Đối đầu với chi phí sinh hoạt giai đoạn mới

THẾ TUẤN 04/06/2023 07:41

Văn phòng Thống kê Liên bang Đức cho biết, kinh tế nước này tiếp tục giảm 0,3% trong quý đầu năm 2023, sau khi đã giảm 0,5% trong quý cuối năm ngoái. Một nền kinh tế được coi là suy thoái khi tăng trưởng âm trong 2 quý liên tiếp. Đức là nền kinh tế đứng đầu Liên minh châu Âu (EU), vì thế khó khăn của quốc gia này sẽ tác động lớn tới toàn khối.

Người dân cân nhắc khi mua sắm tại siêu thị ở Duesseldorf, Đức. Ảnh: AFP.

Dẫn ý kiến từ đại diện Văn phòng Thống kê Liên bang Đức, đài CNN cho biết, tình trạng tăng giá cao kéo dài tiếp tục là gánh nặng đối với nền kinh tế Đức. Chi tiêu hộ gia đình tại Đức đã giảm 1,2% trong quý I/2023 do người tiêu dùng giảm bớt chi tiêu cho thực phẩm, quần áo và đồ nội thất.

Doanh số bán thực phẩm trong tháng 5 tại Đức giảm 1,1% so với tháng trước và giảm 10,3% so với một năm trước đó. Đây là mức giảm hàng năm lớn nhất kể từ khi dữ liệu giá thực phẩm được theo dõi kể từ năm 1994. Theo Trung tâm Thông tin nông nghiệp liên bang Đức, mức tiêu thụ thịt của người dân Đức trong năm 2022 thấp hơn bất cứ năm nào kể từ khi dữ liệu thống kê vào năm 1989.

Trong khi đó, các nhà bán lẻ thực phẩm lại buồn rầu cho rằng tỷ suất lợi nhuận của họ bị giảm sút vì không thể chuyển toàn bộ việc tăng giá từ nhà cung cấp sang người tiêu dùng. Markus Mosa - CEO của chuỗi siêu thị Edeka, nói với truyền thông Đức rằng công ty của ông đã ngừng đặt hàng từ một số nhà cung cấp lớn vì giá tăng chóng mặt.

Theo nhà kinh tế Claus Vistesen, chi tiêu của người tiêu dùng Đức sụt giảm bởi cú sốc về giá năng lượng, trong khi đó, việc tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu đến nay vẫn chưa khống chế được lạm phát, hiện ở mức 7% trên toàn khu vực đồng euro.

Theo ông Carsten Brzeski - lãnh đạo bộ phận kinh tế vi mô của Ngân hàng Hà Lan ING, sự suy thoái của nền kinh tế Đức tác động tiêu cực tới EU nói chung. Dẫn tình hình của Italy, ông Brzeski cho rằng đó “như một dẫn chứng cần quan sát kỹ hơn”; khi chi phí sinh hoạt đắt đỏ được cho là nguyên nhân khiến tỷ lệ sinh giảm mạnh. Ngân hàng Trung ương Italy cho biết, mức chi trung bình cho mỗi trẻ là khoảng 640 euro/tháng (tương đương 16 triệu đồng), vì thế người dân Italy có tâm lý ngại sinh con. Năm 2022, có khoảng 393.000 trẻ được sinh ra tại Italy, giảm một nửa so với năm 2008.

Giới quan sát cho rằng, vừa thoát khỏi cuộc khủng hoảng năng lượng, EU lại đối mặt với cơn bùng nổ giá thực phẩm đang làm thay đổi chế độ ăn uống và buộc người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu. Giá thực phẩm ở khu vực 27 quốc gia EU vẫn tăng dai dẳng mặc dù lạm phát nói chung đang giảm nhờ giá năng lượng thấp hơn. Dữ liệu công bố hôm 30/5 cho thấy, lạm phát ở Anh giảm mạnh trong tháng 4 nhờ giá năng lượng hạ nhiệt, nhưng giá thực phẩm ở nước này lại cao hơn 19,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Một cuộc khảo sát của Cơ quan quan thống kê Anh hồi đầu tháng 5 cho thấy gần 3/5 trong số 20% hộ gia đình nghèo nhất của Anh đang cắt giảm mua thực phẩm. “Đây là vấn đề cần phải được nhìn nhận ở chiều sâu” - Ludovic Subran, nhà kinh tế trưởng của Hãng bảo hiểm Allianz, người trước đây từng làm việc tại Chương trình Lương thực thế giới của Liên hợp quốc, nói.

