Minh bạch thị trường tài chính

Thúy Hằng (thực hiện) 02/06/2020 08:00

Hoạt động đầu tư nước ngoài ngày càng trở nên sôi động, nhu cầu các doanh nghiệp Việt Nam niêm yết hoặc thu hút vốn trên thị trường nước ngoài ngày càng gia tăng. Ông Vũ Đức Chính, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán đã có cuộc trao đổi với báo chí về Đề án áp dụng chuẩn mực Báo cáo tài chính tại Việt Nam.

Minh bạch thị trường tài chính

Ông Vũ Đức Chính.

PV: Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa ký Quyết định số 345/QĐ-BTC Phê duyệt Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam. Xin ông cho biết sự cần thiết của Đề án?

Ông Vũ Đức Chính: Thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ, thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư, tổ chức nước ngoài đến tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu quản lý của nền kinh tế trong giai đoạn mới, Chính phủ có chủ trương phải đẩy nhanh việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về kế toán, góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới cũng như công cuộc cải cách thể chế tại Việt Nam.

Từ thực tế nêu trên, việc ban hành Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam là cần thiết để áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế đối với một số doanh nghiệp có nhu cầu, đủ điều kiện, đồng thời nghiên cứu, ban hành mới hệ thống chuẩn mực báo cáo tài chính Việt Nam áp dụng cho các doanh nghiệp khác.

Việc áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) vào Việt Nam có tác động như thế nào đối với nền kinh tế cũng như tới các doanh nghiệp, thưa ông?

- Việc áp dụng IFRS và sửa đổi, cập nhật Chuẩn mực báo cáo tài chính Việt Nam (VFRS) theo định hướng IFRS sẽ tác động rất tích cực đến việc cải thiện môi trường đầu tư, đặc biệt thu hút mạnh mẽ các nguồn lực quốc tế. Qua đó thông tin tài chính của doanh nghiệp áp dụng sẽ được quốc tế thừa nhận hơn, gia tăng lòng tin của cộng đồng các nhà đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện để niêm yết trên thị trường quốc tế hoặc nhận được các khoản vay ưu đãi từ các định chế tài chính quốc tế.

Các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam là công ty con của các tập đoàn xuyên quốc gia sẽ không còn phải mất thêm chi phí để chuyển đổi báo cáo tài chính sang IFRS cho mục đích hợp nhất báo cáo tài chính với công ty mẹ ở nước ngoài. Việc các đơn vị có lợi ích công chúng lập và trình bày báo cáo tài chính theo IFRS cũng giúp khơi thông dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) do thỏa mãn được đòi hỏi của các nhà đầu tư quốc tế thông qua các quỹ đầu tư, quỹ tín thác,...

Đối với thị trường tài chính, thị trường chứng khoán, thì việc áp dụng IFRS góp phần nâng cao tính minh bạch, khả năng so sánh của báo cáo tài chính, cung cấp nhiều thông tin hữu ích hơn cho người sử dụng báo cáo, đặc biệt tăng cường niềm tin cho các nhà đầu tư, bên cho vay, từ đó thúc đẩy thị trường chứng khoán, thị trường vốn phát triển mạnh mẽ hơn. Có thể nói, việc áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế là một trong những yếu tố để có thể đánh giá nâng hạng cho thị trường chứng khoán Việt Nam.

Báo cáo tài chính được lập và trình bày theo IFRS sẽ giảm thiểu tác động của hình thức giao dịch đến phương pháp kế toán, từ đó làm tăng khả năng so sánh giữa báo cáo tài chính của doanh nghiệp tại Việt Nam với các doanh nghiệp khác trong khu vực và thế giới. Thông tin tài chính của các doanh nghiệp được trình bày cho mục đích chung một cách trung thực và hợp lý, đảm bảo khách quan.

Lộ trình áp dụng thực hiện Đề án như thế nào, thưa ông?

- Lộ trình áp dụng sẽ có ba giai đoạn. Giai đoạn chuẩn bị (2020-2021) gồm các nội dung: Xây dựng và ban hành Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam; Thành lập Ban dịch thuật và soát xét, hoàn thành bản dịch IFRS sang tiếng Việt; Xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật phù hợp công bố bản dịch IFRS sang tiếng Việt; Xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về cách thức áp dụng IFRS; Bổ sung, sửa đổi và ban hành mới một số cơ chế tài chính liên quan đến việc áp dụng IFRS; Đào tạo nguồn nhân lực, quy trình triển khai cho các doanh nghiệp.

Giai đoạn 1, áp dụng tự nguyện (từ năm 2022 đến năm 2024): Tại giai đoạn này, các doanh nghiệp có nhu cầu và đủ nguồn lực được tự nguyện áp dụng IFRS để lập báo cáo tài chính hợp nhất. Đối tượng là các công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước quy mô lớn hoặc có các khoản vay được tài trợ bởi các định chế tài chính quốc tế; công ty mẹ là công ty niêm yết; công ty đại chúng quy mô lớn là công ty mẹ chưa niêm yết; các công ty mẹ khác.

Các doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là công ty con của công ty mẹ ở nước ngoài có nhu cầu và đủ nguồn lực được tự nguyện áp dụng IFRS để lập báo cáo tài chính riêng.

Đối với giai đoạn 2, áp dụng bắt buộc (sau năm 2025): Đối với lộ trình phương án xây dựng, ban hành và áp dụng VFRS gồm: Giai đoạn chuẩn bị (2020-2024); Giai đoạn triển khai áp dụng VFRS (từ năm 2025). Đối với giai đoạn triển khai áp dụng VFRS (từ năm 2025), giai đoạn này sẽ tổ chức triển khai áp dụng VFRS cho tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế hoạt động tại Việt Nam, trừ các đối tượng áp dụng IFRS hoặc chế độ kế toán áp dụng cho doanh nghiệp siêu nhỏ.

Có thể thấy đây là một đề án rất phức tạp về mặt kỹ thuật, Bộ Tài chính có đề nghị gì trong công tác phối hợp thưa ông?

- Đây là một đề án rất phức tạp về mặt kỹ thuật, có phạm vi rộng vì vậy Bộ Tài chính đề nghị cần có sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, của các bộ ngành, địa phương về quan điểm định hướng và mục tiêu thực hiện Đề án. Cùng với đó là tạo điều kiện cho Bộ Tài chính các nguồn lực cần thiết để triển khai, hoàn thành nhiệm vụ.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Minh bạch thị trường tài chính

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO