Đội ngũ trí thức và những ‘bài toán lớn’

BẮC PHONG 29/04/2023 14:16

Tại buổi khảo sát về việc 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X  (ngày 21/2/2023) về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, do đoàn công tác của Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 27 tổ chức, Phó Bí thư Thường trực - Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi khẳng định TPHCM là đô thị đặc biệt, trung tâm kinh tế văn hóa xã hội, do đó thành phố luôn xác định sự phát triển phải dựa trên nền tảng tri thức, trong đó lực lượng trí thức có vai trò rất quan trọng. Thực tế 48 năm sau Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023) đã minh chứng điều đó.

Chủ tịch UBND TPHCM cũng cho biết, để tập trung xây dựng, phát huy đội ngũ trí thức gắn với các mục tiêu phát triển, thành phố sẽ đề ra chương trình đột phá, chương trình trọng điểm. Đây như là những bài toán lớn, huy động đội ngũ trí thức tham gia vào cùng giải. “Cơ chế giải bài toán lớn này được đảm bảo bởi một hệ cơ chế chính sách bao gồm chính sách chăm lo, ưu đãi cho đội ngũ trí thức. TPHCM sẽ nghiên cứu thêm chính sách về tiền lương, nhà ở… như một cơ chế đột phá để phát triển” - ông Mãi nói.

TPHCM cần có cơ chế đột phá để thu hút đội ngũ trí thức tham gia giải những bài toán lớn của thành phố.

Đội ngũ ngày một lớn mạnh

Cũng tại buổi khảo sát 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, Chủ tịch UBND thành phố cho biết có những “trọng tâm đặt hàng” xoay quanh đợt vận động sáng tác văn học nghệ thuật kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước để có thêm nhiều tác phẩm mới có tầm vóc để đời.

TPHCM cũng đặt hàng cho Hội đồng khoa học, Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật về mục tiêu phát triển khoa học - công nghệ đến năm 2045; Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội TPHCM giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Rà soát điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2040, tầm nhìn năm 2060; Quy hoạch chung TP Thủ Đức... Riêng năm 2023, chọn 5-7 việc để làm; “cần tư duy cùng lãnh đạo thành phố để ra đề bài”.

Còn PGS.TS Dương Hoa Xô - Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật TPHCM đề xuất, nên có chương trình vinh danh trí thức tiêu biểu TPHCM 2 năm 1 lần, để qua đó động viên được nhà khoa học, nhà trí thức nói chung cống hiến cho thành phố. Ông Nguyễn Như Khuê - Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy cho biết đã có kế hoạch vinh danh đội ngũ trí thức nhân dịp 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trong đó tiếp tục quan tâm đến đội ngũ trí thức trẻ, tạo chân dung đội ngũ trí thức mới.

48 năm qua kể từ ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, TPHCM luôn là đầu tàu kinh tế, đi đầu trong nhiều chủ trương, chính sách; trong đó có đóng góp quan trọng của đội ngũ trí thức. Theo GS.TS Nguyễn Văn Phước - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật TPHCM, tiền thân của Liên hiệp hội là Hội Trí thức yêu nước TPHCM, chính thức ra mắt qua đại hội ngày 10/8/1975. Lúc đó, trọng tâm hoạt động của Hội Trí thức yêu nước TPHCM là xóa bỏ e dè giữa các nguồn, hòa nhập trí thức thành một khối, đồng thời tạo việc làm bước đầu cho trí thức song song với việc đề xuất Thành ủy ban hành những chính sách phù hợp.

Trên cơ sở đó, đến năm 1986, thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TPHCM, với 5 hội thành viên (Hội Y - Dược học, Hội Hợp tác các phòng thí nghiệm - VINATEST, Hội Luật gia, Hội Khoa học kỹ thuật xây dựng và Hội Y học cổ truyền). Đến nay, Liên hiệp hội đã có 48 hội thành viên, 8 đơn vị trực thuộc với hơn 65 ngàn hội viên; là thành viên tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam

GS Phước cũng cho biết, tới nay, đội ngũ trí thức khoa học - công nghệ TPHCM rất hùng hậu, chiếm đến 21% của cả nước, cho thấy một ưu thế rất lớn để thành phố tận dụng cơ hội bứt phá cho mục tiêu hàng đầu khu vực trong lĩnh vực khoa học - công nghệ. Đội ngũ trí thức từ 236.013 người vào năm 1999 đã tăng đến 1.508.357 người vào năm 2019, trong đó trình độ tiến sĩ tăng từ 2.835 lên 14.434 người khoảng 5 lần, còn thạc sĩ tăng từ 4.538 lên 64.279 người, tăng vượt bậc đến hơn 14 lần. Số trí thức này hiện tập trung làm việc tại gần 100 trường đại học, cao đẳng; 218 tổ chức khoa học - công nghệ và hơn 100.000 doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM

Dẫn số liệu từ Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, ông Phước cho biết, đa phần là các nhà khoa học trưởng thành chiếm gần 50% (trên 35 tuổi), và các nhà khoa học trẻ dưới 35 tuổi, chiếm gần 43%.

Bên cạnh đó, TPHCM luôn tìm cách thu hút chuyên gia, trí thức kiều bào. Tới nay, hơn 500 chuyên gia, trí thức kiều bào về làm việc dài hạn, hơn 200 trí thức hợp tác trực tiếp với các trường đại học, khu công nghệ cao.

Nhiều tập thể, cá nhân Việt kiều nghiên cứu khoa học, y học, hợp tác giảng dạy, đào tạo tiêu biểu đã được TPHCM vinh danh, có những kiều bào nổi bật như: PGS.TS Vũ Minh Khương - người Việt Nam định cư tại Singapore, giảng viên cao cấp Trường chính sách công Lý Quang Diệu, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ; TS Nguyễn Đức Thái - người Việt Nam định cư tại Hoa Kỳ, Trường Đại học Y Dược TPHCM; TS Nguyễn Hữu Lệ - người Việt Nam định cư tại Australia, Chủ tịch Công ty TMA Solutions; ông Bùi Văn Tuấn (Steve Bui) - người Việt Nam định cư tại Nhật Bản, Chủ tịch Tập đoàn Delta E&C Nhật Bản; GS.TS Võ Văn Tới và TS Nguyễn Đình Uyên (cùng là người Việt Nam định cư tại Hoa Kỳ, cùng giảng dạy tại Đại học Quốc gia TPHCM)…

Để trí thức trẻ có điều kiện hiện thực hóa ước mơ

Ngày 24/2/2023, tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Chính sách thu hút, đầu tư, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức khoa học, công nghệ trong bối cảnh mới”, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Thành ủy TPHCM và Đại học Quốc gia TPHCM, PGS.TS Ngô Thị Phương Lan - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) đã nêu vấn đề rất thiết thực: phải có chính sách tuyển dụng tốt đối với nhân lực khoa học - công nghệ được đặt hàng đào tạo sau khi tốt nghiệp. Cần tạo môi trường thuận lợi để họ chuyên tâm cống hiến. Xây dựng cơ chế thúc đẩy hợp tác và hỗ trợ điều kiện để gắn kết giữa nghiên cứu khoa học với đào tạo và sản xuất, chuyển giao khoa học công nghệ. Có cơ chế, chính sách phát hiện và hỗ trợ những sáng kiến, cải tiến và phát minh phục vụ xã hội và mang lại nhiều lợi ích. Tăng cường thành lập các quỹ phát triển tài năng khoa học và công nghệ để trí thức trẻ có điều kiện hiện thực hóa ước mơ của mình.

Đối với trí thức kiều bào, GS.TS Võ Văn Tới (Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TPHCM) đề xuất thí điểm với cơ chế đặc biệt và tập trung vào việc thu hút nhân tài cho ngành kỹ thuật Y sinh thông qua việc thành lập Trung tâm xuất sắc về kỹ thuật Y sinh cho các nước đang phát triển. Trung tâm này sẽ đón tiếp các chuyên gia từ các nước tiên tiến đến làm việc và tiếp nhận các sinh viên từ các nước đang phát triển đến học tập. GS Tới cho rằng, đây là lĩnh vực mới, xán lạn, nếu thành công sẽ giúp thu hút trí thức người Việt Nam cũng như người nước ngoài và đóng vai trò quan trọng trong việc liên kết các nước tiên tiến và các nước đang phát triển.

Cùng chung mục tiêu xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức TPHCM ngày càng đông về số lượng, mạnh về chất lượng, nhiều ý kiến cũng cho rằng lãnh đạo TPHCM cần có kế hoạch định kỳ tổ chức các cuộc tiếp xúc, làm việc với trí thức để lắng nghe ý kiến, đối thoại những vấn đề kinh tế - xã hội quan trọng và qua đó cung cấp thông tin, đặt hàng cụ thể cho đội ngũ trí thức. Đặc biệt là việc tạo môi trường làm việc thực sự phát huy dân chủ và khuyến khích trí thức tự do sáng tạo trong nghiên cứu. n

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đội ngũ trí thức và những ‘bài toán lớn’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO