Đổi thay ở Plei Pông

Hạnh Nhân 08/10/2019 07:30

Sinh năm 1979, dám nghĩ dám làm, anh Đinh Tuy, người có uy tín thôn Plei Pông đã tích cực phối hợp với cán bộ của thôn vận động người dân thực hiện Đề án dãn dân tái định cư tại thôn Plei Pông, đến nay đời sống của bà con người Bahnar đã cơ bản ổn định…

Đổi thay ở Plei Pông

Anh Đinh Tuy (ngoài cùng, bên trái).

Plei Pông là một trong 4 đồn căn cứ cách mạng trong những năm kháng chiến, nay thuộc xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai với 80% người dân là đồng bào Bahnar. Trước đây, đời sống của người dân ở thôn Plei Pông rất khó khăn và thiếu thốn, nhiều hộ nhà cửa chật chội, thiếu đất sản xuất, không có vườn tược, kết cấu hạ tầng ở khu dân cư tại đây còn thấp kém, môi trường bị ô nhiễm…Trăn trở trước cuộc sống nghèo khó đeo bám người dân thôn Plei Pông nhiều năm qua, với vai trò là người có uy tín- Bí thư Chi bộ Đinh Tuy xác định cần phải phối hợp với chính quyền và các đoàn thể trong thôn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân trong thôn thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và cuộc vận động: “Thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” do Uỷ ban MTTQ tỉnh phát động.

Thực hiện 2 cuộc vận động trên, bản thân anh Đinh Tuy và gia đình luôn hưởng ứng tham gia thực hiện trước để người dân trong làng làm theo. Thông qua các dịp lễ - hội của dân làng, các cuộc họp mặt giao lưu của dòng họ mình và trực tiếp tại các gia đình, anh Đinh Tuy đã tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con cách thức làm ăn để phát triển kinh tế, tham gia thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua do chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể địa phương phát động. Anh thường xuyên phối hợp với cán bộ thôn tổ chức nhiều buổi tuyên truyền đến người dân về 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và nội dung của Đề án phát triển kinh tế của 4 thôn trên địa bàn xã nói chung, thôn Plei Pông nói riêng. Hướng dẫn bà con trong làng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, tiết kiệm trong chi tiêu tài chính gia đình, tiết kiệm thời gian để đầu tư vào sản xuất, tạo điều kiện cho con cái học hành để có trình độ, kiến thức vươn lên thoát nghèo, được nhân dân tin tưởng và hưởng ứng thực hiện, góp phần quan trọng trong xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Với tinh thần dám nghĩ dám làm, hai năm qua anh Đinh Tuy (sinh năm 1979) đã tích cực phối hợp với các cán bộ của thôn vận động người dân di dời, sắp xếp 62 nhà chính, 11 nhà phụ, di dời 1 nhà Rông truyền thống theo vị trí quy hoạch, vận động được 74/74 hộ dân di dời chuồng bò ra khỏi gầm sàn nhà. Hướng dẫn bà con làm được 100 vườn rau xanh phục vụ đời sống. Sắp xếp bố trí thiết chế văn hóa: Hiện thôn Plei Pông có 2 nhà Rông. Anh vận động người dân nâng cao ý thức trách nhiệm trong sử dụng các công trình như điện, đường giao thông bê tông, hệ thống nước sinh hoạt đúng mục đích, quy định.

Đặc biệt, qua thời gian thực hiện Đề án dãn dân tái định cư tại thôn Plei Pông, đến nay đời sống của bà con người Bahnar đã cơ bản ổn định, nhà ở được tu sửa vững chắc hơn, đất vườn được phân lô rộng hơn (600m2/hộ) đảm bảo có đất vườn và nơi bố trí chuồng trại, tường rào ngăn giữa các hộ được thực hiện đảm bảo, nhà vệ sinh đã dần được người dân có ý thức xây dựng, chuồng trại nuôi nhốt gia sút đã được người dân di dời ra khỏi gầm sàn nhà, cảnh quan môi trường gọn gàng sạch sẽ. Bộ mặt làng nông thôn mới tại thôn Plei Pông đã được khang trang, xanh, sạch, đẹp hơn. Hạ tầng thiết yếu về giao thông được quan tâm đầu tư nâng cấp, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được cải thiện và nâng cao.

Qua kinh nghiệm thực tế ở Plei Pông, anh Đinh Tuy chia sẻ: Để công tác xây dựng nông thôn mới ở địa phương, cơ sở đạt được nhiều kết quả tốt hơn, cán bộ, đảng viên phải là người tiên phong, gương mẫu, đi đầu thực hiện bằng những việc làm cụ thể, thiết thực để người dân tin tưởng làm theo. Cùng với đó là tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến đến các tầng lớp nhân dân để người dân hiểu rõ mình là người trực tiếp được thụ hưởng từ việc xây dựng nông thôn mới, với phương châm lấy sức dân để chăm lo cuộc sống cho dân, từ đó người dân sẽ thực hiện đầy đủ nghĩa vụ và trách nhiệm của mình.

Anh Đinh Tuy cũng nhấn mạnh, cần thực hiện tốt công tác giám sát trong xây dựng nông thôn mới. Các nguồn kinh phí hỗ trợ của nhà nước, nguồn lực đóng góp của người dân phải được công khai minh bạch, tạo lòng tin trong nhân dân thì sẽ huy động được tối đa nguồn lực trong dân để thực hiện công tác xây dựng nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đổi thay ở Plei Pông

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO