Đổi mới dạy ngoại ngữ trong đổi mới giáo dục

Phương Linh 24/12/2015 00:59

“Cả nước hiện có 17- 18.000 trường tiểu học mà mới chưa đến 10.000 giáo viên dạy ngoại ngữ trong biên chế thì thiếu ghê gớm, đặc biệt là giáo viên tiếng Anh. Hiện nay giáo viên ngoại ngữ bậc tiểu học vẫn đi thuê bên ngoài là chính” – ông Nguyễn Lân Trung, chuyên gia Đề án Ngoại ngữ 2020 cho biết. 

Đổi mới dạy ngoại ngữ trong đổi mới giáo dục

Ngoại ngữ là công cụ hữu ích để hội nhập.

Thách thức đào tạo ngoại ngữ

Đánh giá về thực trạng dạy ngoại ngữ, chủ yếu là tiếng Anh trong trường phổ thông, đại học hiện nay, ông Nguyễn Lân Trung cho biết: Bộ GD&ĐT đang thực hiện đến năm 2018 bắt buộc tất cả các trường phổ thông phải dạy tiếng Anh hoặc ngoại ngữ khác từ lớp 3. Bộ cũng như Đề án Ngoại ngữ 2020 đang chuẩn bị tất cả điều kiện để 100% các trường tham gia. Đây là thách thức rất lớn với giáo dục phổ thông.

Muốn làm được điều đó, ông Trung cho rằng, quan trọng nhất là phải bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên. “Hiện nay chúng ta có 17 – 18.000 trường tiểu học mà mới chưa đến 10.000 giáo viên biên chế thì thiếu ghê gớm, đặc biệt là giáo viên tiếng Anh trong tiểu học. Hiện nay giáo viên tiểu học là đi thuê bên ngoài. Nếu không có biên chế gì, thì họ cũng không tập trung, ổn định cho công việc”.

Một vấn đề cũng quan trọng nữa là vấn đề chương trình. Một chương trình nhiều sách giáo khoa, nhưng sử dụng giáo trình nào? Vấn đề khảo thí, xây dựng nguồn học liệu như thế nào? Ứng dụng công nghệ thông tin như thế nào? Mô hình cộng đồng học tập ngoại ngữ như thế nào? Tất cả tạo nên một hệ thống các giải pháp. Theo ông Trung, về đại học, chúng ta chỉ có mấy chục nghìn sinh viên chuyên ngữ, chúng ta quên mất là còn có hơn 2 triệu sinh viên đại học, cao đẳng các ngành khác cũng cần ngoại ngữ để phát triển chuyên môn của mình. Đây là định hướng rất lớn để xây dựng phương pháp dạy, xây dựng kho học liệu để các ngành khác nhau như hằng hải, môi trường, y tế… có thể sử dụng kho học liệu chung đó để phát triển chuyên môn của mình.

Đẩy mạnh mô hình học tập cộng đồng

Để đẩy mạnh phong trào học tập ngoại ngữ, nâng cao chất lượng ngoại ngữ, ông Lê Quốc Phong - Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam nhận định: Trong xu thế hội nhập quốc tế như hiện nay, ngoại ngữ chính là một trong những công cụ quan trọng và hữu ích giúp thanh niên Việt Nam có được lợi thế trong tiến trình hội nhập ngày càng sâu rộng.

Từ đầu năm 2015, Bộ GD&ĐT cũng như Trung ương Đoàn cũng đã có nhiều hoạt động thúc đẩy, khuyến khích mọi hình thức học ngoại ngữ trong cộng đồng. Bên cạnh phương thức học ngoại ngữ chính quy, đẩy mạnh mô hình học tập cộng đồng. Từng nhà trường, từng đoàn viên thanh niên cũng đã tích cực thành lập, tham gia các mô hình học tập cộng đồng hiệu quả. Chẳng hạn, tại Trường ĐH Thủ Dầu Một có tổ chức các sân chơi lớn như cuộc thi hát tiếng Anh, các CLB Ngoại ngữ, tiếng Anh chuyên ngành với sự tham gia của hơn 1.000 sinh viên…

Đánh giá cao về các mô hình học tập cộng đồng, ông Nguyễn Lân Trung nhận xét: Thời điểm hiện nay, chúng ta có thể nhìn thấy có những sự thay đổi quan trọng. Ví dụ như chưa bao giờ các lãnh đạo lại quan tâm đến trình độ ngoại ngữ, thấy ngoại ngữ là vô cùng quan trọng. Chưa bao giờ lực lượng giáo viên lại cảm thấy cần thay đổi căn bản của mình, tự tham gia các khóa bồi dưỡng, nâng mình lên. Đó là vì nhu cầu thực sự chú không phải vì chế tài. Những người cảm thấy phải tự vươn lên, chuyển động rất mạnh.

4 năm vừa qua, chúng ta cũng tiến hành hàng trăm cuộc bồi dưỡng, nhưng chỉ được khoảng hơn 30% giáo viên được tham gia vào khóa bồi dưỡng. Số còn lại tự thân họ cũng đã dần chuyển động. Phụ huynh cũng đã vào cuộc, cũng cảm thấy con mình phải biết ngoại ngữ, phải giỏi ngoại ngũ. Đội ngũ sinh viên tự cảm thấy rằng mình phải có ngoại ngữ, giao tiếp được ngoại ngữ.

Tuy nhiên thực tế cho thấy, để đạt được những chỉ tiêu đề ra trong việc nâng cao năng lực ngoại ngữ qua hình thức cộng đồng học tập còn khó khăn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đổi mới dạy ngoại ngữ trong đổi mới giáo dục

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO