Doanh nghiệp và cái khó tiếp cận

Thúy Hằng 24/01/2021 13:20

Để giúp cho doanh nghiệp đối phó với những khó khăn trong thời kỳ dịch Covid-19, Chính phủ đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ. Thậm chí nhiều biện pháp, gói hỗ trợ còn được đề xuất kéo dài tuy nhiên một bộ phận doanh nghiệp cho rằng “chính sách hỗ trợ chỉ ở trên giấy”. Ở một khía cạnh khác một bộ phận doanh nghiệp không nắm rõ các ưu đãi của Hiệp định thương mại lớn, dẫn đến không bắt nhịp được thời cuộc.

Nhiều doanh nghiệp không biết gói hỗ trợ…

Tuần trước Trường Đại học Kinh tế quốc dân phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) công bố báo cáo sau khi điều tra 380 doanh nghiệp tại 3 tỉnh/thành phố: Hà Nội, TPHCM và Thanh Hóa.

Theo kết quả báo cáo, chỉ có 22,25% doanh nghiệp nhận được hỗ trợ mặc dù Chính phủ đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp vượt Covid – 19.

Trong các lý do doanh nghiệp không nhận được hỗ trợ thì có tới 54,67% doanh nghiệp cho rằng do không đáp ứng được điều kiện; 25,95% doanh nghiệp không biết đến các chính sách hỗ trợ, 14,88% doanh nghiệp cho rằng quy trình, thủ tục hỗ trợ còn quá phức tạp nên không muốn tiếp cận..

Tỷ lệ doanh nghiệp có quy mô lớn nhận được hỗ trợ từ Chính phủ là lớn hơn nhiều so với các doanh nghiệp có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ.

Đối với các chính sách được hỗ trợ thì chính sách liên quan đến Gia hạn nộp thuế (thuế VAT, thuế TNDN) có tỷ lệ cao nhất (69,88%), tiếp đến là gia hạn tiền thuế đất và chính sách không thực hiện điều chỉnh tăng giá các yếu tố đầu vào trong sản xuất (điện, nước, xăng,…) đều chiếm tỷ lệ 18,07%...

Đánh giá về tác động của các chính sách hỗ trợ, các doanh nghiệp đều nhận định tích cực, đặc biệt là các chính sách: Miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử; vay không cần tài sản thế chấp; giảm tiền thuê đất...

Nhiều doanh nghiệp đã phải than phiền vì rất khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ. Chẳng hạn như ông Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty gỗ nội thất Lộc Phát từng chia sẻ trên báo giới rằng, do ảnh hưởng dịch, nhiều đơn hàng của công ty bị hủy hoặc bị giãn thêm thời gian. Không có đơn hàng, lương công nhân phải trả, lại gánh thêm chi phí mặt bằng, lãi vay,... trong khi không có doanh thu, khiến doanh nghiệp điêu đứng.

“Khi biết có gói tín dụng hỗ trợ cho DN gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch, tôi cũng đã đến một ngân hàng thương mại để tìm hiểu. Tuy nhiên, thủ tục để tiếp cận gói hỗ trợ này quá phức tạp. Ngân hàng còn yêu cầu tôi phải chứng minh thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra, nhưng nói thật để chứng minh điều này là không thể, là đánh đố doanh nghiệp” - ông Thanh cho biết.

Nguyên nhân chính khiến nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ chủ yếu do thiếu các thông tin hướng dẫn cụ thể. Các quy định điều kiện được hưởng các chính sách rất khắt khe khiến các doanh nghiệp khó đáp ứng được.

...Và lơ mơ về FTA

Cũng tính đến thời điểm này, Việt Nam đã tham gia ký kết 13 Hiệp định thương mại tự do (FTA), đây được coi như những “con đường lớn” cho hàng Việt lan tỏa ra khắp thế giới. Nhưng dường như, chưa nhiều doanh nghiệp ý thức được điều này.

Đại diện một doanh nghiệp sản xuất thiết bị phụ trợ tại cụm công nghiệp Từ Liêm cho hay, công ty nhỏ của ông đã thành lập được 20 năm, nhưng đến nay, khách hàng và lối sản xuất kinh doanh vẫn không có gì thay đổi.

Vị đại diện công ty này cho rằng, vì chúng tôi không làm hàng xuất khẩu, chúng tôi có các đối tác truyền thống trong nước nên không quan tâm tới hội nhập.

Sự thờ ơ của doanh nghiệp trước hội nhập đã được đại diện các bộ, ngành và hiệp hội doanh nghiệp thừa nhận. Bằng chứng là việc có tổ chức hội nghị, tọa đàm, tập huấn để tuyên truyền cũng không mấy doanh nghiệp quan tâm. Phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa hầu như không tìm hiểu kỹ các ưu đãi trong hiệp định thương mại để gia tăng thị trường hàng hoá.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phân tích, có 3 vấn đề “sát sườn” mà doanh nghiệp mong chờ ở cơ quan nhà nước trong thực thi FTA là: Nhanh chóng ban hành các văn bản pháp luật hướng dẫn thực thi cam kết; tổ chức thực hiện cam kết trên thực tế và khắc phục linh hoạt các bất cập phát sinh; phổ biến tuyên truyền cam kết để doanh nghiệp có thể hiểu và vận dụng được.

Xa hơn là các hoạt động nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính để giảm chi phí và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp yên tâm kinh doanh, sáng tạo.

Đối với EVFTA nói riêng và các FTA thực thi trong năm 2020 nói chung, các hoạt động hỗ trợ trực tiếp liên quan tới FTA của các cơ quan Nhà nước đã được cải thiện tương đối so với trước đây. Ví dụ với CPTPP, doanh nghiệp phải đợi 6-7 tháng mới có Biểu thuế xuất khẩu nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định, thì với EVFTA, việc này chỉ còn 2 tháng. Hoặc với CPTPP, những vướng mắc trong vấn đề quy tắc xuất xứ được giải quyết tương đối mất thời gian thì với EVFTA, tốc độ xử lý và giải quyết đã nhanh hơn đáng kể.

Mặc dù vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tận dụng được cơ hội do chưa nhận được hỗ trợ cần thiết, nên các cơ quan Nhà nước phải có sự hỗ trợ hiệu quả hơn nữa.

Không thể đứng ngoài cuộc

Đại dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng vượt ngoài tầm kiểm soát, làm gián đoạn đồng thời cả chuỗi sản xuất và dòng chảy thương mại toàn cầu. Là một nền kinh tế mở, với tỷ trọng xuất nhập khẩu gấp 2 lần GDP, Việt Nam chịu tác động rất lớn từ bối cảnh khó khăn này.

Tuy nhiên, trong hoàn cảnh như vậy, kết quả xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2020 là rất khả quan. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2020 ước tính xuất siêu 19,1 tỷ USD, mức cao nhất trong 5 năm liên tiếp xuất siêu kể từ năm 2016.

Rõ ràng, không có nghi ngờ gì về lợi ích của các FTA với những cơ hội ưu đãi thuế quan cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam với các đối tác FTA, qua đó giúp gia tăng cơ hội cạnh tranh về giá cho những hàng hóa này.

Nhiều quan điểm cho rằng, các FTA đã hỗ trợ phần nào bù trừ cho doanh nghiệp Việt Nam để doanh nghiệp Việt Nam phát triển được thị trường trong bối cảnh đại dịch. Khi năm 2021 khó khăn được dự báo chồng chất, cộng đồng doanh nghiệp cần linh hoạt uyển chuyển tìm hiểu các ưu đãi thuế quan từ hiệp định thương mại để gia tăng xuất khẩu.

Tuy nhiên phần lớn quan điểm cũng cho rằng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần tiếp tục được thực hiện theo hướng tập trung hơn, đúng đối tượng và theo sát nhu cầu của doanh nghiệp. Cần có chọn lọc, phân loại ngành nghề để hỗ trợ, trên cơ sở đánh giá, khảo sát nhanh tác động của dịch Covid-19 đến ngành, nghề cụ thể và có điều kiện, tiêu chí.

Bên cạnh những giải pháp ngắn hạn mang tính ứng phó với Covid-19, báo cáo cho rằng, Chính phủ cần thực hiện các giải pháp mang tính dài hạn để chuẩn bị những điều kiện cơ bản cho phát triển bền vững sau đại dịch.

Thứ nhất, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào công nghệ - đổi mới sáng tạo, có tư duy chấp nhận rủi ro và khuyến khích tinh thần khởi nghiệp.

Thứ hai, tận dụng và khai thác lợi thế của người đi sau, tăng cường sử dụng công nghệ cao thông qua trực tiếp nhập khẩu, mua bán bản quyền, thuê bao sản phẩm từ nước ngoài; chuyển giao công nghệ từ FDI.

Thứ ba, hoàn thiện thể chế; xây dựng nhà nước kiến tạo, phát triển, liêm chính; tôn trọng và bảo vệ sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế…

Thứ tư, phát triển khu vực tư nhân đổi mới, năng động, sáng tạo; đảm bảo thể chế kinh doanh bình đẳng cho doanh nghiệp tư nhân; bảo vệ lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, thực hiện liên kết với doanh nghiệp FDI.

Thứ năm, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao thông qua cải cách toàn diện hệ thống giáo dục, đổi mới chương trình đào tạo…

Nói về việc tận dụng các FTA, một số lãnh đạo hiệp hội cho biết, mỗi doanh nghiệp cũng chỉ quan tâm cái mình đang làm thôi, không thể biết được hết. Một thăm dò cuối năm 2020 cho thấy chỉ 1% tỷ lệ doanh nghiệp có hiểu biết sâu về FTA, trong khi 70% doanh nghiệp chưa biết đến CPTPP…

Đó là những con số khiến người ta “giật mình” bởi các hiệp định này vốn được kỳ vọng là “cánh cửa” dẫn doanh nghiệp ra với thế giới, giúp nền kinh tế vững mạnh, phát triển hơn.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình (Economica Vietnam), thực tế đúng là có nhiều doanh nghiệp không biết nhiều về FTA và nhiều lúc bỏ qua cơ hội. Tuy nhiên theo quan điểm của ông Bình, doanh nghiệp còn quá nhiều mối lo lắng, bận tâm khác, chẳng hạn như trong bối cảnh đại dịch phức tạp như hiện nay nên quả thực nếu chưa phải “sát sườn”, nhiều doanh nghiệp sẽ không để ý chứ đừng nói đến nghiên cứu chuyên sâu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp và cái khó tiếp cận

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO