Đổi mới sáng tạo phải 'đi trước một bước'

Việt Thắng 06/12/2022 11:01

Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nhiệm vụ then chốt, tạo bứt phá.

Ngày 6/12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp tục hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết trung ương 6 khoá XIII.

Dự hội nghị có Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng.

Tại hội nghị, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh truyền đạt chuyên đề về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ông Trần Tuấn Anh cho biết, Nghị quyết số 29-NQ/TW đã xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2030 Việt Nam cơ bản đạt được các tiêu chí của nước công nghiệp, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đời sống của Nhân dân được nâng cao. Ban Chấp hành Trung ương cũng đưa ra tầm nhìn đến năm 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực Châu Á.

Để cụ thể hóa mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Nghị quyết đã đề ra 7 nhóm chỉ tiêu chính với 25 chỉ tiêu cụ thể để đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình cao, đạt các tiêu chí của nước công nghiệp.

Theo đó, nhóm chỉ tiêu tổng hợp như: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân; GDP bình quân đầu người; GNI bình quân đầu người; Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế; Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu.

“Các nhóm chỉ tiêu cụ thể này là sự cụ thể hoá các chỉ tiêu về phát triển kinh tế-xã hội của đất nước được đưa ra tại Đại hội Đảng lần thứ XIII, đã được thảo luận, thống nhất với các cơ quan liên quan, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước”-ông Anh cho hay.

Để thực hiện các mục tiêu đã đặt ra, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho hay, Nghị quyết đã đề ra 10 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu bao phủ những vấn đề lớn từ đổi mới tư duy, nhận thức cho đến hoàn thiện thể chế, chính sách và giải quyết những điểm nghẽn, khắc phục những hạn chế trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa thời gian qua.

Cụ thể, về đổi mới tư duy, nhận thức và hành động quyết liệt tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước Nghị quyết xác định nội dung cốt lõi của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước theo 2 giai đoạn.

Giai đoạn 2021-2030 là thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để tạo ra sự bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế; thực hiện chuyển đổi số toàn diện, thực chất, hiệu quả, bền vững; nâng cao năng lực tự chủ về sản xuất, công nghệ và thị trường, bảo vệ và phát huy tốt thị trường trong nước. Còn giai đoạn 2031-2045, tập trung nâng cao chất lượng công nghiệp hoá và đẩy mạnh hiện đại hoá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế và đời sống xã hội.

Về xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Nghị quyết đặt ra 7 nhóm nội dung cần đẩy nhanh thể chế hoá các nghị quyết, kết luận của Đảng có liên quan đến công nghiệp hoá, hiện đại hoá để hoàn thiện cơ bản thể chế, chính sách nhằm đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Đó là tạo lập khung pháp luật cho phát triển sản xuất thông minh, mô hình nhà máy thông minh, xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn quốc gia về sản xuất thông minh; Xây dựng lộ trình, hoàn thiện các cơ chế, chính sách cho thực hiện chuyển đổi năng lượng xanh, bền vững, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia.

“Khi chúng ta có trình dự án đường sắt trên cao thì đã nhận được sự quan tâm rất lớn của toàn xã hội, trong đó có doanh nghiệp. Nếu có chính sách mua sắm công phù hợp là cái tạo điều kiện cho các ngành công nghiệp phát triển, có thể tham gia vào chuỗi”-ông Anh dẫn chứng.

Nghị quyết cũng đã chỉ rõ, nông nghiệp, nông thôn luôn là được xác định nội dung quan trọng của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhiệm vụ cần làm ngay là triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, hạ tầng kết nối nông thôn với đô thị; đẩy nhanh xây dựng hạ tầng số và dữ liệu số nông nghiệp, nông thôn. Tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá lớn, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường, thúc đẩy cơ giới hoá đồng bộ, hiện đại hoá trong toàn bộ chuỗi cung ứng; chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng nhanh tỷ trọng giá trị sản phẩm và lao động các ngành công nghiệp và dịch vụ, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển các cụm liên kết sản xuất-chế biến-tiêu thụ nông sản.

“Khi nói đến công nghiệp hoá, hiện đại hoá không chỉ có công nghiệp mà quan tâm chú trọng đến nông nghiệp, nhưng căn bản là thay đổi lại cơ cấu sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ vào trong quá trình sản xuất, chứ không đơn thuần là sản xuất theo kiểu truyền thống”-ông Anh phân tích.

Ông Anh cũng nhấn mạnh, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Đây là một trong những nhiệm vụ then chốt, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh góp phần thực hiện nhiệm vụ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá trên nền tảng tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Để giải quyết các điểm nghẽn trong phát triển khoa học, công nghệ, Nghị quyết đề ra nhiệm vụ đẩy nhanh thể chế hoá và cụ thể hoá các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Ưu tiên đầu tư cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đi trước một bước; có lộ trình tăng tỷ lệ chi từ ngân sách nhà nước tính trên GDP cho nghiên cứu và phát triển, phấn đấu đến năm 2030 đạt tỷ lệ thuộc nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN, tiệm cận tỷ lệ bình quân chung của các nước thuộc khối OECD.

Đối với một trong ba đột phá chiến lược được xác định tại Văn kiện Đại hội XIII là phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, Nghị quyết xác định cần phải rà soát, hoàn thiện các chiến lược về giáo dục, đào tạo, phát triển nhân lực quốc gia phù hợp với yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học thuộc lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ.

Hình thành các chương trình cấp quốc gia và cấp địa phương, ngành, lĩnh vực về đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài, lao động có kỹ năng, chuyên môn cao. Xây dựng và triển khai chương trình đào tạo chuyên gia, nhân lực chất lượng cao, lao động kỹ thuật trong các lĩnh vực công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn. Quan tâm đào tạo, nâng cao trình độ lao động nông thôn; tăng số lượng lao động kỹ thuật có tay nghề; phát triển nhân lực nghiên cứu, chuyên gia trong nông nghiệp. Khuyến khích phát triển các nền tảng dạy và học trực tuyến mở, thí điểm các mô hình đại học mới thích ứng với quá trình chuyển đổi số.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đổi mới sáng tạo phải 'đi trước một bước'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO