng thực cho người lao động ở các đơn vị phá sản. Trường hợp sau này truy thu được thì sẽ cộng nối điều chỉnh thêm để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Hiện nay, hồ sơ dự án Luật BHXH (sửa đổi) đã được Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Theo kế hoạch, dự án luật này sẽ được Bộ LĐTB&XH trình Chính phủ vào tháng 6/2023, Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 10/2023.

Trong dự án Luật BHXH (sửa đổi), Bộ LĐTB&XH đã phối hợp với BHXH Việt Nam và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu bổ sung chương mới về quản lý thu nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế trong quá trình tổ chức thu; xử lý vấn đề chậm đóng, trốn đóng, chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội: Người lao động bất an

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO