Doanh nghiệp thuê đất của nông dân: Phải đảm bảo hài hòa lợi ích

Trần Ngọc Kha 30/08/2017 09:15

Chủ trương vận động nông dân cho doanh nghiệp thuê ruộng đất để thực hiện những dự án nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, bằng công nghệ cao...đang được một số địa phương triển khai. Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến đồng tình, ủng hộ vẫn còn không ít những băn khoăn, e ngại từ phía các hộ nông dân. Cần có sự nhìn nhận, điều chỉnh để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nông dân và doanh nghiệp...


Tích tụ ruộng đất nhưng không được để người dân mất việc làm. (Ảnh: NNVN).

Tìm hiểu tại tỉnh Thái Bình, chúng tôi được biết, từ tháng 2/2017, tập đoàn TH Truemilk bắt đầu triển khai dự án nông nghiệp công nghệ cao trên quy mô 3000 ha tại các địa phương này, với tổng mức đầu tư lên tới 3000 tỷ đồng. Theo kế hoạch đã công bố, Tập đoàn này sẽ dùng khoảng 1/3 diện tích trên để sản xuất rau, củ quả sạch, số còn lại để trồng lúa và sản xuất dầu gạo. TH Truemilk cũng sẽ đầu tư theo chuỗi, từ xây dựng vườn ươm, trồng trọt, chiết xuất, thu hái thành phẩm, xử lý và đóng gói, phân phối ra thị trường.

Liên quan đến dự án trên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình Phạm Văn Dụng cho biết, để giúp doanh nghiệp có đất sản xuất, phương châm, cách làm của tỉnh là vận động nông dân có đất, nhất là các hộ không còn nhu cầu canh tác ủy quyền cho chính quyền địa phương cho doanh nghiệp thuê để tổ chức sản xuất, với thời gian, đơn giá, phương thức thanh toán tiền thuê đất theo thỏa thuận giữa bên thuê và bên cho thuê đất, trên cơ sở không trái với các quy định hiện hành của pháp luật.

Phía doanh nghiệp thuê đất phải đảm bảo trả cho cho người dân có đất cho thuê bằng hoặc cao hơn thu nhập từ sản xuất nông nghiệp trước đây của họ, tính bằng thóc.

Còn ông Đinh Vĩnh Thụy-Chủ tịch UBND huyện Vũ Thư-địa phương đang thực hiện dự án-thì cho biết: huyện đã sẵn sàng bàn giao những khu đất nông nghiệp sạch, liền vùng, liền thửa cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND huyện thừa nhận, trong quá trình triển khai, cả phía chính quyền và doanh nghiệp đều đang phải đối diện với những vấn đề khá nan giải. Được biết, tại huyện Vũ Thư, nông dân cho Tập đoàn TH Truemilk thuê trong thời gian 20 năm được doanh nghiệp hứa trả 120-150kg thóc/sào ruộng/năm.

Xung quanh chủ trương nông dân cho doanh nghiệp thuê đất và với mức giá thuê đất trên, hiện nông dân ở địa phương có nhiều tâm tư, ý kiến khác nhau. Theo chị Nguyễn Thị Tâm (nhà gần chợ Song Lãng, gần cầu Tân Đệ-nơi TH Truemilk đang triển khai dự án), gia đình chị sẵn sàng cho doanh nghiệp thuê đất vì cả 2 vợ chồng đều đang tập trung làm kinh doanh. Tuy nhiên, chỉ được trả 600 nghìn đến 1 triệu đồng/sào/năm, tùy theo chân ruộng lại khiến chị băn khoăn vì quá thấp.

Ông Nguyễn Xuân Hằng, Trưởng thôn An Lợi cạnh đó cho biết: “Trong mấy tháng nay, chúng tôi đã phát tới tay từng hộ dân những phiếu khảo sát. Tuy nhiên, qua tổng hợp số liệu, thì tỷ lệ người dân sẵn sàng cho thuê đất hiện vẫn là rất thấp. Lý do khiến cho họ chưa sẵn sàng có rất nhiều. Ngoài giá thuê được cho là thấp thì người dân còn có tâm lý không an tâm. Họ lo với đà trượt giá đồng tiền, chỉ vài năm nữa thôi, không biết tiền cho thuê đất họ có đủ mua gạo không, trong khi ngoài làm ruộng, họ chưa biết làm gì?”.

Được biết Tập đoàn TH đã cam kết với dân: Đối với các hộ gia đình có diện tích đất cho thuê, tập đoàn sẽ ưu tiên tạo công ăn việc làm cho 1 lao động với mức thu nhập trên 5 triệu đồng/tháng. “Nhưng đó là với lao động trẻ, khỏe. Số này phần nhiều hiện đã đi làm ăn xa hết cả. Còn bám đất, làm ruộng ở nhà tuyệt đại đa số chỉ là người già, quá tuổi lao động. Rời đồng ruộng ra, chúng tôi khó có thể kiếm được một công việc khác có thu nhập đủ sống” - vị trưởng thôn băn khoăn.

Như để minh họa cho ý kiến của mình, ông Hằng kể: Cánh đồng bí xanh mát nhà ông Nguyện vốn là chân đất cao, thường xuyên khó khăn về nước tưới. Do hiệu quả từ việc trồng lúa thấp, từ năm ngoái, 3 chú cháu ông Nguyện quyết tâm chuyển đổi sang trồng bí xanh. Năm ngoái, tổng thu nhập từ 6 mẫu bí này nhà ông được khoảng 600 triệu đồng. Trừ tất cả chi phí lãi còn được từ 300 - 400 triệu đồng. Tính ra mỗi mẫu đất trồng bí cho lãi tới 50 - 60 triệu đồng/năm, cao gấp cả chục lần so với trồng lúa. Vậy nên ông ấy có lo lắng chuyện cho thuê đất là sự đương nhiên.

Một đặc điểm chung của đồng bằng Sông Hồng là ruộng đất manh mún, nhỏ bé. Có những nơi, thửa ruộng chỉ lớn hơn cái chiếu. Sau dồn đổi thửa, ruộng đất ở Song Lãng đã rộng lớn hơn, mỗi hộ cũng chỉ còn vài ba mảnh. Nhưng do độ cao thấp, tiện nước, tiện đường cái có khác nhau, nên các hộ chỉ muốn cho thuê một phần ruộng xa nhà hoặc thấp trũng chua phèn và quyết giữ lại ít nhất cho gia đình mình 1 mảnh ruộng gần nhà, tiện cấy trồng để chủ động được gạo ăn. Điều này gây khó khăn rất lớn cho việc tích tụ khi đang xuất hiện trên cánh đồng mẫu lớn nằm giữa cánh đồng liên xã, liên thôn mênh mông hàng chục héc ta những thửa ruộng xôi đỗ của một vài hộ hoặc vài chục hộ không cho thuê. Đây cũng là một thách thức lớn đặt ra đối với những người thực thi dự án.

Liên quan đến việc tích tụ ruộng đất, tại một hội nghị bàn về vấn đề này, tổ chức cách đây chưa lâu, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo: tích tụ ruộng đất phải đảm bảo không được để người dân nghèo đi, không để người dân mất việc làm. Không đạt được điều này thì nhất định không làm. Chỉ đạo trên của Phó Thủ tướng rất cần được các địa phương quán triệt trước khi quyết định, triển khai việc tích tụ ruộng đất...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp thuê đất của nông dân: Phải đảm bảo hài hòa lợi ích

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO