Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (Chương trình MTQG 1719), Bắc Kạn đã tập trung giám sát, đẩy mạnh các dự án thành phần, góp phần từng bước nâng cao đời sống của người dân.
Là tỉnh miền núi còn gặp nhiều khó khăn, đồng bào DTTS chiếm hơn 88%. Để thực hiện tốt Chương trình MTQG 1719, Bắc Kạn đã huy động nhiều nguồn lực, lồng ghép các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đến đồng bào DTTS và miền núi. Từ đó, tỉnh đã bắt tay ngay vào triển khai các dự án, tiểu dự án.
Ông Bế Ngọc Thuấn - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn cho biết, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh được phân bổ hơn 3.000 tỷ đồng để thực hiện Chương trình MTQG 1719. Từ nguồn vốn được cấp, tỉnh phân bổ về các địa phương để triển khai xuống cơ sở. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung đẩy mạnh các hoạt động giám sát; xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, vùng đồng bào DTTS một cách đồng bộ. Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả giám sát, tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức các đoàn giám sát để nâng cao hiệu quả các công trình, dự án.
Qua giám sát cho thấy, Bắc Kạn cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đó là nguồn kinh phí sự nghiệp năm 2022 được Trung ương giao muộn; các cơ chế chính sách, văn bản hướng dẫn thực hiện của các bộ, ngành, Trung ương ban hành còn chậm, còn thiếu, nhiều nội dung chưa rõ ràng, đồng bộ, thống nhất, chưa phù hợp. Có nội dung trong tiểu dự án 1, Dự án 9 chưa ban hành đầy đủ cơ chế để triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, dẫn đến việc triển khai thực hiện Chương trình của các đơn vị, địa phương còn nhiều khó khăn và lúng lúng, địa phương phải ban hành nhiều công văn xin ý kiến hướng dẫn từ Trung ương để thống nhất cơ sở thực hiện, do đó tỷ lệ giải ngân đạt thấp.
Ông Thuấn cho biết thêm, đối với Dự án 1, “việc giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt”, qua giám sát cho thấy, định mức hỗ trợ nhà ở, nước sinh hoạt, chuyển đổi nghề trong Chương trình còn thấp nên chưa phát huy hiệu quả của nguồn vốn. Nhiều xã không có quỹ đất để giao cho các đối tượng đủ điều kiện được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất nên một số địa phương không triển khai thực hiện được nội dung hỗ trợ này. Việc giải ngân nguồn vốn hỗ trợ nhà ở từ nguồn vốn sự nghiệp đạt thấp, có địa phương khi Trung ương chưa ban hành hướng dẫn định mức hỗ trợ nhà ở nhưng UBND huyện đã ban hành Quyết định phê duyệt danh sách các đối tượng được hỗ trợ và đã thực hiện giải ngân.
Còn đối với Dự án 3: “Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị”, trong đó Tiểu dự án 1 “Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân”, các địa phương đã thực hiện giao nhiệm vụ cho UBND các xã tổ chức thực hiện theo quy định. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, để có cơ sở lập dự toán và hồ sơ thanh quyết toán theo quy định, UBND cấp xã phải thuê đơn vị tư vấn thiết kế xây dựng diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất.
“Việc này do công chức xã không có chuyên môn nên không thực hiện được, trong khi đơn vị tư vấn thiết kế trên địa bàn tỉnh rất ít, khối lượng công việc nhiều, nên tiến độ triển khai chậm, tỷ lệ giải ngân thấp…” - ông Thuấn cho hay.
Dù còn nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực vào cuộc trong thực hiện Chương trình MTQG 1719 đã cho thấy quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Hiện UBND tỉnh đã ban hành định mức bình quân diện tích đất sản xuất và các văn bản hướng dẫn thực hiện một số nội dung hỗ trợ thuộc Dự án 1 theo quy định. UBND các huyện đã triển khai và giao kinh phí cho UBND các xã thực hiện theo kế hoạch. Tỉnh Bắc Kạn cũng đã triển khai thực hiện 6 dự án sắp xếp ổn định dân cư tại các huyện. Trong đó, có 2 dự án đã thực hiện xong công tác lựa chọn nhà thầu xây lắp và khởi công trong tháng 1/2023, 4 dự án đang thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư. Còn về dự án 4, Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống vùng đồng bào DTTS và miền núi, cơ bản thực hiện đảm bảo tiến độ kế hoạch đề ra.
Tỉnh Bắc Kạn tập trung khai thác hiệu quả lợi thế, tiềm năng của từng địa phương, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững; tiếp tục xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện có hiệu quả đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn vùng đồng bào DTTS đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững. Trên tinh thần đó với những giải pháp thiết thực, cụ thể Chương trình MTQG 1719 sẽ thực sự là đòn bẩy phát triển các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi còn nhiều khó khăn, tạo sinh kế, giúp đồng bào DTTS phát triển bền vững.