Còn theo Tổ chức tư vấn Resolution Foundation, ước tính mùa hè này chi phí tăng giá thực phẩm tích lũy ở Anh kể từ năm 2020 sẽ lên đến 28 tỷ bảng, tương đương 34,76 tỷ USD, vượt xa con số 25 tỷ bảng chi phí tăng thêm của năng lượng trong mùa hè năm 2022.

“Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở Anh chưa kết thúc, mà chỉ đang bước vào một giai đoạn mới” - Torsten Bell, CEO của Resolution Foundation đưa ra nhận xét trong một báo cáo gần đây.

Vào tuần cuối cùng của tháng 5, phát biểu trước Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh (BoE) Andrew Bailey nói rằng, giá thực phẩm đang trở thành “cú sốc thứ tư” đối với lạm phát sau “các nút thắt cổ chai” gây tắc nghẽn chuỗi cung ứng trong đại dịch Covid-19, giá năng lượng tăng do tác động của xung đột Nga - Ukraine, và và thị trường lao động thắt chặt.

Tiến sĩ Andrew Bailey cho rằng một lý do khiến BoE dự báo sai về giá thực phẩm là do các nhà sản xuất thực phẩm đã ký kết các hợp đồng dài hạn đắt đỏ với các nhà cung cấp phân bón, năng lượng. Họ đã mua với giá cao vì muốn đảm bảo có sẵn hàng trong bối cảnh tình hình thị trường bất ổn. Thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn hơn nhiều trong chi tiêu của người tiêu dùng so với năng lượng. Do đó, chỉ cần một mức tăng giá nhỏ của thực phẩm cũng gây tác động lớn đến chi tiêu của số đông các gia đình.

Tuy nhiên, không chỉ EU, nhiều quốc gia ở các châu lục khác cũng đang trong tình thế khó khăn.

Số liệu thống kê của Hansot - thương hiệu nhượng quyền thương mại cơm hộp lớn nhất Hàn Quốc, công bố vào cuối tháng 5 cho thấy các đơn đặt hàng cơm hộp (theo số lượng lớn) đã tăng 35% so với cùng kỳ năm 2022. Đại diện Hansot cho rằng đồ ăn chế biến sẵn được người tiêu dùng Hàn Quốc ưa chuộng do chi phí hợp túi tiền khi 60% thực đơn chỉ có giá dưới 6.000 Won (khoảng 4,5 USD).

Khủng hoảng chi phí sinh hoạt sẽ là rủi ro ở cấp độ toàn cầu. Đây là một phần kết quả nghiên cứu thực hiện với sự tham vấn từ các tập đoàn quản lý rủi ro hàng đầu, như Marsh McLennan và Zurich Insurance, lấy ý kiến của hơn 1.200 chuyên gia. Theo đó, khủng hoảng chi phí sinh hoạt là rủi ro ngắn hạn lớn nhất tính đến năm 2025, tiếp đến là các thảm họa thiên nhiên, các hình thái thời tiết cực đoan và đối đầu kinh tế - chính trị. Giám đốc quản lý rủi ro Carolina Klint từ Marsh McLennan cho rằng, năm 2023 gắn liền với các rủi ro ngày càng tăng liên quan đến thực phẩm, năng lượng, vật liệu thô và an ninh mạng, tiếp tục gây gián đoạn các chuỗi cung ứng toàn cầu và tác động tới các quyết định đầu tư. “Kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2023 nếu như không kiềm chế được lạm phát” - bà Carolina nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đối đầu với chi phí sinh hoạt giai đoạn mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO